Tinh Hoa

Nelson Mandela – Nhà lãnh đạo đáng kính bậc nhất thế giới

Nelson Mandela là một trong những nguyên thủ được kính trọng nhất thế
giới. Ông đã lãnh đạo cuộc đấu tranh thay thế chủ nghĩa Apartheid ở Nam Phi bằng
một nền dân chủ đa chủng tộc.

Toàn dân Nam Phi cầu nguyện cho Nelson MandelaÔng Nelson Mandela trong tình trạng nguy kịch


Nelson Mandela là một trong những nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất trên thế giới.

Ông đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1993 và là người da đen đầu tiên làm Tổng thống
Nam Phi (1994-1999).

Tài năng, sự hấp dẫn, tính hài hước và câu chuyện cuộc đời ông đã góp phần giúp
cho chính trị gia này nổi tiếng toàn cầu.

Kể từ khi rời khỏi cương vị Tổng thống năm 1999, Mandela trở thành một đại sứ
cấp cao nhất của Nam Phi, vận động chống HIV/Aids và giúp nước này giành quyền
đăng cai World Cup 2010. Ông cũng tham gia vào nhiều cuộc đàm phán hòa bình ở
Cộng hòa Dân chủ Congo, Burundi cùng nhiều quốc gia không chỉ ở châu Phi mà còn
ở các châu lục khác.

Bị chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến năm 2001, năm 2004, khi 85 tuổi, ông mới
lui khỏi đời sống công chúng để dành nhiều thời gian hơn bên gia đình và bạn bè.
“Đừng gọi cho tôi, tôi sẽ gọi cho bạn”, ông khuyên bất cứ ai nghĩ đến chuyện mời
ông tham gia vào các sự kiện trong tương lai.

Cựu Tổng thống Nam Phi rất ít khi xuất hiện trước công chúng kể từ khi ông
nghỉ dưỡng già. Tháng 11/2010, văn phòng của ông công bố những bức ảnh về một
cuộc gặp giữa ông và thành viên các đội bóng đá của Mỹ và Nam Phi.

Lần nhập viện mới đây nhất của Mandela là vào tháng 2 vừa qua, vốn được thông
báo trên báo chí với nội dung “kiểm tra định kỳ”, và sau đó, giới tin tức lại
tuyên bố ông Mandela đã tiến hành tiểu phẫu nhằm xác định nguyên nhân gây đau
tại vùng bụng.

Được Hoàng tộc nuôi dạy

Nelson Mandela sinh năm 1918 trong một gia đình Thembu nói tiếng Xhosa tại một
ngôi làng nhỏ ở Mũi Đông của Nam Phi. Ở Nam Phi, ông thường được gọi với cái tên
trìu mến “Madiba”. 

Chào đời là Rolihlahla Dalibhunga, ông đã được một thầy giáo đặt tên tiếng Anh
là Nelson. Cha ông, một cố vấn của Hoàng gia Thembu, đã qua đời khi Nelson mới
lên 9 và ông được giao nhiệm vụ chăm sóc cho quyền nhiếp chính của người dân
Thembu, Jongintaba Dalindyebo.

Ông tham gia Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) năm 1944, đầu tiên với vai trò là
một nhà hoạt động, sau đó là người sáng lập và là Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên
ANC.

Cuối cùng, sau những năm tháng bị cầm tù, ông trở thành Tổng thống Nam Phi.

Ông lấy người vợ đầu, Evelyn Mase, năm 1944. Họ li dị năm 1958 khi có 4 người
con. Mandela có tư cách là một luật sư và năm 1952, ông mở một văn phòng luật ở
Johannesburg cùng với đối tác của mình, Oliver Tambo. Hai người đã cùng nhau vận
động chống lại chủ nghĩa Apartheid, sản phẩm của Đảng Dân tộc gồm toàn người da
trắng áp bức người da đen đa số.

Năm 1956, Mandela bị buộc tội phản quốc cùng với 155 nhà hoạt động khác song
các tội danh chống lại ông đã được hủy bỏ sau một phiên tòa kéo dài 4 năm. 

Năm 1958, khi cuộc chiến chống Apartheid Mandela cưới Winnie Madikizela,
người sau này đóng một vai trò tích cực trong chiến dịch giải thoát chồng bà ra
khỏi nhà tù.

ANC bị đặt ra ngoài vòng pháp luật năm 1960 và Mandela bắt đầu hoạt động bí mật.
Căng thẳng với chế độ Apartheid tăng cao, lên tới đỉnh điểm vào năm 1960 khi 69
người da đen bị cảnh sát bắn chết trong cuộc thảm sát Sharpeville.

Tù chung thân

Đây là điểm mốc kết thúc cuộc kháng chiến hòa bình, và Mandela, lúc này là Phó
Chủ tịch ANC, mở một chiến dịch ngầm phá hoại kinh tế. Rốt cuộc, ông bị bắt và
bị buộc tội phá hoại cùng tội âm mưu lật đổ chính phủ một cách bạo lực.

