Tinh Hoa

Xôn xao xác tàu cổ thứ 4 ở Quảng Ngãi

Một xác tàu cổ thứ 4 với nhiều đồ cổ quý hiếm được cho là vừa được phát hiện tại thôn Me, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Ngày 19/8, tại thôn Châu Me, xã Bình Châu (Bình Sơn), hàng chục chiếc tàu quần thảo trên khu vực biển cách bờ khoảng 50m. Các ngư dân địa phương cho rằng nơi này xuất hiện xác tàu cổ thứ 4 (kể từ năm 1999) với nhiều đồ cổ quý hiếm, có vị trí cách con tàu cổ mới phát hiện hôm 15/8 chừng 2km về phía tây bắc.

Nhiều mảnh vỡ đồ cổ được tìm thấy

Cũng như những lần phát hiện tàu cổ trước đây, người dân khi hay tin đã chủ động cho tàu thuyền và nhiều dụng cụ thô sơ khác để hút cát và lặn tìm cổ vật. Trên bờ biển, hàng trăm người hiếu kỳ cũng đang tập trung chờ đón những mẻ cổ vật quý giá được vớt lên.

Hàng chục tàu, thúng tập trung quần thảo tại khu vực được cho là nơi con tàu cổ thứ 4 bị đắm 

Nhưng trái với mong đợi của họ, các tàu thuyền hục lặn một hồi lâu vẫn chỉ trục vớt được nhiều mảnh gốm sứ không còn nguyên vẹn. Nơi nhiều tàu thuyền của ngư dân lùng sục có độ sâu mực nước biển khoảng 1-3m nên khi tiếp cận khu vực này, các mảnh vỡ gốm sứ được phát hiện tràn ngập, nằm trơ trọi trên lớp cát.

Ngư dân Trương Văn Quang- ngụ thôn Châu Me cho hay: Từ tối hôm qua tôi đã nghe tin phát hiện xác tàu cổ với nhiều cổ vật quý hiếm nên đã rủ người thân bơi thúng ra lặn tìm. Nhưng mãi vẫn chỉ thấy nhiều mảnh gốm sứ, tôi nghĩ rằng con tàu này rất lớn, nằm sau dưới lớp cát nên vẫn chưa thể khai thác đúng vị trí có nhiều đồ cổ.

Theo thông tin ban đầu nhận được từ người dân, tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi- Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cũng đã có mặt tại hiện trường để nhận định về chiếc tàu cổ hiện đang là trung tâm chú ý của người dân thôn Châu Me. Ông Khôi cho rằng, chiếc tàu cổ này rất có thể là chiếc tàu cổ Châu Tân được UBND tỉnh khai quật từ năm 1999 với các hiện vật còn sót lại. Vào thời điểm đó, xác con tàu có niên đại từ thế kỷ XVII này đã bị người dân địa phương đánh mìn nên vỡ tan tành. Các hiện vật chúng tôi thu giữ được là đồ gốm sứ hoa lam, cùng với đó là một số mẫu xương người, vật dụng thủy thủ đoàn.
 

Các ngư dân dùng nhiều phương tiện thô sơ để thổi cát, lặn tìm cổ vật. 

Tuy nhiên, ngay sau khi tiếp cận với các mảnh vỡ gốm sứ được người dân trục vớt cùng với việc đo lại tọa độ, tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi đã có nhận định mới: Xác con tàu cổ được người dân phát hiện lần này không phải là chiếc tàu đắm Châu Tân được khai quật năm 1999. Tọa độ này không trùng với tàu Châu Tân, chỉ là nằm rất gần nhau trong vùng biển này.

Nghĩa địa tàu cổ

Các mảnh vỡ gốm sứ được tìm thấy hầu hết là của các hiện vật đĩa to bản, bát có hoa văn rồng màu xanh, hoa văn cối xây gió… có niên đại từ thế kỷ XVII. Các cổ vật này được các chuyên gia khảo cổ xác nhận là có cùng niên đại với con tàu cổ Châu Tân. Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cho biết: Trong lần khai quật tàu Châu Tân năm 1999, chúng tôi cũng khai quật được những mẫu gốm sứ có hoa văn giống như vậy. Chắc chắn con tàu này có niên đại trùng với tàu Châu Tân.

Con tàu cổ mới phát hiện này được nhiều người dân nhận định có chiều dài và chiều rộng rất lớn. Tuy nhiên, vẫn chưa thể xác định vị trí các khoang chứa cổ vật nên việc khai thác trái phép ồ ạt các hiện vật chưa xảy ra. Đây là điều đáng mừng cho ngành chức năng trong việc ngăn chặn người dân và tiếp cận bảo vệ con tàu cổ này.

Mảnh vỡ gốm sứ in hình hoa văn rồng được nhận định có niên đại từ thế kỷ XVII. 

Qua việc phát hiện con tàu thứ 4, các chuyên gia khảo cổ đã khẳng định khu vực Vũng Tàu tại xã Bình Châu là một nghĩa địa tàu cổ thực sự. Nếu thăm dò, khảo sát toàn bộ khu vực này, rất có thể sẽ phát hiện nhiều xác tàu cổ khác.

Vào mùa mưa bão, khi các tàu chở gốm sứ di chuyển trên con đường tơ luạ trên biển, thường neo trú tại Vũng Tàu. Do đó, trong quá khứ khu vực này khá sầm uất. Tuy nhiên, do sự cố hỏa hoạn và nhiều tác động ngoại cảnh, một số tàu cổ bị chìm và lãng quên.

Trải qua thời gian hàng trăm năm, Vũng Tàu được bồi lấp bởi phù sa. Các xác tàu đắm cũng theo đó bị bao phủ bởi nhiều lớp cát và càng ngày tiến sát vào bờ. Đây là điều kiện để ngư dân địa phương dễ dàng phát hiện và khai thác trái phép các cổ vật từ tàu cổ.

Trong chiều 19.8, các lực lượng chức năng cũng cử 2 ca nô ra khu vực này để tuyên truyền người dân không tự ý thổi cát, lặn tìm cổ vật. Đồng chí Lê Quang Thích- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đã kịp thời có mặt tại hiện trường để chỉ đạo việc bảo vệ con tàu thứ 4 này.

Theo Báo Quảng Ngãi (vtc.vn)