Các nhà khoa học Hoa Kỳ cho biết, băng ở Bắc Cực đã tan chảy nhiều và diện tích băng đã giảm tới mức thấp kỷ lục. Diện tích băng ở Bắc Cực chỉ còn khoảng hơn 3 triệu km vuông, mức thấp nhất kể từ khi hoạt động theo dõi từ vệ tinh bắt đầu được thực hiện năm 1979. Điều này chứng tỏ biến đổi khí hậu đang diễn ra một cách nhanh chóng.
Tuyết, băng tan đã tạo ra một hồ nước xanh và sâu. Sau 2 tuần thời tiết ấm áp, nhiệt độ tăng cao ở Bắc Cực, một hồ nước đã bắt đầu hình thành. Theo Trung tâm dữ liệu băng và tuyết quốc gia Mỹ, nhiệt độ đo được ở Bắc Cực vào đầu tháng 7 là 1 – 3 độ C, cao hơn nhiều mức nhiệt độ trung bình của Bắc Băng Dương.
Sự biến mất nhanh chóng của các tảng băng ở Bắc Cực đang là vấn đề rất đáng lo ngại.
Biển băng Bắc Cực ảnh hưởng lớn đến khí hậu toàn cầu, bởi có tới 80% ánh sáng Mặt trời được phản xạ trở lại không gian. Khi băng tan chảy vào mùa hè, bề mặt đại dương phơi bày ra hấp thụ tới 90% ánh sáng Mặt trời, làm nước biển nóng lên, băng sẽ lại tan chảy nhiều hơn.
Do đó, những chiếc ao, hồ hình thành ngày một nhiều trên các lớp băng mỏng ở biển Bắc Cực. Ao hồ liên kết với bề mặt mịn của băng, tạo ra một mạng lưới “bẫy nhiệt Mặt trời”.
Theo các nhà khoa học, tháng 7 là tháng nóng nhất ở Bắc Cực, vì thế mà băng cũng có xu hướng co lại nhanh nhất. Các nhà nghiên cứu dự đoán, Bắc Cực có thể sẽ không còn có băng vào năm 2050. Tuy nhiên, trước tình hình biến đổi khí hậu như vậy, rất có thể, băng còn tan nhanh hơn so với dự báo của các mô hình điện toán.
(Nguồn tham khảo: Livescience)
(kenh14.vn)