Tinh Hoa

Pháp bầu nhà sử học hàng đầu VN là viện sĩ

Ngày
27/5/2011, tại phiên họp của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn – thuộc Học viện
Pháp quốc, GS. Phan Huy Lê đã được bầu làm Viện sĩ Thông tấn nước ngoài. Ông là
giáo sư ngành khoa học xã hội đầu tiên của Việt Nam nhận vinh dự này.

GS Phan Huy Lê

GS Phan Huy Lê
được bầu vào vị trí “ghế bành” (fauteuil) trước đây của VS Francisco Rico (Tây
Ban Nha). Thông báo chính thức đã được gửi đến nhà sử học Phan huy Lê vào ngày
5/7/2011.

Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn
(Académie des Inscriptions et Belles-Letres), được thành lập từ năm 1663, là một
trong 5 Viện hàn lâm khoa học trực thuộc Học viện Pháp quốc (Institut de France)
của Cộng hòa Pháp. Đây cũng là một trong những Viện Hàn lâm lâu đời và danh
tiếng của Học viện Pháp quốc.

Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn 
là một Viện Hàn lâm về khoa học nhân văn, nghiên cứu các lĩnh vực khảo cổ học,
lịch sử và ngữ văn thời cổ đại, trung đại cho đến thời Cổ điển trên không gian
lịch sử rộng lớn từ Tây Âu đến Viễn Đông.

GS Phan Huy Lê (ngoài cùng bên phải) chụp cùng với vợ chồng GS Trần Văn Giàu, GS Hà Văn Tấn, GS Đinh Xuân Lâm, GS Trần Quốc Vượng  ngày 5/9/1995 tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Ảnh Bee.net.vn

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan
Huy Lê sinh ngày 23 tháng 2 năm 1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà
Tĩnh. Ông là hậu duệ của Thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học
Phan Huy Chú, Thượng thư – nhà văn hóa Phan Huy Vịnh. Thân sinh Phan Huy Tùng
(1878- ?) (đỗ Hội nguyên và Tam giáp đồng tiến sĩ khoa Quý Sửu – năm 1913), Lang
trung Bộ Hình triều Nguyễn, nổi tiếng thanh liêm, phúc đức, nhân hậu, hết mực
yêu con, quý cháu.  Mẹ ông là người dòng họ Cao Xuân giàu truyền thống khoa
bảng với các danh nhân: Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy…

Năm 1956, sau khi tốt nghiệp cử
nhân Sử – Địa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. , GS Phan Huy Lê  làm trợ lý
tập sự tại Khoa Lịch sử, Trường Đại  học Tổng hợp Hà Nội, dưới sự dẫn dắt của vị
Giáo sư nổi tiếng Đào Duy Anh. Ông được các giáo sư Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh
giao cho viết bài giảng và đảm nhiệm các công việc của những chuyên gia thực
thụ. Chỉ hai năm sau, thầy giáo trẻ Phan Huy Lê mới 24 tuổi đời đã được giao
nhiệm vụ làm Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ – Trung đại và liên tục giữ
trọng trách này hàng chục năm liền.

GS Phan Huy Lê đặc biệt quan tâm
đến lịch sử kinh tế-xã hội. Trong giai đoạn đầu sự nghiệp nghiên cứu, những ấn
phẩm đầu tiên của ông chủ yếu liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá
miền Bắc, tự ý thức trách nhiệm ông dân trước vận mệnh dân tộc, GS Phan Huy Lê
chuyển sang nghiên cứu các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và những đánh lớn
trong lịch sử. Những công trình “Khởi nghĩa Lam Sơn”; “Truyền thống
dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam
“, “Một số trận quyết chiến
chiến lược trong lịch sử dân tộc”, “Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và 1288
“…đã
trở thành những tác phẩm lịch sử quân sự tiêu biểu. Sau khi thống nhất đất nước,
ông tiếp tục tổng kết lịch sử chống ngoại xâm. Trong khoảng 15 năm tính từ 1975,
ông đã viết đến hơn 80 công trình loại này. Tổng số công trình về lịch sử chống
ngoại xâm là 120, chiếm đến 27% trong tổng số 445 công trình ông đã hoàn thành.

