Kẹt tiền do lỡ đầu tư vào chứng khoán hay đơn giản là muốn đi du lịch nhưng chưa đến hạn rút tiền tiết kiệm, không ít “nhà giàu” tại Hồng Kông sẵn sàng mang những chiếc túi xách hàng hiệu tới hiệu cầm đồ, không chỉ một mà nhiều lần trong năm.
(Ảnh minh họa)
Mỗi khi túng tiền, tất cả những gì chị Maggie Wong, 30 tuổi, một nhà thiết kế nội thất cần đó là xách chiếc ví đắt tiền của mình tới một công ty cho vay có tên Yes Lady Finance Co., và đưa cho nhân viên ở đây. Trong khi các công ty cho vay khác thường yêu cầu nhà hay ô tô làm tài sản bảo đảm, riêng công ty này sẵn sàng nhận thế chấp là những chiếc túi xách, ví của người vay.
Sau khi tiếp nhận chiếc ví, công ty đã hoạt động được 4 năm này sẽ mời một nhà định giá từ công ty liên kết là Milan Station Holdings Ltd, một chuỗi cửa hàng chuyên bán đồ xa xỉ cũ, tới kiểm tra chiếc ví.
Trong vòng 30 phút, khách hàng có thể nhận được khoản vay tương đương 80% giá trị của tài sản cầm cố, miễn là món đồ đó thuộc các thương hiệu có tiếng như Gucci, Chanel, Hermès hay Louis Vuitton. Thường thì một chiếc túi hiệu Prada cũng được chấp nhận. Những chiếc túi xách hay ví cũ cao cấp, và phiên bản đặc biệt thường không thay đổi nhiều giá trị so với giá bán lẻ.
Khách hàng sẽ được nhận lại chiếc túi của mình sau khi trả số tiền vay kèm theo mức lãi suất 4%/tháng trong vòng không quá 4 tháng. Yes Lady cho biết hầu hết khách hàng của họ nhanh chóng trả nợ và lấy lại tài sản của mình sau khi vay.
Gần đây công ty này cho vay tới 20.600 USD khi khách hàng cầm cố một chiếc túi Hermès Birkin. Số tiền vay tối thiếu của khách ở đây sẽ là 200 USD.
Công ty này đang làm ăn phát đạt tại một thành phố có tới 200 tiệm cầm đồ được cấp phép và hơn 900 công ty cho vay dạng truyền thống. Các tiệm cầm đồ, một hình thức cho vay phổ biến tại đây, thường chỉ nhắm tới các cư dân thu nhập thấp và những người có người thân hỗ trợ từ nước ngoài. Các tiệm này hầu như chỉ nhận cầm cố đồng hồ, trang sức và thiết bị điện tử.
Yes Lady, thay vào đó lại nhắm tới những cư dân giàu có, những người có thể một lúc nào đó khan hiếm tiền mặt do lỡ đầu tư cổ phiếu hay các phụ kiện xa xỉ.
Nhiều người Hồng Kông tới các công ty cho vay không phải ngân hàng bởi sự linh hoạt về quy mô khoản vay cũng như loại tài sản thế chấp. Trong khi các ngân hàng chịu sự quản lý của Cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông, các công ty cho vay khác lại chỉ phải tuân theo những hướng dẫn mềm mỏng hơn theo Sắc lệnh về công ty cho vay tiền hoặc hoạt động cầm đồ.
Do đó những công ty như Yes Lady không cần yêu cầu khách hàng chứng minh thu nhập hay kiểm tra tín dụng. Tất cả những gì họ cần là một địa chỉ tại Hồng Kông và chứng minh nhân dân.
Chị Wong cho biết chị tìm đến dịch vụ này khi tiền của mình bị kẹt trong sổ tiết kiệm hoặc trên thị trường chứng khoán. Chị sẽ mang túi xách đi cầm đồ để có tiền chi tiêu hàng ngày hoặc đóng học phí cho cậu con 5 tuổi. “Tôi không muốn phải làm các thủ tục phức tạp tại ngân hàng”, Wong nói.
Trong năm qua, chị đã đem 3 chiếc túi hiệu Guccis và Louis Vuittons, đi cầm cố để vay 1290 USD. Sau đó chị đã thanh toán hết cả gốc và lãi để lấy những chiếc túi này về.
Angel Yam, một nhân viên văn phòng cho biết, chị không quan tâm việc có nhận lại chiếc túi Chanel đã đem cầm cố lấy khoảng 1550 USD hay không. “Tôi có quá nhiều túi để không ở nhà”, Yam chia sẻ và ước tính mình có tới 40 cái, trong đó có hàng chục chiếc của các thương hiệu hạng sang.
“Tôi không cảm thấy có mất mát gì khi đem chúng đi cầm cố để vay tiền”, Yam nói tiếp. Chị đã cầm cố chiếc túi Chanel để đi du lịch và mua cổ phiếu.
Quản lý công ty Yes Lady cho biết từng có khách hàng mang tới một lúc 40 – 50 túi Gucci để vay 38.000 USD. Sau đó người này đã quay lại để trả tiền và nhận lại các món đồ. Những chiếc túi được ông này bán ở chính cửa hiệu của mình.
Theo bản cáo bạch của Milan Station năm 2011, có hơn 170 nhà bán lẻ độc lập chuyên bán túi xách, ví xa xỉ tại Hồng Kông. Công ty này dự báo doanh thu túi xách hạng sang tại thành phố này trong năm tới sẽ đạt 4 tỷ USD.
Thanh Tùng Theo WSJ
Nguồn: Dân Trí