Lấy cảm hứng từ loài sâu bướm xinh đẹp ở Ethiopia, món đồ chơi này được chế tác đặc biệt dành cho một quý tộc người Trung Quốc hồi đầu thế kỷ 19. Trên thế giới hiện chỉ có khoảng 6-7 món đồ chơi tương tự như thế này.
Món đồ chơi nhỏ xíu này đã khoảng 200 tuổi nhưng nó vẫn còn hoạt động rất tốt. Sắp tới nó sẽ được đem ra bán đấu giá tại Anh với mức giá ước đoán lên tới 200.000 bảng (tương đương 6,5 tỉ VND).
Chú sâu bướm được làm bằng sứ màu với những họa tiết trang trí bằng vàng, ngoài ra, dọc thân chú sâu còn có những hạt ngọc trai nhỏ xíu, những viên đá nhỏ quý giá như hồng ngọc hay ngọc bích…
Bên trong thân của chú sâu là một cỗ máy tự động giúp nó có thể chuyển động.
Chuyển động của chú sâu bướm được điều khiển bởi một chiếc đòn bẩy nhỏ xíu, giúp khởi động cỗ máy hoạt động bên trong, nhằm kích hoạt những bánh xe nhỏ nằm ở phần bụng dưới.
Được làm vào khoảng năm 1810 bởi một thợ đồng hồ người Thụy Sĩ có tên Henri Maillardet, chú sâu nhỏ này có cơ chế hoạt động tương tự như một chiếc đồng hồ lên dây cót, chỉ khác một điều là thay vì giúp các kim đồng hồ quay thì cỗ máy sẽ giúp chú sâu chuyển động như thật.
Chú sâu nhân tạo dài 7cm này hiện có 5 “bản sao” đã chính thức được đưa vào các bộ sưu tập ở Châu Âu, trong đó có những bộ sưu tập thuộc quyền sở hữu của các bảo tàng hoặc của tư nhân. Có thể còn có 1-2 bản sao như thế này đang lưu lạc ở đâu đó và chưa được biết tới.
Cái tên “sâu bướm Ethiopia” mà nhà chế tác Henri Maillardet đặt cho nó thực tế là để món đồ chơi tinh xảo trở nên nổi bật hơn với một cái tên nghe thật kêu khi tham gia vào một cuộc triển lãm ở London vào năm 1811.
Đúng như dự đoán, món đồ chơi của Maillardet rất thu hút sự quan tâm của công chúng nên ngay sau đó, các nhà chế tác đồng hồ trên thế giới đã “ăn theo” và cho ra những món đồ chơi khác với những cái tên tương tự như “thằn lằn Ai Cập” hay “chuột Siberia”.
Trước đây, hồi năm 2010, nhà đấu giá Sotheby’s đã bán được một chú sâu tương tự với giá 200.000 bảng.
Bức tranh vẽ lại cuộc triển lãm những món đồ chơi tự động được tổ chức tại London vào năm 1811.
Chiêm ngưỡng hoạt động của chú sâu 200 tuổi.
Pi Uy
Theo Dailymail
Nguồn: Dân Trí