Tinh Hoa

Người lính “vượt ngục 200 lần để đến với tình yêu” trong Thế chiến II

Đây là một trong những câu chuyện tình yêu có thật cảm động nhất trong Thế chiến thứ II, kể về một tù binh “vượt ngục” hơn 200 lần chỉ để được ở gần với người mình yêu trong chốc lát… 

Câu chuyện kể về Horace Greasley – một người lính Anh thuộc hàng ngũ quân Đồng Minh chống lại phát xít Đức. Trong một trận phục kích ngày 25/5/1940, Greasley bị bắt làm tù binh.


Horace Greasley lúc đồng ý gia nhập quân Đồng Minh


Greasley (hàng trước, thứ 2 từ phải sang) cùng với những người anh em của mình trong trại tù binh chiến tranh. 

Một câu chuyện tình nở hoa giữa Thế chiến

Sau thời gian chịu đựng cực khổ tàn tệ ở trại tù binh, một thời gian sau, Greasley được chuyển tới nhà tù ở Silesia, Ba Lan để tham gia khai thác than cùng đá cẩm thạch cho quân đội Đức. Cuộc sống ở đây có phần dễ thở hơn, mỗi phòng giam có nhà vệ sinh cùng nước sinh hoạt đầy đủ, thức ăn cũng nhiều hơn tuy nhiên các tù binh phải lao động vô cùng vất vả.

Nhưng chẳng ai ngờ, giữa hoàn cảnh chiến tranh, trong nhà tù vô nhân đạo và đầy nghiệt ngã ấy, có một tình yêu đẹp lại nở hoa. Lúc này, Greasley là người đứng đầu trong nhóm các tù nhân khai thác cẩm thạch nên thường xuyên được tham gia cuộc họp với các sỹ quan cấp cao của Đức. Tại đây, Greasley đã gặp Rosa Rauchbach – một phiên dịch viên cho quân đội Đức, đồng thời cũng là con gái của Herr Rauchbach – người quản lý nhà tù. 

Chân dung của Rosa.

Điều kỳ diệu đã xảy ra, tình yêu của họ đã sớm “đơm hoa kết trái” ngay từ cái nhìn đầu tiên đó. Vẻ ngoài lãng tử, bất cần, phong thái ăn nói ngang tàng của Greasley đã khiến Rosa vô cùng ấn tượng, cô thường lén tới khu mỏ nơi Greasley làm việc để gặp mặt người tình.

Tuy nhiên, họ chỉ được hạnh phúc trong một thời gian ngắn ngủi. Ít lâu sau, Horace Greasley bị buộc chuyển tới một nhà xưởng mới cùng các tù nhân khác. Dù vô cùng buồn bã, nhưng Rosa không thể can thiệp để giúp đỡ người yêu của mình. Cô quyết tâm đi theo dù người tình có bị chuyển đi bất cứ nơi đâu. 

Về phần Greasley, sau khi được chuyển đến trại tập trung mới, nỗi nhớ người yêu da diết khiến ông vô cùng khó chịu. Trong một lần đi cắt tóc, một tên quản tù lén đưa cho Greasley lá thư của Rosa và khi biết người yêu vẫn đợi mình trong đau khổ, ông đã quyết tâm vượt ngục.


Horace Greasley và Rosa.

Được sự giúp đỡ của một người bạn tù, Greasley đã đào một đường hầm phía dưới hàng rào dây thép gai của trại và thoát ra ngoài. Sau khi các tù nhân đã yên giấc, trại giam trở nên yên ắng và đám lính canh Đức thưa thớt dần, Horace Greasley đã một mình thoát ra khỏi buồng giam để gặp bạn gái. 

Lần đầu tiên sau hơn 1 năm, Greasley được nếm mùi vị của tự do. Trong hoàn cảnh đó, chỉ cần ông tiếp tục di chuyển qua biên giới sẽ đến các nước trung lập và an toàn thoát khỏi kiếp nô lệ. Nhưng Greasley đã không làm như vậy, người đàn ông dũng cảm ấy sau khi gặp bạn gái đã trở lại trại giam để tránh cho việc đồng đội mình bị vạ lây. 

