Một số học giả chỉ ra rằng, có 3 điểm mấu chốt khiến Bắc Kinh thay đổi thái độ, muốn thiết lập quan hệ hữu nghị với Taliban, đó là vấn đề Tân Cương, mỏ tài nguyên đồng của Afghanistan và sáng kiến ”Vành đai Con đường”.
Vài tuần trước khi nhóm phiến quân Taliban chiếm được thủ đô Kabul của Afghanistan, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc gặp gỡ với ông Mullah Abdul Ghani Baradar, người đứng đầu Ủy ban Chính trị Taliban Afghanistan tại Thiên Tân vào cuối tháng 7.
Sau khi Afghanistan thất thủ, trang tin tức AFP đưa tin vào ngày 16/8 rằng trong một bức điện gửi từ Bắc Kinh, chính quyền này bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ hữu nghị với Taliban.
Vì sao Bắc Kinh lại có thái độ như vậy đối với một nhóm phiến quân khủng bố? Các nhà phân tích cho rằng có 3 điểm mấu chốt dẫn tới điều này.
Vấn đề Tân Cương
Vào cuối những năm 1990, Trung Quốc là một trong số ít những chính phủ có liên hệ và thiết lập quan hệ với Taliban, quá trình này bắt đầu từ năm 1998. Năm 1999, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cử một phái đoàn tới Afghanistan để hội kiến quan chức cấp cao; tới năm 2000, Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan cũng đã gặp thủ lĩnh Taliban lúc bấy giờ là Mullah Omar.
Sean Roberts, giáo sư tại Trường Quan hệ Quốc tế Elliott của Đại học George Washington cho biết, thông qua các cuộc đàm phán nói trên, Bắc Kinh đã cung cấp dịch vụ viễn thông cho chính quyền Taliban, đồng thời khai thông tuyến đường Kabul và Urumqi – thủ phủ của Khu tự trị Tân Cương, nơi dân số chủ yếu theo đạo Hồi. Tuy nhiên, Taliban phải sử dụng toàn bộ lực lượng để đảm bảo không có nhóm vũ trang nào của người Duy Ngô Nhĩ đe dọa đến Trung Quốc.
Khai thác mỏ đồng
Raffaello Pantucci, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam ở Singapore và Viện Dịch vụ An ninh Quốc phòng Hoàng gia ở London, tin rằng các hoạt động chống Taliban của Trung Quốc đã thay đổi sau khi doanh nghiệp nhà nước của họ giành được hợp đồng khai thác mỏ đồng ở Mes Aynak, Afghanistan.
Ông Pantucci nói rằng Bắc Kinh đã dần cởi mở hơn trong cách tiếp cận với Taliban và coi nhóm này như một nhánh của chính phủ Afghanistan, đồng thời tiếp tục giao thiệp với cả hai bên, chờ xem cuối cùng ai nắm quyền thì sẽ ủng hộ bên đó.
Sáng kiến “Vành đai và Con đường”
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng của Thượng viện Pakistan ông Mushahid Hussain Syed chỉ ra rằng trong tình thế hiện tại ở Afghanistan, có hai vấn đề rất quan trọng đối với cả Trung Quốc và Pakistan, thứ nhất là lãnh thổ của Afghanistan không nên được sử dụng để đối phó với Trung Quốc. Thứ hai, sau khi chính phủ mới do Taliban đại diện chính thức tiếp quản Kabul, vẫn còn phải xem liệu họ có trở thành một phần trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh hay không.
Sự ổn định của Afghanistan có vai trò then chốt với việc bảo vệ khoảng 60 tỷ USD trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở nước láng giềng Pakistan, quốc gia cung cấp một tuyến đường trên đất liền dẫn ra Ấn Độ Dương. Cân nhắc đến những lo ngại này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp các nhà lãnh đạo cấp cao của Taliban hồi tháng trước.
Monika Chansoria, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản, nói rằng Bắc Kinh có thể sẽ yêu cầu Taliban bảo đảm các vấn đề về Tân Cương và thậm chí tìm cách sử dụng không giới hạn các nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú của Afghanistan. Đồng thời Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng rất đáng để cân nhắc vào lúc này.
CCTV xóa video về Taliban sau khi bị dân mạng chỉ trích
Sau khi Taliban nắm chính quyền, đài truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV đã đăng tải một video có tựa đề “Tìm hiểu quá khứ và hiện tại của Taliban trong 60 giây” trên Weibo vào ngày 16/8. Nội dung này lại làm nhẹ đi mối quan hệ giữa Taliban và chủ nghĩa khủng bố, khiến cư dân mạng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ, hiện tại video nãy đã bị gỡ bỏ.
Trong đoạn video có nói rằng, Taliban là nhóm các sinh viên xuất thân từ dân nghèo, nhận được sự ủng hộ của nhân dân Afghanistan nên mới có thể nhanh chóng xây dựng thế lực của riêng mình và cai trị Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001. Taliban đã rời bỏ chính trường Afghanistan sau vụ 11/9 và vừa giành lại chính quyền vài ngày trước.
Video này từng đứng ở vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng 10 tìm kiếm hàng đầu của Weibo nhưng lại khiến nhiều cư dân mạng nghi ngờ. Một số người chỉ trích bộ phim vì không đề cập đến chủ nghĩa khủng bố; cũng có người hỏi lại, Taliban chẳng phải là những kẻ đã làm nổ tung tượng Phật Bamiyan vài năm trước?
Vào ngày 17/8, một công dân Bắc Kinh họ Quách cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng Taliban ở Afghanistan đã cung cấp nơi ẩn náu cho trùm khủng bố Osama bin Laden, kẻ đã lên kế hoạch cho vụ tấn công 11/9. Trong ấn tượng ban đầu của ông, nhóm này là một tổ chức khủng bố quốc tế, có các hoạt động khủng bố ở Afghanistan và biên giới với Afghanistan.
Trước những lời chỉ trích, đài truyền hình CCTV đã gỡ bỏ video này. Ngày 16/8, tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đăng lại video trên Weibo chính thức, bộ phim cũng bị dư luận chỉ trích và đã bị xóa 4 giờ sau khi đăng tải.
Tuệ Tâm (Theo Secretchina)