Hiện nay, các tàu chiến Nga đang hiện diện ở vùng biển Syria bao gồm 10 tàu, đồng thời biên đội 3 tàu, dẫn đầu là tuần dương hạm Moskva cũng bỏ dở chuyến thăm châu Mỹ, chuyển hướng về Địa Trung Hải. Từ nay đến cuối tháng, Nga sẽ điều thêm 2 tàu tên lửa, cùng với tàu đổ bộ Nikolai Filchenkov mang theo một “chuyến hàng đặc biệt” tới bờ biển Syria, nâng tổng số tàu Nga ở khu vực này lên con số 16, trong đó có 8 tàu chiến đấu.
Thực sự Nga điều đến Địa Trung Hải bao nhiêu tàu?
Hiện nay, tàu khu trục Smetlivy và Nastoichivy, tàu khu trục chống ngầm hạng nặng Đô đốc Panteleyev, khinh hạm Neustrashimy, tàu vận tải đổ bộ Alexander Shabalin, Đô đốc Nevelsky, Peresvet, Minsk và Novocherkassk, cùng với tàu trinh sát Priazovye của Nga đang hiện diện tại Địa Trung Hải. Tàu đổ bộ Nikolai Filchenkov cũng đã hoàn tất việc bốc dỡ “chuyến hàng đặc biệt” tại cảng Novorossiisk trên Biển Đen và sắp tới Syria.
Trước đó Nga khẳng định, khinh hạm Neustrashimy và các tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn Shabalin, Đô đốc Nevelsky và Peresvet đang làm nhiệm vụ tại các khu vực chiến lược ở Địa Trung Hải sẽ được thay thế bằng nhóm tàu Đô đốc Panteleyev, và các tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn Minsk, Novocherkassk vừa đến Địa Trung Hải. Tuy nhiên, đến giờ phút này chúng vẫn hiện diện toàn bộ ngoài khơi Syria và không có dấu hiệu nào cho thấy 3 tàu sẽ trở về Nga.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Bởi vì, càng gần đến thời hạn quyết định là ngày bỏ phiếu quyết định của Quốc hội Mỹ 12- 9, không dại gì Nga lại rút các tàu trên về trong khi Mỹ cũng lấy cớ đó để tăng cường lực lượng hải quân hùng mạnh trong khu vực này, bao gồm 5 tàu khu trục, 1 tàu đổ bộ tấn công, 1 tàu ngầm hạt nhân ở Địa Trung Hải và 2 biên đội tàu sân bay ở Hồng Hải.
Tuần dương hạm hạng nặng Moskva của Nga mang theo 16 “sát thủ chống tàu sân bay”
P-500 và 64 tên lửa phòng không S-300F đến Địa Trung Hải
Nga cũng tuyên bố vào ngày 17-9 và 29-9, 2 tàu tác chiến hỏa lực mạnh là tàu tên lửa Ivanovets và tàu tên lửa điều khiển Sthil sẽ đến khu vực ngoài khơi bờ biển Syria, nâng tổng số tàu Nga ở khu vực này lên con số 16 tàu, trong đó có 8 tàu tác chiến là tàu khu trục Smetlivy và Nastoichivy, 2 tàu khu trục chống ngầm hạng nặng Đô đốc Panteleyev và Vice Almirante Kulakov, tàu tên lửa Ivanovets và tàu tên lửa điều khiển Sthil, khinh hạm Neustrashimy và đặc biệt là tuần dương hạm hạng nặng, sát thủ tàu sân bay – Moskva. Đây sẽ là chủ lực trong biên đội tác chiến, chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chiến lược của Nga ở Địa Trung Hải và hộ tống một “chuyến hàng đặc biệt”.
Nga sẽ mang “hàng đặc biệt” gì đến Syria?