Cứ như vậy ba tuần một lần, kéo dài suốt 2 năm, anh thanh niên người Anh lại vượt ngục để gặp người yêu bất chấp mọi hiểm nguy và sự canh gác nghiêm ngặt của đám lính Đức. Nơi gặp mặt của đôi tình nhân là một căn nhà hoang nhỏ gần đó. 

Sau những cuộc gặp ngắn ngủi, Greasley lại cầm theo thức ăn mà chính tay Rosa làm để phân phát cho những bạn tù đang dần kiệt sức vì đói. Tính ra trong khoảng thời gian ấy, có tới 200 lần Greasley vượt ngục rồi quay trở lại. 

Một điều đáng nể khác của Greasley chính là việc dám hiên ngang đối mặt với một trong những nhân vật quyền lực nhất của Đức Quốc Xã bấy giờ là Heinrich Himmler. Một lần nọ, bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức quyết định đi tham quan tình hình giam giữ tù nhân ở các trại trên khắp đất nước. 


Cuộc gặp gỡ huyền thoại của Greasley với Heinrich Himmler.

Tại trại Freiwaldau, Heinrich Himmler gặp một tù nhân ung dung tiến đến trước mặt và ngạo mạn đưa ra yêu cầu cung cấp nhiều thực phẩm hơn cho các tù binh Đồng Minh, người đó không ai khác đó chính là anh thợ làm đầu Horace Greasley. 

Cuộc đối đầu có 1-0-2 này may mắn được ghi lại bởi ống kính của một phóng viên chiến trường Đức. Chẳng mấy chốc, bức ảnh hiếm hoi này đã trở thành một trong những biểu tượng của anh hùng thời chiến, đủ sức lay động trái tim của mọi thời đại.

Một kết cục buồn

Năm
1945, khi quân Mỹ đến giải phóng nhà tù, Greasley được tự do trở về Anh. Rosa tiếp tục đầu quân cho lính Mỹ đảm nhận vai trò phiên dịch viên, cả hai ban đầu giữ liên lạc với nhau nhưng bỗng dưng Rosa không hồi âm thư từ cho Greasley nữa.

Cho đến khi ông nhận được lá thư từ một người bạn ở Đức cho hay, Rosa đã qua đời vì sinh khó. Đến lúc này, Horace Greasley vẫn không biết đứa con của Rosa chính là con đẻ của mình. Nghĩ rằng đã bị phản bội nên Greasley vô cùng đau đớn, tuyệt vọng. 

Mãi sau này khi biết rằng, đó là con của chính mình, Greasley lại hoàn toàn vô vọng khi truy tìm tung tích của đứa trẻ. Từ đó, để quên đi đau khổ, Greasley dốc tâm vào sự nghiệp, gây dựng tiệm cắt tóc tại quê nhà, rồi mở thêm một công ty cho thuê xe vận chuyển. Đến năm 1970, ông gặp và cưới người vợ hiện tại là Brenda, hai vợ chồng chuyển đến Tây Ban Nha hưởng tuổi già vào năm 1988.


Hình ảnh Greasley khi về già.

Horace Greasley qua đời vào tháng 2/2010, thọ 91 tuổi. Chuyện tình đầy bi kịch của ông, được viết thành một cuốn sách mang tựa đề “Chim có hót trong địa ngục?” bởi Ken Scott. 


Câu chuyện cảm động trên được viết thành cuốn sách mang tên “Chim có hót trong địa ngục?”.

Ngoài ra, mới đây, nhà sản xuất của Mission Impossible III là Stratton Leopold đã quyết định chuyển thể câu chuyện buồn này thành phim nhằm ca ngợi một trong những tình yêu đẹp nhất lịch sử nhân loại.

* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: History, Telegraph, ITV, Wikipedia…


Bạn có thể xem thêm:


Cuốn nhật ký gây chấn động thế giới của bé gái 13 tuổi

(kenh14.vn)