Tinh Hoa

Đi săn cổ vật và ‘học phí’ đau đớn

– Nửa đêm đông lạnh, đang ngủ thì điện thoại kêu vang “Anh ơi, ở Nghệ An có đào được một hố”. Thế là mắt nhắm mắt mở, anh gọi cậu đệ tử chạy thẳng xe trong đêm về Nghệ An, lao vào rừng…

Chuyện “phường săn”

Có người chơi cổ vật nói, từ “phường săn” dùng ở đây nghe có vẻ dao búa, nhưng sự thật, từ này rất hợp với dân chuyên đi săn cổ vật.

Những thợ “săn” cổ vật, được gọi là “thợ sứ” luồn lách khắp các hang cùng ngõ hẻm, khi lùng được món đồ cổ nào đó, thông tin được chuyển đến người chơi. Và người chơi, bất kể lúc đó đang làm gì cũng phải thật nhanh nhẹn lao đến địa điểm mà “thợ sứ” vừa gọi để xuất tiền mua hàng.

Chỉ cần chậm vài phút là có thể món đồ quý giá đã có thể bị kẻ khác nẫng mất.

Rừng cao su bị tàn phá ở Nghĩa Đàn, Nghệ An vì người dân đi đào cổ vật (Ảnh:Dân Trí)

 

 

Chuyện “đi sứ” đêm là chuyện bình thường. Một vị đại gia chuyên săn cổ vật kể lại: Nửa đêm đông lạnh đang ngủ, điện thoại kêu vang “Anh ơi, ở Nghệ An có đào được một hố”. Thế là mắt nhắm mắt mở gọi cậu đệ tử chạy thẳng xe trong đêm về Nghệ An, lao vào rừng…

Đến nơi, thấy hàng tá người đang hì hục đào đào, bới bới. Mình lúc này phải thật tỉnh táo, bình tĩnh để chọn cho đúng hàng mà xuất tiền.

Người săn cổ vật này kể lại, dân chuyên đi đào trộm mộ tìm cổ vật rất “gian”. Có khi tìm thấy cổ vật thật, loan tin cho “thợ sứ” nhưng cũng chỉ người nhà mang cổ vật giả ở nhà để sẵn ra để trà trộn vào đống hàng còn lấm lem bùn đất trong đêm.

Và chính thợ săn này cũng đã bị lừa ở Nghệ An một hố rất to vì lấy phải đôi bình dởm, nhìn sứt sẹo rất “hợp lý”, nhưng về nhà mới phát hiện ra là mình đã bị lừa.

‘Phường săn’ bây giờ gồm cả “thợ sứ” lẫn “giặc lái” (các tay buôn nhỏ). Vì cổ vật và tỉ lệ đào được cổ vật càng ngày càng hiếm nên cuộc cạnh tranh càng ngày càng trở nên khốc liệt.

Chỉ cần có tin báo có “hàng” là cả “thợ sứ” lẫn “giặc lái” đều lao đi. Nếu “thợ sứ” đến muộn thì đành cay đắng mua lại hàng từ tay “giặc lái”.

“Phường săn” đa phần đều có một vài mối lái quen thuộc, cắm chốt ở các tỉnh và vùng quê để tiện bề nắm bắt thông tin. Tiền trả cho các “cộng tác viên” thế này thường khá rẻ, lại không mất công lê la nhiều.

Những kẻ cướp mộ

Một chuyên gia về cổ vật và kiếm tìm cổ vật cho biết, các nguồn chính cung cấp hàng cho thị trường buôn bán cổ vật thật ra rất ít ỏi.

Hầu hết trong số này là những cổ vật được giữ lại trong các gia đình theo kiểu “báu vật gia truyền”, loại này rất ít khi được bán ra thị trường, thường thì gia đình nào gặp lúc quá túng bấn mới bán những đồ thừa tự như vậy, vì họ cho rằng, bán đồ tổ tiên để lại là mất truyền thống, mất nòi giống.

