Tinh Hoa

Những “gã khổng lồ” đang bị vướng lại

Các quốc gia mới nổi đã từng tạo nên một giai đoạn thần kỳ trong nền kinh tế nhân loại, nhưng sẽ là một cái kết buồn nếu những nước này vẫn còn mắc kẹt với bẫy thu nhập trung bình, hụt hơi trong cuộc đua bắt kịp các quốc gia phát triển.

Những “gã khổng lồ” đang bị vướng lại.

 
Tăng trưởng của các nền kinh tế khối BRIC (bao gồm các quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) gần đây đang dần giảm tốc. 
 
Điều này một phần là dấu hiệu của chu kỳ suy thoái, một phần là dấu hiệu của sự kết thúc một thời kỳ tăng trưởng như vũ bão của các nền kinh tế mới nổi. Nhưng điều quan trọng hơn, điều đó báo hiệu sự chấm dứt của quá trình tăng trưởng bắt kịp (catching-up growth) của những nước đang phát triển.
 
Châu Âu đã phát triển hơn phần còn lại của thế giới trong suốt gần 500 năm, trên phương diện sản lượng thực tế đầu người. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ 19, cả thế giới bắt đầu bước vào một kỷ nguyên của “đa cực” và quá trình phát triển rực rỡ. Một người Mỹ điển hình có điều kiện tài chính gấp 6 lần so với một người Trung Quốc hay Ấn Độ vào năm 1890, nhưng 100 năm sau, con số này lên tới 25 lần.
 
Nhưng đó (khoảng cách có xu hướng ngày càng nới rộng giữa các nền kinh tế) không hẳn là những gì đang diễn ra. Theo nhà kinh tế học Robert Solow, những nền kinh tế nên trải qua một quá trình bắt kịp tăng trưởng hay tăng trưởng hội tụ. 
 
Theo ông, nếu khoảng cách giữa một nền kinh tế với các nước dẫn đầu càng xa, thì nước đó càng có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi hơn để bắt kịp nền kinh tế phát triển hơn. Điều này có được là do các nước nghèo sẽ tăng trưởng nhanh nhờ vào hấp thụ công nghệ và chiến lược của các nước giàu. 
 
Tuy vậy, đối với thế giới ngày nay, các nước giàu sẽ giàu lên, giàu nhanh hơn so với các nước nghèo. Hệ quả là tình hình bắt kịp tăng trưởng sẽ diễn ra không đồng đều giữa các nước. Các nhà kinh tế học đã phát triển ra một mô hình tăng trưởng mà tồn tại một, hay một số nền kinh tế thu hút tập trung được các hoạt động công nghiệp của thế giới và nhanh chóng gia nhập vào nhóm các nước giàu.
 
Và đột nhiên, vào giữa những năm 90, thế giới thực sự đã trải qua một mô hình như vậy. Và đây là một tóm tắt ngắn tình hình này. 
 
Chặng đột phá để bắt kịp
 
Theo một nghiên cứu gần đây của các nhà kinh tế học viện Peterson là Arvind Subramanian và Martin Kessler, từ năm 1960 tới cuối thập niên 90, chỉ có 30% các nước đang phát triển có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với Mỹ, và do đó đạt được mức “tăng trưởng bắt kịp”. 
 
Không còn nhiều dư địa để các nước mới nổi bắt kịp các quốc gia đang phát triển sau thời kỳ tăng trưởng thần tốc.
 
Tuy nhiên, quá trình bắt kịp này diễn ra không đều đặn, khoảng cách với Mỹ được rút ngắn khoảng 1,5% mỗi năm. Vào cuối thập niên 90, những con số đã thay đổi. Những nhà nghiên cứu đã chỉ ra 73% các nước đang phát triển có mức tăng trưởng cao hơn Mỹ, và khiến con số tăng lên 3,3% mỗi năm. Đối với một số nước là do sự chậm chạp của Mỹ, nhưng rất ít nước như vậy.
 
Đối với mô hình này thì Trung Quốc là người chơi chính. Vốn là một nền kinh tế đông dân nhất thế giới, đồng thời cũng từng là một trong những nước nghèo nhất, Trung Quốc có một quãng rất lớn để chạy đua. 
 
Ấn Độ cũng là một đại diện tiềm năng, tuy nhiên theo lược đồ phía trên thì hầu hết mức “tăng trưởng bắt kịp” khớp với Trung Quốc nhiều hơn. Trung Quốc đã bứt tốc do nền kinh tế này đã chuyển mình trở thành chuỗi cung ứng toàn cầu. Trung Quốc được ví như một Công xưởng châu Á và tăng tốc rất nhanh. 
 
Việc tiêu thụ nguồn hàng thô khổng lồ của Trung Quốc liên tục đẩy lên cao khiến giá hàng thô tăng mạnh. Điều này khiến các thị trường mới nổi khác tăng trưởng theo.
 
Bẫy thu nhập trung bình
 
Tuy nhiên bây giờ khoảng cách đang thu hẹp lại, và tăng trưởng Trung Quốc đang chạm mức tiệm cận. Một số nhân tố thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Quốc- như nguồn hàng thô đắt đỏ – nay bị  loãng đi bởi sự gia tăng nguồn cung từ nhiều thị trường khác. 
 
Mặc dù tồn tại rất nhiều sự phán đoán và kỳ vọng, nhưng “mức tăng trưởng bắt kịp” vẫn tiếp tục diễn ra. Các chuyên gia vẫn trông đợi rằng thị trường mới nổi vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn những nước giàu. Ấn Độ sẽ sớm trở thành một nền kinh tế đông dân nhất trên thế giới trong vài thập niên tới, vẫn có rất nhiều triển vọng để gia tăng năng suất và thu nhập của người lao động.
 
Dù vậy, có 2 bài toán khó bao trùm lên viễn cảnh này. Thứ nhất là có thật sự những nền kinh tế mới nổi sẽ có thể xoay xở, giải quyết được tình hình giảm tốc hiện tại mà không phải trả một cái giá đắt. 
 
Trung Quốc sẽ phải nếm một vài vị đắng, nhưng Bắc Kinh có nhiều khả năng sẽ kiểm soát được đà suy giảm và tránh được một cái kết tồi tệ. Dù gì đi nữa thì những tin xấu vẫn sẽ tiếp diễn do rủi ro là không lường trước được. 
 
Điều thứ hai là liệu sẽ có một tác động nào có thể thay đổi được bản chất của các hoạt động kinh tế toàn cầu nhằm thúc đẩy sự bắt kịp tới những thị trường mới nổi. Hay là chúng ta vừa mới trải qua một giai đoạn mà một nền kinh tế (Trung Quốc) đã phát triển tới cực hạn, đủ để phá vỡ mô hình hiện tại.
 
Thế giới vừa trải qua 15 năm những thị trường mới nổi đồng bước sánh ngang với các nước phát triển trên phương diện năng suất sản xuất và thu nhập quốc dân. Sẽ là một cái kết buồn cho các nước khối BRIC nếu các nền kinh tế này vẫn còn mắc kẹt trong một cái bẫy tăng trưởng thu nhập trung bình.
 
Bích Diệp Theo The Economist

Nguồn: Dân Trí