Súng không giật M40 của Mỹ đã bất ngờ xuất hiện tham chiến tại Syria trong tay lực lượng nổi dậy.
Trong một đoạn video được đăng tải trên Youtube về cuộc nội chiến tại Syria, một loại vũ khí đồ cổ của Mỹ đã bất ngờ xuất hiện trong tay lực lượng nổi dậy. Vũ khí cổ đó chính là loại súng chống tăng không giật M40 106mm. M40 106mm được sản xuất tại Mỹ vào giữa năm 1950, loại súng này đã được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh Việt Nam. Đến những năm 1970, nó đã không còn được sử dụng trong quân đội Mỹ.
Một phiến quân Syria đang nhắm mục tiêu bằng súng không giật M40 106mm. |
Tuy nhiên, không biết bằng cách nào loại súng này đã xuất hiện trong tay quân nổi dậy tại Libya năm 2011 và bây giờ đến Syria. Với thiết kế gọn nhẹ, dễ dàng di chuyển, sử dụng đơn giản, hỏa lực mạnh, M40 đã trở thành một vũ khí lợi hại cho chiến tranh phi đối xứng.
Mặc dù quân đội Mỹ không còn sử dụng M40 nhưng vẫn còn lưu giữ khá nhiều trong kho. Loại súng này đã được sử dụng cho một số lực lượng đặc biệt của quân đội Australia, Đan Mạch tại Afghanistan. Họ đã mua M40 từ nhiều thập kỷ trước theo chương trình bán hàng quân sự nước ngoài rộng rãi cho lực lượng mặt đất.
Trong chiến tranh Libya năm 2011, M40 đã được quân nổi dậy sử dụng trong các hoạt động chiến đấu ở khu vực đô thị nơi họ đã tấn công các xe tăng, lô cốt của quân đội chính phủ Libya. Số lượng M40 rơi vào tay các lực lượng phiến quân vẫn là một ẩn số.
M40 xuất hiện ở Libya cùng với hàng ngàn khẩu FN của Bỉ. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ rằng chúng được lực lượng tình báo phương Tây cung cấp. Những khẩu súng M40 xuất hiện ở Syria cũng có thể đến từ cùng một nguồn cung cấp với lực lượng phiến quân Libya, hay thậm chí là do chính lực lượng này cung cấp.
M40 đã được phiến quân Libya và Syria độ lại theo kiểu như thế này để tăng khả năng cơ động. |
Ngoài ra, một khả năng khác là M40 xuất hiện tại Syria có nguồn gốc từ Iran. Lúc trước, Mỹ đã từng cấp phép cho Iran sản xuất M40 với tên gọi súng chống tăng 106. Loại súng này đã được xuất khẩu rộng rãi cho một số nước Trung Đông, trong đó có Syria và có thể từ đó, nó rơi vào tay quân nổi dậy.
Trong tay quân nổi dậy Syria, súng M40 đang được sử dụng để tấn công lực lượng tăng thiết giáp hay công kích các lô cốt của quân đội chính phủ Syria và gây cho lực lượng này khá nhiều thiệt hại.
Mặc dù Mỹ đã loại bỏ nó nhưng các kết quả sử dụng trên chiến trường cho thấy nó vẫn là một vũ khí xuất sắc, thậm chí trong một số trường hợp nó còn tỏ ra hiệu quả hơn nhiều so với các loại vũ khí đắt tiền thay thế nó như tên lửa chống tăng TOW, Javelin.
Một số tên lửa chống tăng TOW không hoạt động được trong môi trường khắc nghiệt, một số khác lại đòi hỏi tầm bắn đủ xa mới phát nổ làm cho nó giảm tính hiệu quả trong các tính huống cận chiến. Đặc biệt khi tấn công các mục tiêu bên trong các tòa nhà, hầm hào M40 lại tỏ ra hiệu quả hơn.
M40 có nguyên tắc hoạt động khá đơn giản dựa trên nguyên lý phản lực, viên đạn được nạp từ phía sau, vị trí khóa nòng ở đuôi có các lỗ thông hơi để khi bắn một phần áp lực thuốc sẽ thoát ra sau, do đó súng hầu như không giật khi bắn.
M50A1 với 6 khẩu súng không giật M40 từng được Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. |
Nhờ nguyên lý hoạt động đó nên súng có sức công phá tương đối lớn, khả năng bắn trực tiếp của súng rất cao, sức xuyên lớn. Đặc biệt, súng M40 rất dễ gắn lên các phương tiện như xe Jeep hay các loại xe chiến đấu bộ binh khác, mang lại khả năng cơ động rất cao, cũng như hỏa lực mạnh.
Súng được gắn trên giá đỡ gồm 3 chân chống, súng có chiều dài 3,04 mét, chiều cao tổng thể 1,12 mét, trọng lượng 205kg. Trên súng có tích hợp sẵn kính ngắm, giá súng có thể điều chỉnh góc nâng của súng từ -17 đến +65 độ. Tầm bắn tối đa 6,8km, tầm bắn hiệu quả 1,35km, súng sử dụng đạn có kích thước 106x607mm.
Sự xuất hiện của súng không giật M40 của Mỹ tại Syria đã góp phần làm phức tạp thêm cuộc nội chiến tại đây. Người Mỹ vốn tôn sùng các thiết kế theo kiểu hiện đại tự động hóa cao mà coi nhẹ các thiết kế theo kiểu “con nhà nghèo” như M40. Tuy nhiên, trong một số trường hợp những vũ khí kiểu này lại cho kết quả xuất sắc hơn các vũ khí đắt tiền. Theo Minh Đức (Soha.vn/Trí thức trẻ)