Có tới 28 phóng viên ảnh đã mất việc vì quyết định này, những người thừa nhận họ đã bị sốc đến nỗi “quên cả giận” sau cuộc họp bất thường vào buổi sáng định mệnh với Tổng biên tập. Steve Buyansky, một biên tập viên ảnh kể lại trong uất ức: “Ông ta chỉ nói chưa đầy 20 giây về việc đuổi cổ chúng tôi, thậm chí còn không có lấy một lời cảm ơn cho những gì chúng tôi đã làm, đã cống hiến vì tờ báo”.
Theo lập luận của ban biên tập Sun-Times, thì những video clip và hình ảnh đăng tải trên mạng không cần thiết phải đòi hỏi chất lượng quá cao như ảnh trên báo in. Hơn nữa, yêu cầu của làm báo tại thời điểm này là đưa tin thời gian thực, cập nhật từng phút nên các bức ảnh quá trau chuốt của phóng viên ảnh chuyên nghiệp tỏ ra không phù hợp. Hơn nữa, bản thân những bức ảnh này khi tải lên mạng cũng bị nén lại để giảm dung lượng nên sự chênh lệch về độ phân giải so với các bức ảnh chụp bằng iPhone cũng chẳng đáng là bao.
Smartphone có thể thay thế máy ảnh số gọn nhẹ, có thể thay thế những máy quay cầm tay phổ thông hay máy ghi âm. Nhưng chúng hoàn toàn không thể thay thế máy ảnh chuyên nghiệp cũng như tài năng và kinh nghiệm của các phóng viên ảnh, CNN khẳng định.
Nếu như bức ảnh bên trái hiển nhiên là do phóng viên ảnh chụp, thì bức còn lại trông y như một bức hình chụp vội bởi iPhone. Tại sao Sun-Times lại lấy bức ảnh này làm ảnh bìa thì chỉ có mình họ hiểu, nhưng theo suy đoán, có thể là để ngầm chống lại đợt biểu tình của các phóng viên ảnh bị sa thải mới đây. Trong cuộc biểu tình này, hơn 100 người đã giơ cao những khẩu hiệu như “Hãy cứu những bức ảnh!”, Đừng giết chết nhiếp ảnh báo chí!”.
Một số diễn đàn báo chí thậm chí đã liệt kê ra những việc tuyệt vời mà phóng viên có thể làm với smartphone trong kỷ nguyên mà họ gọi là “đưa tin di động” (Mobile reporting), dù kỷ nguyên này còn đang trong giai đoạn trứng nước, thiếu nguồn lực và chưa có nhiều hướng dẫn, định hướng cụ thể.
Y Lam (vietnamnet.vn)