Sự trỗi dậy của nhạc sến khiến khán giả ủng hộ nhưng giới làm nghề cảm thấy băn khoăn liệu điều đó có làm âm nhạc Việt Nam thụt lùi.Sức sống ‘âm ỉ’ của dòng nhạc sến
Một nền âm nhạc đa dạng là nền âm nhạc mà ở trong đó có nhiều dòng nhạc phát triển song song. Các thể loại âm nhạc tồn tại độc lập, đôi khi sự ‘vượt trội’ của thể loại này có thể đe dọa sức sống lâu dài của thể loại kia, nhưng không vì thế mà chúng có thể lất át, che lấp được lẫn nhau.
Có lẽ trong thị trường âm nhạc Việt Nam, dòng nhạc gây tranh cãi nhất nhưng vẫn có được lượng công chúng đông đảo của riêng nó là dòng nhạc sến.
Chế Linh là danh ca tiêu biểu của dòng nhạc sến. |
Nhạc sến chưa bao giờ bùng phát và trỗi dậy một cách mạnh mẽ, thế nhưng nó vẫn âm ỉ tồn tại và phát triển bên cạnh những dòng nhạc khác mà đôi khi nhìn lại chúng ta chợt thấy nhạc sến vẫn ở đó, vẫn được đông đảo công chúng ưa thích.
Hiện nay, làn sóng ‘về nguồn’ của các ca sỹ hải ngoại khiến dòng nhạc này một lần nữa lại được sống lại. Họ là những ca sỹ được nhiều tầng lớp hâm mộ, và khi họ có dịp trở về nước, thì những khán giả ái mộ phải kiếm bằng được tấm vé để xem lại người từng hát các ca khúc yêu thích của mình 30 năm về trước.
Chính sự trỗi dậy này, cùng với những giá trị sẵn có, càng làm cho nhạc sến phát triển và trở thành một trào lưu mà bất cứ ca sỹ nào cũng phải có một vài bài nhạc sến trong các sản phẩm của mình.
Không thể phủ nhận một thực tế rằng hiện tại đang có rất nhiều ca sỹ theo đuổi dòng nhạc này, và sự đổi mới này lại làm cho họ có được nhiều khán giả yêu thích hơn. Đơn cử như trường hợp của Lệ Quyên, cô có lẽ là trường hợp tiêu biểu nhất khi người ca sỹ chuyển từ một thể loại âm nhạc khác sang nhạc sến lại được nhiều sự mến mộ đến thế. Những album nhạc sến của cô tái bản hết lần này đến lần khác, và nếu có một thống kê cụ thể thì có lẽ cô sẽ nắm danh hiệu ca sỹ bán được nhiều đĩa nhất nhờ dòng nhạc sến.
Một ví dụ nữa không thể không nhắc đến là Đàm Vĩnh Hưng. Có lẽ chưa có thể loại âm nhạc nào là Đàm Vĩnh Hưng chưa hát, và dù nhạc sang, nhạc sến, nhạc vàng nhạc đỏ thì liveshow hay album nào của anh cũng có những hàng dài khán giả xếp hàng để được sở hữu.
Nhìn vào số lượng sản phẩm liên tục được ra mắt, những liveshow kín đặc không còn một chỗ ngồi của Đàm Vĩnh Hưng, có thể thấy anh đang làm việc hết công suất và được ‘trả công’ xứng đáng.
Đàm Vĩnh Hưng nổi tiếng với việc hát tất cả các thể loại nhạc, trong đó có nhạc sến. |
Không phải ai cũng đủ thông minh như hai ca sỹ trên để biết đâu là thế mạnh của mình. Hiện nay có rất nhiều ca sỹ, từ trẻ đến vừa hết trẻ, từ triển vọng đến ‘sắp tàn’ đều đang cố hướng mình vào nhạc sến.
Để nổi tiếng cần nhiều yếu tố hơn là hát nhạc xưa, và rõ ràng lấy nhạc xưa ra để thu hút khán giả là một sai lầm. Điều đó chỉ càng chứng tỏ rằng nhạc sến có một vị trí quá vững chắc để một số người lầm tưởng nó như một ‘chiếc phao cứu sinh’ giúp họ không bị chìm nghỉm giữa một biển đầy sao.
