Một cuộc tuyển vợ nữa của các “đại gia” Trung Quốc lại vừa diễn ra. Hơn 1.300 phụ nữ đã tham gia thi tuyển để tìm ra 50 gương mặt xuất sắc nhất được phép hẹn hò với 50 triệu phú.
Các ứng viên đang đợi tới phần thi trong cuộc tuyển vợ cho triệu phú mới đây ở Jinan, Trung Quốc – Ảnh: Sina.
Theo tin từ báo Global Post, nếu muốn trở thành vợ của một triệu phú ở Trung Quốc, hai yếu tố bạn cần có là phải xinh đẹp và biết làm tốt công việc nội trợ. Ít nhất thì đây cũng là thông điệp từ cuộc tuyển vợ cho các quý ông giàu có vừa diễn ra cách đây ít hôm tại Jinan, Trung Quốc.
Tại cuộc tuyển vợ này, hơn 1.300 phụ nữ trang điểm và ăn mặc đẹp đã được yêu cầu làm “bài kiểm tra” với các công việc rất thường nhật như là quần áo, nấu nướng và thắt cà vạt. 50 người được chọn trong số này sẽ được quyền hẹn hò với 50 người đàn ông giàu có trong tháng 7 này.
Danh tính của các “đại gia” trong cuộc tuyển vợ được giàu kín, nhưng tài sản của họ thì không. Các nhà tổ chức cho biết, trung bình, mỗi người trong số họ có giá trị tài sản ròng lên tới 25 triệu USD, tương đương gần 540 tỷ đồng.
Ngoài chấm điềm ngoại hình và khả năng nội trợ, những người phụ nữ tham gia cuộc tuyển vợ còn được yêu cầu vẽ một bức tranh để các chuyên gia tâm lý đánh giá. Bên cạnh đó, các nhà tổ chức còn phỏng vấn bạn bè và đồng nghiệp của các cô gái để nhận xét về các mối quan hệ và khả năng giao thiệp xã hội của các cô.
Trong khi các nữ ứng viên không bỏ qua một cố gắng nào nhằm chứng tỏ họ sẽ trở thành người vợ lý tưởng, các “đại gia” lại không có mặt tại hiện trường của cuộc tuyển vợ. Chỉ khi nào các nhà tổ chức tìm ra được 50 gương mặt xuất sắc nhất, thì các “đại gia” mới xuất hiện trong bữa tiệc.
Tin tức và những bức ảnh về cuộc tuyển vợ quy mô lớn này cho các quý ông giàu có đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận gay gắt trên mạng xã hội Weibo. Mặc dù đây không phải lần đầu tiên một cuộc tuyển vợ ở Trung Quốc gây tranh cãi, nhiều cư dân mạng vẫn đưa ra những lời chỉ trích gay gắt cuộc tuyển vợ ở Jinan, coi đây là một dấu hiệu của sự tôn thờ vật chất – một căn bệnh trong xã hội Trung Quốc hiện nay.
Một cư dân mạng Weibo viết: “Có phải chúng ta đang quay về xã hội phong kiến nơi ông vua tổ chức những cuộc tuyển chọn lớn để chọn cung tần mỹ nữ? Thật là một xã hội đáng thương, tất cả chỉ vì tiền, chất cả chạy theo tiền. Liệu những người phụ nữ này có còn lòng tự trọng không”.
Ông Cheng Yongsheng, Giám đốc điều hành (CEO) của Câu lạc bộ doanh nhân độc thân Trung Quốc (CECS), đơn vị đã tổ chức 4 cuộc tuyển vợ cho “đại gia” từ tháng 5/2012 đến nay, lên tiếng bảo vệ việc làm của mình. Ông Cheng nói rằng, đây là một cách để phục vụ nhu cầu có thực của những người đàn ông độc thân không thiếu tiền nhưng thiếu thời gian để tìm bạn đời.
“Tôi có ý tưởng thành lập CECS vào năm 2012, ban đầu do một trong những người bạn của tôi là triệu phú nói với tôi rằng, anh ấy không thể nào tìm được một người phụ nữ ưng ý để đi tới hôn nhân. Đó lần đầu tiên tôi có ấn tượng rằng, những người giàu có như bạn tôi có những điểm yếu và dễ tổn thương giống như người bình thường”, Cheng nói.
Ngoài ra, ông Cheng tin rằng, việc tìm vợ đối với các triệu phú, tỷ phú còn khó gấp bội phần so với người bình thường vì họ không giỏi xoay sở và giao du trong vấn đề này như mọi người vẫn nghĩ. Quan trọng hơn cả, họ quá bận rộn với công việc đến nỗi không có thời gian và sức lực để mà hẹn hò.
Và đó là những lý do Cheng nhận thấy thị trường hẹn hò cho các nam “đại gia” đầy tiềm năng.
Trong mấy năm gần đây, số lượng triệu phú, tỷ phú ở Trung Quốc tăng mạnh. Cùng với đó, chuyện giàu nghèo trở thành một mối quan tâm ngày càng lớn của người dân nước này. Một cuộc thăm dò năm 2010 do hãng tin Reuters và Ipsos phối hợp tổ chức cho thấy, 70% người Trung Quốc nhất trí rằng, tiền là tín hiệu tốt nhất cho thấy sự thành công của một cá nhân. Tỷ lệ này ở Trung Quốc cao hơn ở bất kỳ quốc gia nào khác nơi cuộc thăm dò được tổ chức.
Các cuộc tuyển vợ cho “đại gia” liên tục diễn ra ở Trung Quốc thời gian qua đã chứng tỏ rằng, tình yêu và hôn nhân đã không còn “miễn nhiễm” trước ảnh hưởng của tiền bạc.
Năm 2010, một ứng viên tham gia một chương trình hẹn hò với nam doanh nhân độc thân thông qua truyền hình đã tỏ rõ quyết tâm lấy chồng giàu khi nói rằng, cô thà “khóc trong xe BMW chứ không cười trên xe máy”. Quan điểm này vừa được đưa ra ngay lập tức đã hứng “rổ đá” từ dư luận. Nhiều người cho rằng, những cuộc tuyển vợ như vậy đã biến người phụ nữ không hơn gì một món đồ
của đàn ông.
“Tôi không muốn đặt nặng việc đánh giá chuyện này, nhưng tôi cảm thấy thật không ổn trên phương diện bình đẳng giới. Những người phụ nữ bị kiểm tra từng ngóc ngách một theo những cách ngặ nghèo nhất, trong khi các triệu phú hưởng đặc quyền lựa chọn vì họ giàu có”, ông Ma Guanghai, một giáo sư về xã hội học thuộc Đại học Shangdong, nhận xét.
Cô Liu Ying, 27 tuổi, một ứng viên tham gia cuộc tuyển vợ tổ chức hồi tháng 4 vừa rồi ở Chengdu, lại không coi vấn đề nặng nề như vậy. “Tôi không nghĩ tới vấn đề tôn thờ tiền bạc hay phân biệt giới. Tôi chỉ đến vì muốn tìm một người chồng tốt, phù hợp với mình trên phương diện giáo dục, xuất thân và thu nhập. Tôi chỉ muốn tìm người chồng xứng đáng với mình”, cô Liu nói.
Phương Anh (dantri.com.vn)