Tự bào chữa cho mình ở một tòa án Rivonia, Mandela đã dùng chỗ đứng của mình
để truyền tải lòng tin của ông về dân chủ, tự do và bình đẳng.

“Tôi đã ấp ủ ý tưởng về một xã hội dân chủ và tự do, trong đó tất cả mọi
người cùng sống hòa hợp và có các cơ hội bình đẳng”, ông nói. “Đó là một ý tưởng
mà tôi hy vọng sẽ sống vì nó và đạt được. Nhưng nếu cần, đó là một ý tưởng vì nó
tôi sẵn sàng hy sinh”.

Vào mùa đông năm 1964, ông bị kết án tù chung thân.

Trong khoảng thời gian 12 tháng từ năm 1968 đến năm 1969, mẹ của Mandela qua
đời và con trai cả của ông chết trong một vụ tai nạn ôtô nhưng ông không được
phép dự tang lễ. Ông tiếp tục bị giam cầm trên đảo Robben 18 năm trước khi ngồi
tù ở Pollsmoor trên đất liền vào năm 1982.

Khi Mandela và các lãnh đạo ANC mòn mỏi chờ đợi trong nhà tù hoặc sống tị
nạn, những người trẻ tuổi tại các khu vực người da đen ở Nam Phi đã nỗ lực hết
sức để chiến đấu chống lại chế độ của người da trắng thiểu số. Hàng trăm người
bị giết hại, hàng nghìn người bị thương trước khi phong trào của học sinh sinh
viên bị dập tắt.

Năm 1980, ông Tambo, người đi tị nạn ở nước ngoài, đã phát động một chiến
dịch quốc tế nhằm giải thoát Mandela khỏi nhà tù.

Cộng đồng thế giới tăng cường cấm vận vốn áp đặt lên Nam Phi lần đầu năm 1967
chống lại chế độ Apartheid. Sức ép này đã mang lại kết quả, và năm 1990, Tổng
thống FW de Klerk dỡ bỏ lệnh cấm đối với ANC, và Mandela được trả tự do. Các
cuộc hội đàm thành lập một nền dân chủ đa chủng tộc mới cho Nam Phi bắt đầu.

Năm 1992, Mandela li dị người vợ thứ hai, bà Winnie, sau khi bà bị buộc tội
bắt cóc và đồng lõa tấn công.

Tháng 12/1993, Mandela và ông de Klerk được trao giải Nobel Hòa bình. 5 tháng
sau đó, lần đầu tiên trong lịch sử Nam Phi, các cử tri ở mọi màu da đi bỏ phiếu
trong cuộc bầu cử dân chủ và Mandela giành chiến thắng vang dội. 

Tạo dựng hình ảnh Nam Phi

Vấn đề lớn nhất của Mandela khi ông làm Tổng thống là thiếu nhà ở cho người
nghèo, với các khu ổ chuột tiếp tục ảnh hưởng xấu đến các thành phố lớn. Ông
giao cho người phó của mình, Thabo Mbeki, chăm lo công việc hàng ngày của chính
phủ còn ông tập trung vào các công việc lễ nghi của một nhà lãnh đạo, tạo dựng
hình ảnh mới của Nam Phi trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, ông đã thành công trong việc thuyết phục các tập đoàn đa
quốc gia của Nam Phi ở lại và đầu tư vào Nam Phi.

Vào sinh nhật lần thứ 80 của mình, Mandela cưới Graca Machel, quả phụ của cựu
Tổng thống Mozambique.

Ông tiếp tục đi khắp thế giới, gặp gỡ các nhà lãnh đạo, tham dự các hội nghị
và giành được nhiều giải thưởng sau khi từ chức Tổng thống. Chính thức về hưu,
những lần xuất hiện của ông trước công chúng chủ yếu liên quan đến hoạt động của
Quỹ Mandela, một tổ chức từ thiện mà ông thành lập.

Vào sinh nhật lần thứ 89, ông thành lập The Elders, một nhóm gồm các nhà lãnh
đạo hàng đầu trên thế giới chuyên cung cấp kiến thức chuyên môn và chỉ dẫn nhằm
“giải quyết một số vấn đề khó khăn nhất của thế giới”.

Có lẽ, sự can thiệp đáng chú ý nhất của ông trong những năm gần đây là vào
đầu năm 2005, tiếp sau cái chết của con trai ông, Makgatho. Vào một thời điểm mà
những điều cấm kị còn bủa vây chứng bệnh Aids, ông Mandela tuyên bố con trai ông
chết vì Aids, và kêu gọi người dân Nam Phi hãy nói về Aids để “làm cho mọi người
hiểu nó như một căn bệnh bình thường”.

Nelson Mandela cũng đóng một vai trò then chốt trong quyết định để Nam Phi
đăng cai World Cup 2010 và ông đã xuất hiện ở lễ bế mạc sự kiện này.

Thanh Hảo(Theo BBC, NZ Herald)

(vietnamnet.vn)