Các nhà khoa học là những người thường xuyên tiến hành nghiên cứu mới nhằm mang đến cho cuộc sống chúng ta nhiều tiện ích tiên tiến hơn. Hầu hết các nhà khoa học thường tiến hành nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, nhưng một số khác lại thực hiện ý tưởng của mình bằng hành động trong thực tế. Trong đó, có một số việc vô cùng độc đáo và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào.
Cùng điểm lại một vài công việc nguy hiểm mà giới nguyên cứu vẫn đang thực hiện để đạt được ước mơ chinh phục khoa học dưới đây.
1. Vắt nọc rắn độc
Hàng năm, có hàng nghìn người trên thế giới tử vong do rắn và những loài có độc cắn mà không có biện pháp cứu chữa kịp thời. Điều này đòi hỏi các nhà khoa học phải có những biện pháp nhằm hạn chế và tạo ra cách có hiệu quả để cứu những nạn nhân bị cắn.
Một trong những công việc đó là trực tiếp lấy nọc độc từ các loài có độc để chế tạo huyết thanh kháng nọc. Tuy nhiên đây là một công việc cực kỳ nguy hiểm.
Đã có nhiều nhà khoa học từng bị rắn cắn khi lấy nọc rắn.
Việc vắt nọc một con rắn hoàn toàn không phải là điều dễ dàng. Họ phải dùng tay mở miệng con rắn và cắm răng nọc của nó vào lọ có màng bọc để trích lấy nọc độc. Công việc này đòi hỏi người thực hiện phải có một tinh thần “thép”. Hầu hết những nhà khoa học thực hiện công việc này đều bị rắn cắn và có trường hợp đã bị cắn trên 20 lần.
Mức lương cho công việc này vào khoảng 30.000 USD/năm (tương đương 624 triệu VND).
Để chứng kiến phương thức lấy nọc độc của rắn hổ mang chúa, mời bạn xem video dưới đây:
2. Săn bão
Việc đuổi theo những cơn bão hay lốc xoáy là công việc hết sức nguy hiểm nhưng điều đó rất bình thường đối với một số nhà khí tượng học. Những cơn bão thường di chuyển với một vận tốc rất nhanh và kèm theo đó là lốc xoáy hoặc tia sét gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Nghề săn bão chứa đựng nhiều rủi ro.
Hàng năm, có hàng nghìn người trên thế giới chết do bão gây ra. Công việc của các nhà khí tượng học là đuổi theo những cơn bão và thu thập thông tin nhằm đưa ra dự đoán chính xác hơn về bão trong tương lai.
Mức lương trung bình mà mỗi “tay” săn bão kiếm được là khoảng 60.000 USD/năm (tương đương 1,2 tỷ VND).
Mới đây, vào tháng 5/2013, Tim Samara – một người săn bão liều lĩnh cùng con trai của ông đã chết khi đuổi theo một cơn lốc xoáy ở El Reno, tiểu bang Oklahoma với mong muốn tìm hiểu đường đi của cơn lốc này.
Video cho thấy cận cảnh công việc săn bão phục vụ khoa học.
3. Phi hành gia vũ trụ
Phi hành gia cũng là một trong những nghề nguy hiểm được đề cập khi phải đối mặt với những điều kiện làm việc khắc nghiệt nhất. Những phi hành gia trước khi thực hiện sứ mệnh thường trải qua quá trình tập luyện gian khổ tại các trung tâm vũ trụ. Tuy nhiên, nguy cơ tử vong cũng rất cao do họ phải đối mặt với sự bắn phá của tia UV khi di chuyển ngoài vũ trụ.
Phi hành gia phải đối mặt với nhiều nguy hiểm ngoài không gian.
Khi quay về Trái đất từ trạm vũ trụ, các phi hành gia vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị yếu xương và teo cơ do phải ở trong môi trường không trọng lực trong một thời gian dài.
Số tiền các nhà du hành vũ trụ Mỹ nhận được khá cao – khoảng 130.000 USD/năm (tương đương 2,7 tỷ VND) bất kể họ ở trong không gian hay là trên mặt đất.
4. Nghiên cứu cá sấu
Việc nghiên cứu cá sấu chủ yếu được tiến hành ở Australia nhằm bảo vệ những con cá sấu khỏi việc bị nhiễm khuẩn. Những nhà nghiên cứu thường đi vào ban đêm và dùng đèn cao áp soi vào mắt cá sấu để phát hiện chúng.
Cá sấu có thể để lại thương tích nặng nề cho những nhà nghiên cứu.
Sau đó, họ sẽ dùng dây thừng thắt cổ cá sấu để kéo lên bờ phục vụ cho việc nghiên cứu. Công việc này hết sức nguy hiểm vì nếu sơ suất, các nhà nghiên cứu sẽ phải nhận những thương tích nặng nề từ cú táp lực lưỡng của loài cá sấu dữ tợn.
60.000 USD (khoảng 1,2 tỷ VND) là số tiền mà mỗi nhà nghiên cứu về cá sấu được trả mỗi năm.
5. Quan sát núi lửa
Những núi lửa đang hoạt động thật sự là một điều rất nguy hiểm đối với con người khi nhiệt độ của dung nham nóng chảy có thể lên đến 1.200 độ C. Tuy nhiên, điều đó không phải là một trở ngại to lớn đối với những nhà nghiên cứu núi lửa.
Các nhà khoa học này chuyên nghiên cứu về sự hình thành núi lửa và hoạt động phun trào trên bề mặt cũng như trong lòng đất. Để tiến hành công việc, họ thường xuyên có mặt ở những ngọn núi lửa, đặc biệt là ngọn núi đang hoạt động để thu thập thông tin. Việc nghiên cứu này có thể giúp nhà khoa học dự đoán chính xác hơn những đợt phun trào của núi lửa hay các đợt động đất nhằm cứu sống nhiều người.
Phải làm việc trong môi trường nóng hàng nghìn độ C và cái chết cận kề, nhưng những chuyên gia nghiên cứu về núi lửa chỉ nhận được khoảng 72.000 USD/năm (hơn 1,4 tỷ VND).
Để lấy được các thước phim khoa học thực tế, các nhà nghiên cứu và quay phim đã phải nguy hiểm tính mạng mình giữa khu vực núi lửa phun trào.
6. Nghiên cứu khoa học phóng xạ
Các chất phóng xạ hạt nhân luôn mang lại những mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với những người tiếp cận. Để nghiên cứu chất phóng xạ, các nhà khoa học thường được trang bị dụng cụ bảo hộ một cách cẩn thận nhất. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa mang lại sự an toàn tuyệt đối cho những nhà khoa học.
Hàng năm vẫn có những nhà khoa học bị nhiễm xạ vì nhiều lý do khác nhau. Các chất phóng xạ có thể xâm nhập vào cơ thể qua da, đường tiêu hóa hay hơi thở. Khi cơ thể bị nhiễm phóng xạ có thể gây ra hàng loạt biến chứng như ung thư, giảm bạch cầu, hoại tử, đột biến, dị dạng. Nghiêm trọng hơn, những tác hại này rất khó khắc phục và có thể kéo dài qua những thế hệ sau.
Tuy vậy, số tiền mà mỗi nhà khoa học nhận được chỉ ở mức trung bình – 55.000 USD/năm (khoảng 1,15 tỷ VND).
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Livescience, Wikipedia…
(kenh14.vn)