Tinh Hoa

Lý giải mới về chuyện muỗi không thể lây nhiễm HIV

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), căn bệnh HIV/AIDS đã giết chết khoảng 1,6 triệu người mỗi năm. Con đường lây bệnh của căn bệnh thế kỷ này chủ yếu là do qua đường tình dục – quan hệ tình dục không được bảo vệ, đường máu – sử dụng chung kim tiêm bẩn, truyền máu… Tuy nhiên, nhiều người vẫn thắc mắc liệu muỗi hút máu người bệnh rồi “đốt” chúng ta thì có khiến ta bị lây nhiễm virus HIV được không?

Mới đây, trang Business Insider đưa tin, các nhà khoa học và Joe Conlon – cựu nhà côn trùng học và cố vấn kỹ thuật của Hiệp hội Phòng chống muỗi của Mỹ khẳng định: “Đó không hoàn toàn là câu hỏi thiếu tính căn cứ. Nhưng loài muỗi không thể truyền virus HIV được”. Conlon giải thích rằng, trước hết, khi con muỗi đốt bạn, nó đã hút máu vào trong ruột của nó. Tại đây, axit trong dạ dày của muỗi đã tiêu diệt virus HIV.

Bên cạnh đó, trước khi hút máu, muỗi tiết nước bọt có chất chống đông để giúp cho nó hút máu dễ dàng hơn. Tuyến nước bọt và tuyến hút máu nằm tách biệt nhau trong vòi của muỗi. Tuyến hút máu có cấu trúc phức tạp và nhìn chung nó không giống như một ống kim tiêm. Nói đơn giản, muỗi tiết nước bọt theo đường riêng và hút máu theo đường riêng. 

Kết quả là, máu được hút theo hướng duy nhất và không bị bơm ngược vào máu của người bị đốt. Do đó, ngay cả khi con muỗi mang siêu vi khuẩn máu từ người bệnh HIV thì máu sẽ không bao giờ thoát khỏi tuyến nước bọt để vào máu của bạn.

Colon cho biết: “Đối với một con muỗi hút máu người bệnh, nó sẽ mang trên mình virus. Virus có thể tồn tại trong khoang cơ thể của muỗi nhưng lại không theo tuyến nước bọt, qua vết đốt để vào cơ thể người khác. Đó là một quá trình vô cùng phức tạp và người bị đốt nhiễm HIV là không thể”.  

Tuy nhiên, muỗi lại có khả năng lây truyền ký sinh trùng sốt rét. Lý do là bởi ký sinh trùng này có thể phát triển trong ruột muỗi, sau đó di chuyển đặc biệt tới tuyến nước bọt và tiếp tục vòng đời ở một người mới.

(Nguồn tham khảo: Business Insider)

(kenh14.vn)