Tinh Hoa

Bí mật ‘khó nói’ của tiếp viên hàng không

Nói đến tiếp viên hàng không, nhiều người thường chỉ nghĩ đến những thú vị, hào nhoáng, nhưng có những bí mật phía sau đã biến đây thành một trong những nghề “đáng sợ” nhất.
Có thể… chết bất cứ lúc nào

Sẽ không sai nếu nói rằng những tai nạn trên đường hàng không thường gây thiệt hại nặng nề và khủng khiếp nhất. Bởi mỗi chuyến bay từ quy mô nhỏ đến lớn đều phục vụ rất nhiều hành khách, cùng với sự góp mặt của phi hành đoàn, trong đó có đội ngũ tiếp viên hàng không.

Trong lịch sử ngành hàng không, tai nạn khủng khiếp nhất xảy ra đã khiến 583 người chết. Đó là ngày 27/3/1977, 2 chiếc Boeing 747 của hãng hàng không KLM và Pan Am đâm nhau trên một đường băng đầy sương mù ở Tenerife, thuộc quần đảo Canary của Tây Ban Nha. Máy bay KLM đã khởi hành mà không được phép và đâm vào máy bay của hãng Pan Am khi nó di chuyển trên cùng đường băng.

Tiếp viên hàng không được coi là một trong những nghề mạo hiểm nhất. Ảnh minh họa: Internet. 

Hơn nữa, sự an toàn của mỗi chuyến bay không chỉ phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của con người mà còn bị lệ thuộc bởi rất nhiều yếu tố khách quan như sự bất thường của thời tiết hay sự cố kỹ thuật cũng có thể bất thình lình xảy ra…

Bị chi phối bởi nhiều tác động như vậy nên mỗi chuyến bay chỉ thực sự an toàn sau khi đã hoàn toàn ngừng lăn bánh trên sân băng. Trong lịch sử đã từng ghi nhận rất nhiều tai nạn xảy ra ngay trong quá trình máy bay tiếp đất, tức là chuyến bay chỉ còn vài phút sẽ kết thúc hành trình.

Với sự phức tạp như vậy nên trong suốt quá trình bay, sự an toàn của hành khách, phi hành đoàn cũng như tiếp viên hàng không luôn trong tình trạng “báo động”, tức là luôn phải đề phòng mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, mỗi khi có dịch bệnh lớn, nguy hiểm như SARS, cúm H1N1… thì hành khách có thể thay đổi lịch trình nhưng tiếp viên thì tuyệt đối không thể. Khi phục vụ khách, những tiếp viên hàng không cũng không thể đeo khẩu trang để bảo vệ mình, vì thế có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào.

Phải “coi rẻ” mạng sống của mình hơn hành khách

Một trong những bài học đầu tiên và quan trọng nhất mà các hãng đào tạo tiếp viên hàng không dành cho các học viên đó là cách thoát hiểm trong những sự cố ảnh hưởng đến sự an toàn của chuyến bay. Tuy nhiên, ở đây, các tiếp viên hàng không phải học cách “coi thường” sự an toàn của mình để phục vụ hành khách trước nhất.

Có nghĩa là, thay vì “vắt chân lên cổ” chạy trong những tình huống nguy hiểm thì họ phải là người bình tĩnh xử lý sự việc và hướng dẫn, giúp đỡ hành khách thoát thân trước để giảm thiểu những tổn thất về người. Chỉ một sơ suất, thiếu trách nhiệm hay thiếu kinh nghiệm của các tiếp viên hàng không cũng có thể gây hậu quả lớn.

Dư luận đang rất quan tâm đến vụ máy bay của hãng hàng không Hàn Quốc Asiana Airlines rơi khi đang hạ cánh tại sân bay quốc tế San Francisco – Mỹ hôm 6/7 vừa qua. Điều kỳ diệu là 305 trong tổng số 307 hành khách trên chiếc máy bay Boeing 777 sống sót. Theo lời các nhân chứng và nhân viên cứu hộ, nếu không có hành động kịp thời của phi hành đoàn, số người chết và bị thương có thể cao hơn rất nhiều.

Sau tai nạn, người ta đã lên tiếng ca ngợi nữ tiếp viên Kim Ji-yeon vì tận tâm tận lực cứu sống rất nhiều hành khách trong tình thế dầu sôi lửa bỏng. “Cô ấy là anh hùng. Cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn đã cõng hành khách trên lưng và chạy đi khắp nơi trong khi nước mắt chảy dài trên gương mặt. Cô ấy khóc nhưng vẫn giữ được bình tĩnh để giúp đỡ mọi người” The Wall Street Journa đăng tải.

