– Người phát ngôn Bộ
Ngoại giao cho biết đã được phía Australia thông báo về việc bắt giữ 6 công dân
nước này bị cáo buộc đã hối lộ để giành hợp đồng in tiền ở một số quốc gia.
Tại họp báo thường kỳ chiều 7/7,
trả lời câu hỏi về khả năng liên quan của một số quan chức Việt Nam, bà Nga cho
biết: “Việt Nam sẵn sàng hợp tác tác với Australia để điều tra làm rõ sự việc
và xử lý theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam”.
Trong một phát biểu trước đó liên
quan đến những cáo buộc từ nước ngoài về vụ in tiền polymer, Thiếu tướng Triệu
Văn Đạt, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công
an), cho biết vào giai đoạn đầu khi có thông tin, lãnh đạo Bộ Công an giao Cục
Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng nắm tình hình, tiến hành xác minh. Sau
đó, vụ việc này được bàn giao cho Cục An ninh tài chính tiền tệ thực hiện.
Theo ông Đạt, từ thông tin trên
báo chí nước ngoài, cơ quan chức năng VN thông qua con đường hỗ trợ tư pháp đề
nghị cơ quan tư pháp nước ngoài cung cấp tài liệu nhưng chưa có căn cứ để khẳng
định có hay không việc quan chức nào ở VN nhận hối lộ. Hiện Chính phủ giao Bộ
Công an tiếp tục nắm vụ việc, hợp tác với cơ quan nước ngoài để thu thập thông
tin. Nếu có đủ căn cứ pháp lý sẽ xử lý tương tự như vụ PCI.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga. Ảnh: TTXVN |
Tàu hải quân Mỹ thăm Đà Nẵng
không phải để tập trận
Bà Nga cũng xác nhận từ ngày
15-21/7, ba tàu hải quân Mỹ là tàu USS Howard, USS Chung-Hoon và USNS Safeguard
sẽ ghé thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng.
“Đây là hoạt động giao lưu
định kỳ hàng năm đã được hai bên thỏa thuận trước nhằm mục đích tăng cường quan
hệ giữa hải quân hai nước, thực hiện các hoạt động nhân đạo, trao đổi kinh
nghiệm chuyên môn của hải quân và tìm kiếm cứu nạn. Đây không phải là một cuộc
tập trận hải quân”, bà Nga nói.
Nỗ lực duy trì hòa bình Biển
Đông
Trả lời câu hỏi về “nhận thức
chung giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam – Trung Quốc về các vấn đề trên Biển Đông”,
bà Nguyễn Phương Nga cho biết: Hai bên khẳng định quyết tâm gìn giữ hoà bình ổn
định ở Biển Đông, tuyên thủ nghiêm nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước
và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), duy trì cơ chế
đàm phán về các vấn đề trên biển, căn cứ các nguyên tắc và chế độ pháp lý đã
được xác định bởi luật pháp quốc tế, gồm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm
1982, để tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà các bên có thể chấp nhận, tích
cực nghiên cứu và bàn bạc cùng phát triển để tìm ra mô hình và khu vực thích hợp,
trong quá trình đó, cùng nỗ lực gìn giữ tình hình ổn định ở biển Đông, không áp
dụng những hành động phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp.
“Hai bên đồng ý với nguyên tắc
‘dễ trước khó sau’, tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học hải dương, bảo vệ môi
trường, dự báo khí tượng thủy văn, thăm dò khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ
trên biển, tàu hải quân đi thăm lẫn nhau, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin
trực tiếp giữa quân đội hai nước”, bà Nga nhấn mạnh.
Nhận thức chung này đã được ghi
nhận trong các tuyên bố chung trong các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai
nước, gần đây nhất là tháng 10/2008 khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Trung
Quốc. Nhân thức chung này cũng được nhắc lại trong cuộc gặp giữa Thứ trưởng Bộ
Ngoại giao Hồ Xuân Sơn và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc ngày 27/6 vừa
qua.
Trả lời câu hỏi của đài NHK (Nhật
Bản) về việc liệu Việt Nam có đưa ra ý kiến hay sáng kiến liên quan đến các vấn
đề trên Biển Đông tại các hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM),
giữa Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các đối tác (ASEAN +1, ASEAN +3) và Diễn đàn
khu vực ASEAN 18 (ARF) diễn ra từ 19-23/7 tại Bali, Indonesia, bà Nguyễn Phương
Nga cho biết: Tại các hội nghị này, các bên sẽ thảo luận các phương hướng biện
pháp thúc đẩy hợp tác trong ASEAN, cũng như giữa ASEAN với các đối tác, trao đổi
về các vấn đề quốc tế khu vực cùng quan tâm.
“Thúc đẩy hợp tác hòa bình, ổn
định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông là mối quan tâm và lợi ích chung
của tất cả các nước, vì vậy vấn đề này đã, đang và sẽ được thảo luận tại các
diễn đàn”, bà Nga nói.
“Việt Nam ủng hộ các nỗ lực
tăng cường xây dựng lòng tin và hợp tác, vì hòa bình, ổn định, an ninh và an
toàn hàng hải ở biển Đông, phát huy hơn nữa những công cụ và cơ chế khu vực hiện
có như Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở
Biển Đông (DOC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), các cam kết trong Kế hoạch hành
động ASEAN – Trung Quốc được thông qua tháng 10/2010 về tôn trọng, thực hiện đầy
đủ và hiệu quả DOC và sớm họp lại Hội nghị quan chức ASEAN – Trung Quốc về thực
hiện DOC”, bà Nga khẳng định.
“Hội nghị cấp cao ASEAN 18 vừa
qua cũng đã khẳng định tầm quan trọng của DOC đối với hòa bình ổn định, an ninh
và an toàn hàng hải ở Biển Đông và đã quyết dịnh ASEAN sẽ tích cực phấn đấu nhằm
sớm hoàn tất quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC và xúc tiến tham vấn về việc xây
dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC)”, bà Nga nhấn mạnh.
Bình luận theo yêu cầu của hãng
thông tấn Prensa Latina về việc Philippines kêu gọi sự tham gia của Hoa kỳ trong
các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói: “Đó
là quyết định của phía Philippines”.
“Việt Nam kiên định rằng hòa
bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông là mối quan tâm và lợi
ích chung của tất cả các nước, mọi nỗ lực mang tính xây dựng của các bên liên
quan để duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông đều được hoan nghênh”, bà
Nga khẳng định.
Thủy Chung