Mỗi ngày, có 300 tấn nước thải được đổ ra Thái Bình Dương từ nhà máy hạt nhân Fukushima trong suốt 2 năm qua, Bộ Công nghiệp Nhật Bản cho biết.
Ông Yushi Yoneyama – quan chức Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, cơ quan quản lý Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) nói: “Chúng tôi cho rằng khối lượng chất thải rơi vào khoảng 300 tấn một ngày”.
Sau 2 năm, TEPCO vẫn chưa xử lý được chất thải nhiễm xạ |
Thủ tướng Abe Shinzo yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp chịu trách nhiệm về tình trạng này. Đồng thời, ông đòi hỏi TEPCO phải thực hiện các bước cần thiết để giải quyết việc xử lý chất thải nhiễm phóng xạ với thời gian dự kiến hơn 40 năm cùng chi phí 11 tỷ USD .
Ngày 7/8, TEPCO xác nhận có rò rỉ nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin về khối lượng nước thải của nhà máy.
Giới chức Nhật đang nỗ lực hết mình để đảm bảo với dư luận trong nước và quốc tế rằng tình hình sẽ không chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực, dẫn đến một thảm họa môi trường trên diện rộng.
Ông Yoneyama cho biết chính phủ có kế hoạch giảm số lượng rò rỉ chất thải xuống 60 tấn mỗi ngày vào tháng 12, nhưng với tiến trình như hiện nay, mục tiêu đó khó có thể để đạt được.
Tuy nhiên, theo ông, việc xử lý 300 tấn nước ngầm sẽ không nhất thiết phải ngăn chặn rò rỉ ra biển.
Trước đó, TEPCO cho biết đã phát hiện 2,35 tỷ becquerel chất phóng xạ cesium trong mỗi lít nước rò rỉ vào nguồn nước ngầm qua các vết nứt trong hệ thống thoát nước của nhà máy.
Mức nhiễm xạ này tương đương với con số được đo trong tháng 4/2011 trong khi mức bình thường là 150 becquerel chất phóng xạ cesium trong mỗi lít nước.
Trong hai năm qua, TEPCO tuyên bố đã thực hiện hút hết số nước thừa vào thùng chứa đặc biệt.
Tuy nhiên, vào cuối tháng trước, công ty này buộc phải thừa nhận rằng nước nhiễm phóng xạ vẫn chảy ra Thái Bình Dương, trùng khớp với những thử nghiệm của chính quyền Nhật Bản.
Ông Shinji Kinjo, người đứng đầu Cơ quan Pháp quy Hạt nhân (NRA) nói với Reuters: “Chúng ta không thể để việc xử lý chất thải phóng xạ tại nhà máy Fukushima cho một mình TEPCO. Ngay bây giờ, ta phải cùng nhau giải quyết hậu quả”.
Trong đầu tháng này, TEPCO buộc phải ‘đi vào thế phòng thủ’ sau khi xuất hiện một bài viết trên trang đầu tờ The Asahi Shimbun với những bình luận gay gắt về việc xử lý chất thải của công ty.
“TEPCO đã không làm gì hơn 2 năm qua mặc dù đã cam kết sẽ bít lỗ rò rỉ trong tháng 4/2011 khi phát hiện nước nhiễm xạ chảy ra biển”, tờ The Asahi Shimbun loan báo.
Mặc dù “công nghệ khó khăn và môi trường làm việc rất khắc nghiệt”, công ty nói rằng đã làm mọi cách “để tránh nguy cơ dòng nước bị ô nhiễm vượt quá vách ngăn”.
Các kỹ sư của TEPCO đã xây dựng một bức vách dưới lòng đất sâu 1,8 mét, ngăn cách các cơ sở bị phá hủy và mặt nước biển để nước tiếp tục được tích tụ trong hầm nhà máy.
“Nếu xây một vách ngăn, tất nhiên nước sẽ tích tụ lại ở đó và không thoát đi được, trừ trường hợp nó dâng cao hoặc thấm ngang sang rồi rò rỉ ra biển”, Masashi Goto, một kỹ sư hạt nhân từng làm việc tại một số nhà máy TEPCO nói với Reuters.
TEPCO cam kết sẽ ngăn mực nước tăng lên nhưng công ty vẫn phải đối mặt với những hạn chế như các thùng chứa đã đầy 85%.
“Cần có các biện pháp mới để ngăn chặn dòng nước chảy vào biển”, ông Kinjo, người cáo buộc TEPCO không thực hiện các giải pháp dài hạn cho cuộc khủng hoảng nhấn mạnh.
TEPCO không chỉ phải đối mặt với các vấn đề kỹ thuật liên quan đến xử lý chất thải nhiễm xạ mà còn phải đối phó với các thiên tai không thể đoán trước, đặc biệt là động đất.
Ngày 4/8, xảy trận động đất với cường độ 6.0 rite ngoài khơi bờ biển tỉnh Miyagi thuộc khu vực đông bắc Nhật Bản. Theo báo cáo, không có thiệt hại hay thương tích gì, nhưng một số tuyến đường quốc lộ và đường sắt đã phải tạm ngưng hoạt động để kiểm tra.
Tháng 3/2011, nhà máy hạt nhân Fukushima đã bị tàn phá trong thảm họa kép động đất và sóng thần. Khoảng 90.000 người trong vòng bán kính 20 km của nhà máy buộc phải sơ tán do khả năng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng hạt nhân.
Hải Yến (vtc.vn)