Những “trai đẹp” như Omar có thể gây sốt ở các nước “hiếu sắc”, còn ở chính nước họ (Các tiểu vương quốc Ả Rập) lại quan niệm: chỉ những chàng trai chẳng có tài cán gì mới làm nghề người mẫu.
Hanaa Ben Abdesslem, siêu mẫu đầu tiên của Tunisia, tuy mới 23 tuổi nhưng đã có tầm ảnh hưởng trong làng thời trang thế giới.
Hanaa ben Abdesslem đã trở thành gương mặt đại diện cho những thương hiệu thời trang và mỹ phẩm lớn trên thế giới, cô được coi là ví dụ điển hình cho sự thành công của các mẫu nữ đến từ Trung Đông.
Trước đây, Trung Đông chưa bao giờ là “vùng đất hứa” để tìm kiếm người mẫu. Luật lệ truyền thống hà khắc và bảo thủ ở đây đã kìm kẹp bước tiến của phụ nữ. Tuy vậy, giờ đây, bắt đầu xuất hiện một thế hệ mới các siêu mẫu đến từ Trung Đông. Họ xinh đẹp, tài năng và cá tính, nắm giữ những vị trí hàng đầu trong làng mẫu thế giới.
Ở Trung Đông, người mẫu Israel đang giữ thế thượng phong. Những siêu mẫu Israel nổi tiếng trên sàn catwalk thế giới phải nhắc đến Bar Rafaeli hay Esti Ginzburg.
Siêu mẫu người Israel – Huda Naccache từng một thời gây xôn xao dư luận khi xuất hiện trên bìa tạp chí thời trang Ả Rập với bộ bikini. Chính nhờ những cuộc “cách mạng” như vậy mà sự khắt khe đối với mẫu nữ ở Israel đã dần giảm bớt.
Siêu mẫu người Morocco – Hind Sahli (trái) trình diễn tại New York. Siêu mẫu người Tunisia – Hanaa ben Abdesslem (phải) xuất hiện trên thảm đỏ Liên hoan phim Cannes. Vẻ đẹp Trung Đông đang dần trở thành tâm điểm tại những sự kiện thời trang – văn hóa lớn trên thế giới.
Siêu mẫu người Israel – Huda Naccache, 23 tuổi, hiện đang theo học chuyên ngành khảo cổ tại trường Đại học Haifa, cho biết cô đã phải cố gắng để vượt qua những lời rèm pha, phỉ báng cùng sự giận dữ của người dân trong nước khi mặc bikini xuất hiện trên bìa báo. Tuy vậy, Huda Naccache khẳng định cô vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi nghiệp người mẫu sau khi hoàn tất việc học.
Nếu sự kiện Huda Naccache mặc bikini xuất hiện trên bìa tạp chí từng khiến người Ả Rập bị sốc thì việc người mẫu Thổ Nhĩ Kỳ – Sila Sahin – xuất hiện khỏa thân trên tạp chí Playboy còn là một sự kiện chấn động hơn nữa.
Sila Sahin đã bị gia đình từ mặt sau khi xuất hiện khỏa thân trên tạp chí Playboy.
Chia sẻ về câu chuyện của mình, Sila Sahin khẳng định: “Tôi quyết định thực hiện những bức hình đó bởi tôi muốn mình được tự do. Những bức hình này là tuyên ngôn của tôi, quyết giã từ với những luật lệ ràng buộc khắt khe và cổ hủ mà tôi đã chịu đựng suốt từ thời thơ ấu đến nay”.
Tuy nhiên, hầu hết những nước theo đạo Hồi vẫn giữ thái độ rất hà khắc với nghề người mẫu. Chẳng hạn tại Pakistan, các áp phích quảng cáo thời trang sử dụng mẫu nữ rất hiếm xuất hiện trên phố. Lý do là bởi các nhà thiết kế sợ sẽ châm ngòi cho những cơn thịnh nộ của các tín đồ đạo Hồi.
Năm 2012, hàng loạt biển quảng cáo thời trang ở Pakistan bị sơn đen và viết lên dòng chữ “Bán quần áo, đừng bán danh dự” chỉ bởi sự xuất hiện của một mẫu nữ trong chiếc đầm hở vai. Sang năm nay, các nhà thiết kế Pakistan đã rút kinh nghiệm và lựa chọn cách quảng cáo an toàn hơn, đó là sử dụng toàn hình ảnh tĩnh vật.
Theo quan niệm của các tín đồ đạo Hồi Pakistan, một phụ nữ đoan chính cần phải “che chắn” đầy đủ khi ra đường, điều tra xã hội tại đây cho thấy 2/3 người dân nước này phản đối sự xuất hiện của phụ nữ trong các bức hình quảng cáo.
Ở Afghanistan, hồi tháng 2 vừa qua vừa diễn ra một buổi trình diễn thời trang nghiệp dư với chỉ 7 mẫu nữ. Đây là một sự kiện nhỏ được tổ chức trong một nhà hàng ở thành phố Kabul với ánh nến thay cho ánh đèn sân khấu. Tuy vậy, đây vẫn là một sự kiện gây xôn xao dư luận bởi lần đầu tiên phụ nữ Afghanistan bước lên một sàn diễn thời trang.
Những bộ trang phục mang tính “cách mạng” được sử dụng tại buổi trình diễn này chỉ đơn giản là những bộ đầm tay ngắn, quần jean, áo phông… Ở Afghanistan, khi ra khỏi nhà, phụ nữ phải trùm khăn kín mít từ đầu đến chân, những bộ trang phục như vậy bị coi là… quá hở hang.
Để bảo vệ 7 người phụ nữ dũng cảm dám tham gia vào buổi trình diễn này, ban tổ chức đã phải cấm các hãng tin ghi hình, chụp ảnh nhằm tránh những vụ tấn công về sau có thể xảy ra đối với 7 mẫu nữ nghiệp dư này.
Tuy không gặp phải nhiều phản ứng dữ dội từ xã hội như các người mẫu nữ nhưng theo anh Sertac Tasdelen, mẫu nam nổi tiếng người Thổ Nhĩ Kỳ, nghề người mẫu vẫn chưa được cộng đồng người Ả Rập coi như một nghề nghiêm túc:
“Người dân Thổ Nhĩ Kỳ không coi trọng nghề người mẫu, đặc biệt là đối với nam giới, họ cho rằng nghề này vừa không vững chắc vừa chẳng đáng trọng. Đối với đa số đàn ông ở những nước Ả Rập, chọn nghề người mẫu là một sự lựa chọn khó khăn. Tuy vậy, trong những năm gần đây, khi kinh tế phát triển thúc đẩy nền công nghiệp thời trang phát triển theo, nghề người mẫu cũng dần trở nên phổ biến hơn và được chấp nhận rộng rãi hơn trước”.
Người mẫu Sertac Tasdelen chụp hình cho tạp chí Elle.
Sertac Tasdelen là một trong những người mẫu gốc Ả Rập có tên tuổi trong làng mẫu thế giới hiện nay. Anh xuất hiện trên nhiều tạp chí quốc tế và góp phần khiến nam giới ở các nước Ả Rập có cái nhìn tích cực hơn về nghề người mẫu.
Dàn mẫu nam đang chờ biểu diễn tại một chương trình thời trang ở Tunisia.
Nguồn: Dân Trí