Tinh Hoa

Người đẹp ngủ li bì suốt 9 năm bất ngờ thức dậy

Mặc dù không có những tình tiết đặc biệt giống như “Người đẹp ngủ trong rừng”, nhưng câu chuyện về cô gái người Anh có tên Ellen Sadler sống trong thế kỷ 19 cũng khiến giới chuyên môn phải tốn biết bao công sức nghiên cứu cũng như giấy mực của báo giới.

Cô gái Ellen Sadler ngủ li bì suốt 9 năm trời ròng rã

Ellen Sadler (1859) là con thứ mười của một gia đình nông dân sinh sống tại làng Turville, hạt Buckinghamshire, Anh. Câu chuyện về Ellen Sadler cũng không có gì đặc biệt nếu như cô không bỗng dưng ngủ li bì trong 9 năm liên tiếp mà không rõ nguyên nhân. Kể từ đó, Ellen được biết tới với cái tên “người đẹp ngủ Turville”.


“Người đẹp ngủ Turville” đã ngủ liên tiếp suốt 9 năm ròng rã.

Năm Ellen lên 11 tuổi, để giúp đỡ cha mẹ, cô đã phải tới thị trấn Marlow làm bảo mẫu cho một gia đình giàu có. Nhưng vì không thông minh và được việc, người chủ đã không giữ cô lại. Sau mốc thời gian này, cô bé Ellen bắt đầu than phiền với gia đình về những cơn đau đầu liên tiếp, không giống như cơn đau đầu thông thường. Lúc này, gia đình đã đưa Ellen đi khám. Cô bé được chẩn đoán mắc áp se. Sau 17 tuần điều trị, Ellen đã cảm thấy khỏe hơn một chút, nhưng chỉ sau 2 ngày được xuất viện, cô bỗng rơi vào trạng thái hôn mê sâu, khi đó là tháng 3/1871.

Bác sỹ Hayman đến từ làng Stockenchurch, đã làm mọi thủ thuật để đánh thức Ellen dậy nhưng tất cả đều vô vọng. Cô bé vẫn nằm đó mà không hề tỉnh dậy. Ngoài hơi thở, Ellen gần như một người đã chết. Điều đặc biệt khiến báo chí đánh giá là “hiện tượng sinh lý kỳ lạ khó giải thích” này là hơi thở của cô vẫn rất nhịp nhàng, tự nhiên, làn da vẫn mềm mại và cơ thể vẫn ấm, duy chỉ có đôi chân là lạnh.

Mẹ của Ellen cho biết, hằng ngày, bà bón cho cô 3 lần/ ngày, mỗi lần chỉ 2 thìa rượu vang đỏ và đường để duy trì dinh dưỡng.

Trò lừa của bà mẹ?

Kể từ khi câu chuyện về Ellen được lên khắp các mặt báo, người từ khắp nơi đổ xô về Turville ngày một nhiều với mong muốn thỏa mãn tính hiếu kỳ cũng như xin một sợi tóc của cô bé làm kỷ niệm. Từ những đồng tiền trợ giúp từ du khách thập phương, mẹ của Ellen cũng kiếm được số tiền 2 bảng mỗi tuần (tương đương 100 bảng – 3,2 triệu đồng hiện tại).

Trong khi nghi vấn dồn về gia đình của Ellen ngày một nhiều, các bác sỹ đã quyết định bất ngờ tới thăm cô bé mà không báo trước. Ngoài dự đoán của họ, mặc dù đã thử cả liệu pháp tích điện, Ellen vẫn không tỉnh dậy. Bác sỹ Hayman cho biết, Ellen đã rơi vào trạng thái tê liệt và không nhận thức được xung quanh.

Trong khi đó, người dân vẫn cho rằng đây chỉ là một chiêu trò của gia đình Sadler. Họ còn khẳng định nhìn thấy Ellen đi vào nghĩa địa buổi đêm và nhìn qua cửa sổ phòng ngủ của họ mà không hay biết mình đã bị phát hiện gian dối. Mặc dù những hành động của bà mẹ Ellen khiến người ngoài không khỏi ngờ vực về tính chân thật của câu chuyện “người đẹp ngủ” nhưng những gì các chuyên gia, bác sỹ đưa ra hoàn toàn là có căn cứ và đã được xác minh.

Bất ngờ tỉnh dậy một cách khó hiểu

Cứ năm này qua năm khác, cô bé Ellen ngày nào giờ đã lớn, nhưng vẫn nằm ngủ li bì trên giường một cách vô thức. Nhưng bất ngờ thay, vào đúng dịp năm mới năm 1880, lúc này mẹ của Ellen đã qua đời, “người đẹp ngủ” đã tỉnh lại sau giấc ngủ kéo dài 9 năm. Khi ấy, côđã nói và nhận thức được, tuy nhiên, cô lại phát ngôn và cư xử như một đứa trẻ mới 11 tuổi mặc dù đã ở tuổi 21. Đối với Ellen, ký ức suốt 9 năm hôn mê không hề tồn tại.

Quay trở lại với thế giới thực tại, Ellen đã kết hôn với một người nông dân vài năm sau đó và chuyển tới chỗ khác sinh sống. Cuối cùng, cô mất vào năm 1901.

Thời kỳ đó, các bác sỹ dường như không có nhiều thông tin về căn bệnh kỳ lạ của “người đẹp ngủ”. Thậm chí, căn bệnh đó có phải là cơn ngủ kịch phát (Narcolepsy) mà y học thường nhắc tới hay không, cho tới nay vẫn là một câu hỏi bỏ lửng không có câu trả lời chắc chắn.

(kenh14.vn)