GS Phan Huy Lê tại một hội thảo Việt Nam học. Ảnh. TTX 

Từ năm 1975
đến năm 1999, bên cạnh việc nghiên cứu về lịch sử chống ngoại xâm, ông nghiên
cứu 114 công trình về các vấn đề kinh tế-xã hội. Tiêu biểu cho mảng đề tài này
ngoài “Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ“, các tác phẩm
viết về phong trào nông dân Tây Sơn, các bộ địa bạ Hà Đông, Thái Bình, Hà Nội,
chương trình nghiên cứu gia phả Việt Nam, các cuốn sách, chuyên đề về hình thái
kinh tế – xã hội, kết cấu kinh tế – xã hội, làng xã người Việt ở vùng đồng bằng
Bắc Bộ…

Từ những năm
80, song song với hai đề tài trên, GS Phan Huy Lê mở rộng nghiên cứu sang lĩnh
vực văn hóa-truyền thống với khoảng 20 công trình trong thời gian 5 năm. Tổng số
công trình cho lĩnh vực này của ông lên đến 104. Bên cạnh đó, ông còn dành tâm
sức cho nhiều công trình lịch sử địa phương, nhất là lịch sử Hoàng thành Thăng
Long và Hà Nội.

GS Phan Huy Lê tại buổi thuyết trình về Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: VTC

GS Phan Huy Lê
cũng giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tổng kết lịch sử đất nước với số
công trình lên tới 107 và nhiều tác phẩm tiêu biểu như “Lịch sử Việt Nam từ
1406 đến 1858
“, “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam” tập II (1960) và
Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam” tập III (1961). Cuốn sách Lịch sử
Việt Nam tập I
do ông viết cùng GS Trần Quốc Vượng năm 1971 được coi là
thông sử đầu tiên của chế độ mới…Trong đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước
xây dựng bộ sách “Lịch sử Việt Nam” 4 tập, GS. Phan Huy Lê vừa là chủ
biên, vừa là tác giả chính của 2 tập I và II, được coi là tổng kết cao nhất về
giai đoạn lịch sử từ nguồn gốc cho đến giữa thế kỷ XIX.

Theo dõi lịch
sử đất nước ở cả 4 mảng lớn nhưng mỗi lĩnh vực, Gs Phan Huy Lê đều đạt đến đỉnh
cao chuyên môn với số lượng trước tác đồ sộ lên đến hàng trăm công trình. Bên
cạnh đó, ông còn là người xây dựng hai ngành học mới quan trọng và nổi tiếng của
trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG Hà Nội: Đông Phương học và Việt Nam học.

GS Phan Huy Lê
trong ngày vui Hoàng thành Thăng Long mở cửa đón khách tham quan.

Đối với các
thế hệ sinh viên, GS Phan Huy Lê là người thầy dành nhiều tâm huyết truyền thụ
kiến thức cho các thế hệ sinh viên. Ông được mệnh danh là một trong “Tứ trụ” của
nền sử học hiện đại Việt Nam như cách vinh danh của nhiều thế hệ học trò: “Lâm –
Lê – Tấn – Vượng” (các giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc
Vượng).

Từ năm 1988 cho đến nay, GS. Phan
Huy Lê liên tục là Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam. Ông còn giữ cương vị lãnh đạo
chủ chốt hay là uỷ viên của nhiều Hội đồng Quốc gia như Hội đồng Quốc gia chỉ
đạo biên soạn Từ điển Bách khoa, Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc
gia, Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia
Hà Nội, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, Hội đồng Quốc gia Giải thưởng Hồ
Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia…

GS. Phan Huy Lê được phong học
hàm Giáo sư (1980), Nhà giáo ưu tú (1988), Nhà giáo nhân dân (1994); Giải thưởng
Nhà nước (2000), Giải thưởng Quốc tế Văn hoá châu Á Fukuoka, Nhật Bản (1996),
Huân chương Cành cọ Hàn lâm của chính phủ Pháp (2002).