Hội chứng ảo giác Charles Bonnet (CBS) được gọi theo tên nhà khoa học người Thụy Sĩ. Hội chứng này thường xảy ra ở người thị lực bị suy giảm nghiêm trọng, và thiếu yếu tố kích thích ở vùng não chi phối thị giác.
Charles Bonnet, nhà khoa học đầu tiên mô tả hội chứng mang tên ông. Ảnh: Wikipedia. |
Bác sĩ Dominic Ffytche, ở Viện Tâm thần, thuộc Đại học Hoàng gia London và chuyên gia về CBS, báo cáo có hơn 200.000 trường hợp mắc bệnh này ở Anh. Tuy nhiên, những người mắc phải CBS thường miễn cưỡng tiết lộ trường hợp ảo giác kỳ lạ của họ, vì thế con số thật có thể còn cao hơn nhiều.
Lillian Boyd bị mù trong hơn 20 năm rồi bất ngờ nhìn thấy lờ mờ những hình ảnh lạ lùng chuyển động. Boyd ngạc nhiên khi nhìn thấy hai con chó to lớn giống Labrador xuất hiện trong nhà bà ở hạt Durham nước Anh. Thậm chí, bà còn nhìn thấy vài cô bé ăn mặc đẹp và những người đàn ông lạ mặt.
Ở tuổi 86, Lillian Boyd sợ rằng nếu nói ra trường hợp của mình với bác sĩ hẳn sẽ bị quy là mất trí do tuổi cao. Nhưng, thật ra Lillian Boyd đã mắc phải CBS do bệnh mắt gây ra hơn là vấn đề tâm thần. Các ảo giác không có âm thanh và không thể cảm thấy chúng nhưng lại được nhìn thấy. Bà Boyd cho biết, những vị khách không mời này cũng thường “ở lại suốt ngày” trong nhà bà.
Bác sĩ Ffytche là người tiên phong trong chiến dịch do Hội Mắt Hoàng gia phát động, kêu gọi các bác sĩ cảnh báo sớm những người bị thoái hóa hoàng điểm (AMD), do tuổi cao dễ mắc phải CBS. Số liệu thống kê tiết lộ, ở Anh có khoảng 60% bệnh nhân mất thị lực bị CBS.
Bình thường, các tế bào thần kinh trong võng mạc liên tục gửi luồng xung động đến vùng não chi phối thị giác. Nếu võng mạc bị tổn hại, luồng xung động sẽ yếu đi, và vùng não chi phối thị giác sẽ tự động tạo ra những hình ảnh riêng dẫn đến sự xuất hiện của ảo giác. Ảo ảnh xuất hiện tùy thuộc vào vùng não nào hoạt động mạnh nhất.
Vấn đề hiện nay là giới khoa học chưa lý giải được tại sao người trẻ tuổi bị thoái hóa hoàng điểm ít mắc phải CBS hơn người cao tuổi. Ngoài ra, CBS cũng có thể phát triển sau khi dây thần kinh thị giác ở hai bên mắt bị tổn hại do ngộ độc methanol.
Thông thường những ảo giác chỉ xuất hiện trong vài giây, hay vài giờ nhưng có thể kéo dài suốt ngày như trường hợp của Lillian Boyd. Thậm chí, có một số trường hợp bị ảo giác suốt ba năm liền. Theo Ffytche, ngay đến những người có thị lực bình thường đôi khi cũng rơi vào trường hợp CBS nếu bị bịt mắt khá lâu.
Một nghiên cứu do Ffytche và các đồng nghiệp của ông thực hiện cho thấy, khoảng 20% trong số các trường hợp, bệnh nhân cảm thấy thích thú khi nhìn thấy những hình ảnh lạ lùng, trong khi độ chừng một nửa cho biết không có cảm xúc gì, còn 30% khác bộc lộ sự khó chịu.
Bà Lillian Boyd. |
Năm 2003, một nhà sản xuất chương trình truyền hình tên là Sandra Jones, 54 tuổi, nhìn thấy những gương mặt xuất hiện trên trang sách hay màn hình máy tính hai đến bốn lần trong ngày, nhất là khi đầu óc căng thẳng hay mất ngủ. Cuối cùng, bà chỉ biết đến CBS khi tìm kiếm trên Internet. Năm 2009, các bác sĩ chẩn đoán Sandra Jones bị chứng loạn dưỡng đáy mắt Sorsby – bệnh mắt di truyền hiếm gặp là nguyên nhân dẫn đến AMD.
Hội chứng ảo giác được Charles Bonnet mô tả lần đầu tiên vào năm 1769, đó là trường hợp xảy ra với ông nội 89 tuổi của ông, người gần như bị mù cả hai mắt do đục thủy tinh thể (cườm khô) nhưng vẫn nhìn thấy đàn ông, phụ nữ, chim chóc, xe ngựa, nhà cửa, thảm lát sàn.
Nhà sử học Lord Dacre of Glanton cũng mắc phải CBS và nhìn thấy những con ngựa, xe đạp, và rất nhiều quang cảnh lướt nhanh qua mắt giống như một người đang ngồi trong xe lửa đang chạy nhanh. Những gương mặt người hay vật thể được nhìn thấy thường mờ, chập chờn và không rõ đường nét. Một đặc điểm của các ảo giác là người bệnh thường nhìn thấy những vật thể hay con người nhỏ hơn bình thường hay tí hon.
Theo số liệu thống kê, CBS thường xảy đến với những người trên 65 tuổi với tỉ lệ từ 10% đến 40%. Hiện tại, không có cách điều trị nào được chứng minh có hiệu quả đối với CBS. Nhưng, có một báo cáo cho rằng, loại thuốc chống suy nhược và âu lo có thể có tác dụng đối với các bệnh nhân CBS.
Hội chứng ảo giác Charles Bonnet được mô tả trong nhiều cuốn sách như “Những bóng ma trong não” của tác giả Vilayanur S. Ramachandran, “Những ảo giác” của Oliver Sacks hay “Những trò chơi thần thánh” của Vikram Chandra. Thậm chí, có hẳn một bộ phim của Ấn Độ về CBS “Jawan of Vellimala” được chiếu năm 2012.
Bác sĩ Ffytche là người cố gắng tìm ra những biện pháp để giúp bệnh nhân CBS được giải thoát khỏi những ảo giác khó chịu. Ông cho rằng: “Ảo ảnh có xu hướng xuất hiện nơi những người bị mất ngủ cho nên cách tốt nhất là cố gắng giữ cho đầu óc luôn tỉnh táo và ngủ đủ giấc”.
Bác Ffytche cũng khuyên nên tập kích thích các đầu ngón tay bằng khối rubik hay xúc xắc. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể tập chuyển động mắt, đứng lên và ngồi xuống, nín thở. Thuốc an thần thường được chỉ định cho những trường hợp nặng song dễ gặp những tác dụng phụ khó chịu như nôn mửa, rùng mình hay tiêu chảy.
Theo An ninh thế giới
(vnexpress.net)