Điển hình như Khánh Linh, đã từ lâu cô vẫn được coi là một giọng hát vàng của nhạc nhẹ. Âm nhạc của cô luôn nhẹ nhàng, tươi mới và đầy yêu đời thì bỗng nhiên trong album mới nhất của mình, bài hát Người tình trăm năm lại nằm lọt thỏm giữa những ca khúc khác vẫn theo phong cách cũ của cô.
Có thể một số khán giả tin lời Khánh Linh nói, rằng album chỉ gồm những ca phúc cô thích mà không mang nặng tính tổng thể. Nhưng những người chuyên nghiệp thường không bao giờ ra một sản phẩm ngẫu hứng như thế.
Lệ Quyên có lẽ là người nẵm giữ kỷ lục bán được nhiều album nhạc sến nhất showbiz Việt. |
Tại sao nhạc sến vẫn ‘cuốn hút’?
Nhạc sến được khuấy động lại bởi các ca sỹ hải ngoại cũng như trong nước, nhưng sự ‘sống lại’ này không mang ý nghĩa hồi sinh, nó chính xác là sự ‘hồi tưởng’ những ký ức đã lâu chưa được lật lại.
Cũng vì thế, các cac sỹ hiện nay đang ‘nhân danh’ nhạc xưa để muốn làm mới lại những giá trị cũ. Vẫn cách hát cũ, vẫn những bản phối cũ, người nghe không hiểu họ ‘làm mới’ ở chỗ nào.
Bởi thay đổi các giá trị có sẵn gần như mà một con dao hai lưỡi. Nếu sự thay đổi đó thực sự xuất sắc, bạn sẽ được ghi nhận. Nhưng để vượt qua những tên tuổi trước đó, dường như không ai có khả năng.
Ngay đến Đàm Vĩnh Hưng, mặc dù những ca khúc nhạc sến của anh luôn được đón nhận. Nhưng sự ‘mở lòng’ đó của khán giả chỉ là tò mò xem anh hát nhạc sến như thế nào, còn thực sự tên tuổi anh ít ghi gắn liền với ca khúc nào đã từng có người hát trước đó.
Mặt khác, sự ‘quẩn quanh’ với nhạc sến vô tình làm mòn đi tính sáng tạo trong mỗi ca sỹ và những người làm nghệ thuật. Bởi nghệ sỹ là người hoạt động sáng tạo, họ nên đi tìm những cái mới, những giá trị chưa từng được khai quật hơn là cứ đào bới những giá trị xưa cũ.
Đứng trước sự phát triển của nhạc sến, có ý kiến cho rằng một phần là do các nhạc sỹ trẻ hiện nay đang bế tắc với công việc sáng tác. Những sản phẩm của họ không đủ thuyết phục, chỉ là cóp nhặt các dòng nhạc, các xu hướng trên thế giới và hoà trộn lại thành sản phẩm cho riêng mình. Và cũng chính vì điều đó, khán giả lại quay về những thứ đã in đậm sâu vào trong kí ức mỗi người, càng làm cho nhạc sến tồn tại lâu hơn.
Những người làm nghề nên là người định hướng âm nhạc Việt Nam. Bạn không thể dọn lên một món ăn mới lạ không hoàn chỉnh nhưng lại không cho khách hàng lựa chọn những món ăn quen thuộc. Âm nhạc là thói quen, mà thói quen thì thay đổi được.
Thay vì lên án nhạc sến, thì có lẽ các nhạc sỹ nên có thêm nhiều sự sáng tạo mới mẻ hơn, giúp cho những cái hay cái lạ được phát huy tối đa, nâng cao tầm nhận thức của khán giả cũng như của âm nhạc Việt Nam.
Còn những thứ có giá trị với thời gian, hãy cứ để nó như thế, bởi nó luôn ở đó, luôn tồn lại như một phần không thể thiếu của âm nhạc. Nhạc sến không làm ảnh hưởng đến ai, nếu mọi người đừng nhân danh nhạc sến.Hiếu Cao
(vtc.vn)