Ông Tăng Bá Hoành, nguyên giám đốc bảo tàng Hải Dương bên ngôi mộ Hán khổng lồ – Ảnh: VTC News

Muốn mua được loại này, phải là những người thật sự khéo léo, chứ chưa nói đến yếu tố “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”.

 

Một nguồn hàng trong sạch và phổ biến hơn là những cổ vật do người dân vô tình phát hiện ra trong lúc đào móng nhà, phá đá làm đường, rà phế liệu kim loại…

Một cách kiếm cổ vật khác lại được nhắc đến như phim hành động Mỹ. Đó không phải là những nhân vật bước ra từ bộ phim Tomb Raider, đó thật sự là những người chuyên đi đào mộ tìm cổ vật. Cổ vật do những tay chuyên đào bới mộ cổ, nền móng của các phế tích hoặc trục vớt lén lút từ những tàu cổ chìm đắm.

Nguồn cổ vật hiếm hoi nhất, lại chủ yếu được bán sang nước ngoài là cổ vật đánh cắp từ các bộ sưu tập cá nhân hoặc các bảo tàng.

Vì khan hiếm, một số “giặc lái” bắt đầu trở nên tinh vi hơn khi lên Hà Nội mua đồ giả cổ để mang vào gài ở các nhà dân ở những vùng Phú Thọ, Nghệ An, Thanh Hóa … rồi lừa những “tay mơ”.

Học phí đau đớn

Đi săn cổ vật cũng cần có học phí. Nhưng điều này không có nghĩa là đóng nhiều tiền học thì sẽ được lên lớp.

Đĩa hoa văn giả theo hoa văn thời Nguyễn này đã đánh lừa cả những nhà sử học uy tín vì tưởng là đồ cổ

 

 

Một nữ đại gia chơi cổ vật từng vấp phải chuyện đau đớn vì quá “máu”. Nửa đêm chị lặn lội từ Hà Nội vào Quỳ Hợp (Nghệ An) vì “thợ săn” báo có nhà dân mới đào được đồ cổ.

Đến nơi chỉ thấy một chiếc bình lấm lem bùn đất, bị sứt mất một mảnh. Chị kể: Mình không thích đồ không nguyên vẹn nhưng thật sự là sờ men thấy mê quá, bình sứt nhưng chiếc vòi thì kiểu dáng quá lạ, quá độc. Nhẩm tính là mua với giá 50 triệu vẫn còn hời lắm, không nhanh là người khác đến “nẫng” mất. Vậy là xuất tiền.

Cổ vật đào được ở Triệu Sơn, Thanh Hóa (Ảnh:bee.net)

 

 

Về đến Hà Nội, bạn bè trong giới ai cũng đến khen chị số sướng vì cổ vật tự đến với mình. Thế nhưng, vài tháng sau, trong một buổi gặp gỡ chung của các hội cổ vật với nhau, chị suýt òa khóc vì xót tiền và buồn bực.

Không ít người đã chơi lâu trong nghề vẫn phải trả những học phí rất đắt đỏ. Tuy nhiên, thú chơi này càng ngày vẫn càng thu hút nhiều “con thiêu thân”. Bởi, cổ vật vốn dĩ vẫn được coi là một tấm gương phản chiếu lại lịch sử, là kết tinh những gì tinh túy nhất của văn hóa xưa.

Bởi thế, với những người đam mê thật sự thì việc bỏ cả trăm triệu ra làm “học phí” vẫn là xứng đáng để nắm trong tay những gì quý giá còn sót lại của lịch sử.

Thu Lý

 

Quý bà bỏ chồng bỏ con vì mê cổ vật Cổ vật là thú chơi phải trả “học phí” rất cao. Tuy nhiên, không phải cứ chịu khó “trả học phí”, là được… lên lớp. Đó là lý lo có những đại gia làng bỗng chốc trở thành… “tiểu gia”.   Thú chơi lạ của đại gia đồ cổ Ông T đang ấp ủ kế hoạch tuyển một loạt mẫu chân dài đứng cạnh các cổ vật của mình để chụp một bộ ảnh “để đời”.