Tinh Hoa

Thêm giả thiết về cái chết của Mozart

Nếu nhà soạn nhạc vĩ đại Wolfgang Amadeus Mozart dành một vài phút dưới ánh nắng mặt trời mỗi ngày, có thể ông sẽ không qua đời sớm, các nhà khoa học Mỹ và Áo đưa ra giả thuyết.

Theo William B.Grant thuộc Trung tâm nghiên cứu sức khỏe, dinh dưỡng và ánh sáng mặt trời ở San Francisco, Mỹ và Stephen Pilz thuộc Đại học Y khoa Graz, Áo, ánh sáng mặt trời hiếm hoi cùng với thói quen làm đêm của Mozart đã khiến cơ thể ông thiếu vitamin D.

Wolfgang Amadeus Mozart (1756 – 1791). Ảnh: Livescience.

Theo nhà nghiên cứu, ở vĩ độ của thủ đô Vienna, 48 độ bắc, nơi Mozart sống, không thể tạo ra vitamin D từ ánh sáng cực tím suốt 6 tháng trong năm. “Mozart thường sáng tác các tác phẩm âm nhạc vào ban đêm và ngủ ban ngày. Ông qua đời lúc 35 tuổi ngày 5/12/1791, đây là thời điểm mùa đông diễn ra khoảng 2-3 tháng và ánh nắng mặt trời rất ít”, Livescience trích lời tác giả nghiên cứu.

Do đó, theo các nhà khoa học, nguyên nhân cái chết của nhà soạn nhạc nổi tiếng người Áo nhiều khả năng do thiếu vitamin D. Giả thuyết đưa ra trên chuyên san y khoa Medical Problems of Performing Arts.

Nhà soạn nhạc thiên tài Mozart sinh ngày 27/1/1756 trong một gia đình nhạc sĩ nghèo ở thành phố Salzburg, Áo. Ông mất khi mới 35 tuổi, để lại một di sản âm nhạc đồ sộ và vô giá với 626 tác phẩm lớn nhỏ. Trong số này có 24 vở nhạc kịch nổi tiếng, 50 bản giao hưởng, cùng nhiều bản ca khúc và hòa tấu.

Sau hơn hai thế kỷ, cái chết của nhà soạn nhạc thiên tài người Áo Wolfgang Amadeus Mozart vẫn luôn là điều bí ẩn. Việc tìm ra nguyên nhân cái chết của ông vẫn là đề tài gây tranh cãi trong giới khoa học.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Amsterdam, Hà Lan mới đây đưa giả thiết có phần thuyết phục đó là Mozart chết là do các biến chứng của bệnh viêm khí quản do nhiễm trùng khuẩn cầu chuỗi, gây sốt, sưng phù nề và dẫn tới tử vong. Không ít người lại cho rằng ông chết là do bị giết hại bởi mối tư thù riêng bằng thuốc độc. Nhóm khác nói rằng Mozart chết do bị tình địch giết.

Trang Nguyên