Sự hi sinh của nữ tiếp viên trên cũng là tố chất cần phải có của bất cứ ai khi muốn “dấn thân” vào nghề này.

Bị “thượng đế” hành đủ kiểu

Làm tiếp viên hàng không bản chất cũng là phục vụ khách hàng. Nhưng không giống như những loại dịch vụ khác, tiếp viên hàng không thường bị “đóng đinh” trong mắt khách hàng bằng hai chữ “hoàn hảo”.

Vì thế, họ không được phép sai sót, nếu có sai sót thì tính chất của nó cũng trở nên đặc biệt và bị đưa ra “mổ xẻ” rất gay gắt. Và chuyện sai sót này cũng là chuyện cơm bữa, vì mỗi người khách có một cá tính khác nhau. “Làm dâu…triệu họ” do đó từ lâu đã được coi là đặc thù của nghề này.

Một nữ tiếp viên của một hãng hàng không Việt dẫn giải: “Nhiều người chẳng nghe cách làm thế nào để bớt bị ù tai, mà cứ hét toáng lên đòi xuống đất, có người nhất định đòi mở cửa thoát hiểm khi đang ở trên không. Nhiều người còn đòi mở cửa ngắm mây bay. Và không phải ai cũng trật tự lên máy bay, tự cất đồ lên giá, không phải ai cũng lặng lẽ cài dây an toàn”.

Các tiếp viên cũng phải kiên nhẫn trước những tình huống dở khóc dở cười mỗi khi hướng dẫn, phục vụ hành khách: “Trình độ văn hóa của hành khách cũng không giống nhau, nhiều người ồn ào đôi khi còn cười hô hố, gọi nhau í ới, nhắc họ thì họ nhìn chằm chằm, hoặc chửi lại rất tục tằn”.

“Khách hàng luôn luôn đúng” có thể coi là phương châm số 1 của nhiều hãng hàng không nhằm “câu” khách. Cũng vì thế nên các tiếp viên hàng không ít khi có quyền phản ứng lại những cách hành xử không đúng của hành khách. “Hơn một năm đi làm, số lần tôi bị khách chửi có khi bằng tổng số lần bị chửi của cả cuộc đời”, một nữ tiếp viên chia sẻ.

Không chỉ bị phàn nàn, mắng chửi, trong một số trường hợp nặng nề hơn, các tiếp viên hàng không (chủ yếu là nữ) còn thực sự gặp nguy vì bị khách hàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” hay bị trêu ghẹo một
cách vô văn hóa.

Một thực tế cho thấy, không ít tiếp viên hàng không phải bỏ nghề chỉ vì không chịu được những áp lực mà hành khách mang lại.

Những “góc khuất” không thể kể tên

Bị bó buộc thời gian trong những chuyến bay triền miên; không có thời gian dành cho gia đình hay cuộc sống riêng tư; sức khỏe bị ảnh hưởng trầm trọng bởi sự thay đổi về áp suất, múi giờ hay nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cao; tuổi thọ nghề ngắn khiến quy luật đào thải cực kỳ khắc nghiệt… chỉ là số ít trong vô số những áp lực không thể kể tên của nghề tiếp viên hàng không.

“Mỗi ngày, giờ giấc và lịch làm việc cá nhân đều phụ thuộc hết vào lịch bay của ngày hôm đó. Có lúc chuyến bay bắt đầu từ 2 – 3 giờ sáng. Có lúc lại là giờ trưa. Có lúc lại là 9 – 10 giờ đêm. Và một ngày cứ theo đó mà tiến hành”, một nữ tiếp viên của hãng Vietnam Airlines giãi bày.

Nhưng có lẽ, áp lực lớn nhất trong cuộc sống riêng của mỗi tiếp viên hàng không đó là áp lực phải chiến thắng được sự cám dỗ. Nhiều tiếp viên hàng không khi đã được bay đường xa thường mang tư tưởng bằng mọi cách để “lấy lại vốn”.

Cụm từ “hàng xách tay” cũng từ đây mà có. Các loại hàng mà các tiếp viên hàng không thường “đánh” về là thuốc lá, rượu ngoại, mỹ phẩm, điện thoại di động rồi bỏ mối lại cho các đầu nậu. Trong vòng quay buôn bán, nhiều tiếp viên hàng không đã xách hàng ngoài quy định, bị sa thải.

Theo Kiến thức

(vtc.vn)