Điểm đặc biệt trong đợt tăng cường lực lượng của Nga là một “kiện hàng đặc biệt” bí ẩn sẽ được vận chuyển đến Địa Trung Hải. Tàu đổ bộ Nikolai Filchenkov đã rời thành phố cảng Sevastopol của Ukraina để đến cảng Novorossiisk của Nga trên Biển Đen vào ngày 6-9, sau đó sẽ di chuyển đến bờ biển Syria. Không ai biết được, chuyến hàng đặc biệt này là cái gì. Chính điều đó đã gây ra rất nhiều thắc mắc và nghi vấn cho cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ Mỹ và đồng minh, trong bối cảnh hành động quân sự của Mỹ nhằm vào Syria được cho là sẽ tiến hành từ hướng biển.
Theo phân tích, không loại trừ khả năng tàu đổ bộ Nikolai Filchenkov sẽ mang theo các tổ hợp linh kiện còn lại của hệ thống phòng không S-300 đến Syria, hoàn tất việc tích hợp các tính năng chiến đấu của nó. Ngày 5-9 vừa qua, Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới (TSAMTO) có trụ sở tại Moscow đã cho biết là Syria đã nhận được lô thiết bị phóng và những tên lửa phòng không đầu tiên của hệ thống phòng không tiên tiến S-300PMU-2, nhưng hiện tại nó không thể sử dụng được.
Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới nhận định: “Theo tính toán của các chuyên gia, giai đoạn 1 trong kế hoạch triển khai hợp đồng có thể đã được thực hiện. Giai đoạn này bao gồm các nội dung là Nga sẽ bàn giao cho Syria các tổ hợp phóng và 1 số thiết bị bảo đảm kỹ thuật, vật tư khác”. Tuy nhiên, các tổ hợp thiết bị đặc biệt quan trọng, có chức năng kết nối các tổ hợp khác thành một thể thống nhất sẽ được xuất khẩu sau cùng.
Những hệ thống có tính chất quyết định và được xuất khẩu sau cùng bao gồm: Thiết bị chỉ huy cốt lõi của hệ thống chỉ huy, kiểm soát và chỉ huy chiến đấu; trạm radar và thiết bị đo đạc độ cao. Vì vậy, nếu chỉ thực hiện hợp đồng được một vài phần đầu, chưa bàn giao tổng thể hệ thống thì người mua sẽ không thể liên kết các tổ hợp đã nhận lại với nhau, dẫn đến kể cả có thiết bị phóng và tên lửa thì hệ thống cũng không hoạt động được.
Ông Anatoly Isaikin, Tổng giám đốc của Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga Rosoboronexport đã từng tuyên bố, hợp đồng cung cấp các 6 hệ thống phòng không S-300PMU1 và 144 quả tên lửa mà Nga đã ký với Syria vẫn còn nguyên hiệu lực của nó, Syria đã thanh toán khoản tiền đầu tiên của giai đoạn 1 trong tổng trị giá hợp đồng tới 900 triệu USD và Nga phải có trách nhiệm hoàn tất hợp đồng này.
Chuyên gia quân sự Nga, Musin cũng cho biết, các khí tài huấn luyện của S-300 cũng đã nằm trong tay chính phủ Syria và cũng đã có chuyên gia Nga sang chỉ đạo huấn luyện. Ông nhấn mạnh, Syria mua các hệ thống phòng không này đủ để trang bị cho 1 tiểu đoàn và chỉ cần 3 tàu vận tải là có thể vận chuyển nốt số khí tài còn thiếu để hình thành khả năng tác chiến.
Còn chuyên gia phân tích quân sự Ilya Kramnik của “Tiếng nói nước Nga” cho biết, thông tin lưu truyền là việc Nga hiện diện một số lượng lớn bất thường các tàu vận tải đổ bộ ở khu vực Địa Trung Hải (6 tàu thay phiên nhau ra, về) có thể liên quan đến vấn đề vận tải các hệ thống tên lửa phòng không đến Syria. Các chuyên gia phân tích quân sự thì cho là như vậy nhưng tất cả các quan chức quốc phòng Nga thì đều từ chối bình luận về vấn đề này.