Các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) vừa mổ nội soi khớp vai cho một bệnh nhân, lấy ra được khoảng 300 viên sỏi màu trắng giống như những hạt trân châu.
Bệnh nhân là anh Nguyễn Đông Tới, 37 tuổi, nhà ở Đông Anh (Hà Nội). Theo lời kể, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau vai trái cách đây 6 năm, đau tăng trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là khi vận động cánh tay trái. Thời gian gần đây, anh cảm thấy khớp vai trái như cứng lại, rồi không thể cử động được. Ngoài điều trị bằng các thuốc tây y, anh cũng đã điều trị theo các phương pháp đông y như dùng thuốc, chườm nóng, xoa bóp, bấm huyệt nhưng các triệu chứng vẫn ngày càng nặng thêm.
Ảnh chụp cho thấy sỏi bao trùm hết vùng khớp vai trái của bệnh nhân Tới. |
Khi thấy khớp vai trái bị cứng hoàn toàn, anh Tới đến Bệnh viện Xanh Pôn khám, được chụp Xquang và cộng hưởng từ khớp vai. Sau khi hội chẩn với tiến sĩ Nguyễn Hạnh Quang (Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình) và chuyên gia chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ kết luận anh Tới bị mắc bệnh U xương sụn màng hoạt dịch, trong ổ khớp vai của anh có rất nhiều sỏi, là nguyên nhân gây ra triệu chứng đau, giảm vận động, nếu không được phẫu thuật kịp thời thì nguy cơ mất hồi phục khớp này.
Bác sĩ Vương Trung Kiên, Phó khoa Chấn thương chỉnh hình, người trực tiếp mổ nội soi cho anh Tới, cho biết phải mất 3 tiếng mới lấy ra hết gần 300 viên sỏi, đường kính trung bình mỗi viên khoảng 10mm, trắng tròn như những hạt trân châu. Bệnh tuy ở giai đoạn muộn nhưng anh Tới đã may mắn được phát hiện và phẫu thuật. Sau mổ bệnh nhân hồi phục vận động khớp vai rất tốt và đã hết dần các triệu chứng đau, song vẫn phải tập phục hồi chức năng một thời gian.
Toàn bộ số sỏi này từng nằm trong ổ khớp vai trái của bệnh nhân. |
Cũng theo các bác sĩ, màng hoạt dịch là màng trong cùng của bao khớp, có vai trò tiết ra dịch nhờn làm trơn bề mặt hoạt động của khớp. U xương sụn màng hoạt dịch là tình trạng phát triển bất thường của cấu trúc sụn trong màng hoạt dịch, kèm theo hiện tượng lắng đọng canxi. Những hạt canxi lắng đọng phát triển to dần, dính vào màng hoạt dịch bằng một cái cuống và tạo thành từng chùm giống như chùm nho. Ở giai đoạn muộn của bệnh, xuất hiện những “quả nho” rơi vào trong khớp, gây hiện tượng cọ sát, chèn ép vào sụn, làm tổn thương bề mặt khớp, thoái khớp, phá hủy khớp.
Bệnh chỉ biểu hiện ở một khớp, hay gặp là khớp háng, khớp gối, khớp vai. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào siêu âm, chụp X quang, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ để xác định và đánh giá giai đoạn tổn thương từ đó có phương pháp điều trị hợp lý.
Khi chưa có hiện tượng các hạt canxi rơi vào ổ khớp, bệnh nhân có thể được điều trị bằng các thuốc giảm đau nhằm giảm triệu chứng. Ngược lại, khi đã có sỏi ổ khớp thì chỉ định mổ lấy sỏi là cần thiết, mọi phương pháp điều trị khác đều không còn tác dụng. Trước đây, các bác sĩ dùng phương pháp mổ mở cắt vùng bao hoạt dịch bị tổn thương, đồng thời gắp sỏi trong ổ khớp. Phương pháp này có hạn chế là lấy sỏi khó khăn, đường mổ lớn cùng với việc cắt bao hoạt dịch làm tổn thương khớp nên kết quả phẫu thuật khá hạn chế.
Ngày nay, nhờ có phương pháp mổ nội soi nên việc lấy sỏi trở nên dễ dàng, tránh nguy cơ sót sỏi, đồng thời bao hoạt dịch được bảo tồn nên khả năng hồi phục khớp là rất tốt. Phương pháp mổ nội soi còn cho phép thực hiện những lần mổ sau khi bệnh nhân tái phát sỏi trong ổ khớp.
Bác sĩ Trần Văn Phúc Theo VnExpress.net