Ngày 3/9 vừa qua, doanh nhân Phạm Đình Nguyên đã chính thức tuyên bố đổi tên thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ Buford thành PhinDeli Town Buford và khai trương kinh doanh cà phê Việt. Ngay lập tức, thông tin lại khiến báo giới Mỹ “phát sốt”.
Từng gây “sốt” giới truyền thông cả trong và ngoài nước Mỹ khi được bán cho một doanh nhân Việt Nam với giá 900.000 USD trong một cuộc đấu giá gay cấn tháng 4/2012, thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ hôm 3/9 vừa qua khiến báo giới địa phương xôn xao khi chính thức được chủ nhân đổi tên và chào bán cà phê từ Việt Nam.
“Hương vị mới cho thị trấn xa xôi của Wyoming: Cà phê Việt Nam”, hãng tin AP giật tít. Kênh truyền hình NBC news in đậm “Thị trấn một cư dân của Wyoming trở thành trung tâm cà phê Việt Nam trong ngày mở cửa trở lại”.
Tờ Tin tức Wyoming thì nhanh nhẹn thông báo về tên mới của thị trấn: “PhinDeli Town Buford: Mở cửa kinh doanh”. Trang tin tài chính Marketwire thông báo: “Buford, Wyoming: Thị trấn nhỏ nhất của Mỹ được tiếp sức bởi cà phê Việt Nam”.
Nhiều kênh truyền hình Mỹ như CBS, 9news, KTWONews thậm chí đã cử phóng viên tới tận nơi để đưa tin về sự kiện này.
Với sự tham dự của khá đông cư dân địa phương, doanh nhân Phạm Đình Nguyên, chủ nhân mới của thị trấn đã cùng với bạn làm ăn của mình là CEO công ty cà phê PhinDeli Đỗ Tuấn cùng vị cựu thị trưởng, ông Don Sammons, cùng làm lễ ra mắt tên mới của thị trấn: PhinDeli Town Buford.
Tên của thị trấn, được lí giải là mang nghĩa “cà phê phin ngon”.
“Đã có rất nhiều đồn đoán và sự thích thú được tạo ra sau đợt đấu giá tháng 4 năm ngoái. Mọi người đều muốn biết bước tiếp theo sẽ là gì”, ông Nguyên nói. “Hôm nay tôi đã có câu trả lời cho thế giới, cho người dân Mỹ, và quan trọng hơn, là cho cộng đồng Buford và bang Wyoming”. Ông Nguyên cũng khẳng định: “Giấc mơ Mỹ của tôi đã thành sự thật”.
Sau thời gian dài đóng cửa do công dân duy nhất Don Sammons rời đi, thị trấn này nay đã mở cửa trở lại khi ông Sammons quyết định cùng ông Nguyên điều hành hoạt động kinh doanh tại đây: bán xăng, cửa hàng tiện lợi và giờ là cà phê.
Ông Sammons cho biết mình sẽ theo dõi công việc kinh doanh từ nhà mình ở Loveland, Colorado. Thị trấn đã có một nhân viên được tuyển dụng để đảm bảo dân số ở đây là 1 người. “Tôi sẽ đảm bảo rằng các quy tắc được tuân thủ và việc giám sát bồn xăng và các việc khác được quan tâm”, ông Sammons nói.
Xem clip ngày ra mắt tên mới của thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ
Vị cựu thị trưởng, một cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam, khẳng định sự chuyển mình của thị trấn là một minh chứng cho thấy con người có thể vượt qua những khác biệt để cùng đạt được một mục tiêu.
“Thị trấn này rất gần gũi với tôi, tôi nghĩ rằng Buford giờ đây có thể khiến hai đất nước lại gần nhau hơn nữa. Tôi đã ở Việt Nam năm 1968 và 1969 trong những hoàn cảnh khác nhau, và giờ, 45 năm sau, chúng tôi thực sự lại sát cánh cùng nhau, gọi nhau là bạn. Việc này thật tuyệt vời”.
Những người Mỹ khác có mặt trong buổi ra mắt tên mới của thị trấn cũng tỏ ra rất thích thú, tò mò với sản phẩm cà phề Việt.
Lori Hogan, đến từ Văn phòng du lịch Wyoming nhận định thị trấn nhỏ bé này từ nay sẽ thêm được chú ý trên thế giới và có thể thu hút nhiều du khách hơn. “Thật thú vị khi mọi người sẽ ghé lại nghỉ ngơi và trở thành một phần của lịch sử”, Hogan nhắc tới lịch sử 147 năm của thị trấn. “Giờ nơi đây là một địa điểm quốc tế. Chúng ta sẽ được biết đến nhiều hơn, nhất là tại thị trường châu Á, và chúng ta sẽ đón nhiều du khách hơn”.
Cư dân gần Buford cũng tỏ ra rất vui khi thấy cửa hàng duy nhất trong khu vực mở cửa trở lại. Nơi đây từng đóng cửa suốt 18 tháng qua trước khi được mở lại hồi tháng 7.
“Thật tốt khi thấy Buford mở cửa trở lại”, Randy Shaw, người sống cách thị trấn khoảng 8km về phía Bắc chia sẻ. “Nó rất gọn gàng. Và thật tuyệt khi thấy có thứ gì đó hơi khác đi tại đây”. Về món cà phê được uống thử, ông khẳng định “nó ngon đấy”.
Trong khi đó một cư dân khác có tên Alex Kirkpatrick thì khẳng định với mình “cà phê vẫn là cà phê”, nhưng ông mừng vì nơi mua sắm này đã mở cửa trở lại, mà quan trọng nhất là người dân ở quanh đây có một nơi tụ họp.
“Chúng tôi cần một nơi cho những người láng giềng có thể gặp gỡ, trò chuyện. Ở đây mọi người ở rất phân tán và chúng tôi ít khi gặp nhau thường xuyên. Nhiều năm trước, Buford là một nơi như vậy, nhưng chúng tôi đã đánh mất điều đó cùng thời gian. Hy vọng sự kiện này sẽ làm hồi sinh điều đó”.
Thanh Tùng
Tổng hợp Nguồn: Dân Trí