Vậy nên, cái sự buồn của tuổi ẩm ương đôi khi không bởi lí do gì hết. Lên trang mạng xã hội, chúng ta thường xuyên bắt gặp những câu status: “Buồn quá! Sao buồn dữ vậy? Lonely…”.
Tuy nhiên, nếu cái buồn vẩn vơ ấy cứ tiếp tục hết ngày này sang ngày khác, tự dưng vui ngay đấy mà lại buồn ngay đấy thì cũng rất nguy hiểm, vì dễ dẫn tới bệnh stress, trầm cảm rất phổ biến trong đời sống teen hiện nay.
Vậy có khi nào các bạn tự hỏi: “Nguyên nhân của nỗi buồn? Và sao không ai hiểu nổi ta?”
Nguyên nhân nỗi buồn
Điểm kém, bạn bè tẩy chay, cha mẹ than phiền, giận dỗi người yêu…đó là những nỗi buồn có thể gọi tên.
Thế nhưng, nhiều bạn trẻ hiện nay đang “cường điệu hóa” nỗi buồn. Nhàn hạ quá, chẳng có việc gì làm cũng than buồn, như N(trường CĐ X) suốt ngày than thở: “Chán ghê gớm, thi xong rồi suốt ngày ngủ, cày game, buồn ơi là sầu”, hay L (trường ĐH NL) thì chuyên ca thán “sao buồn thế không biết, cuộc đời chẳng có gì thú vị”, nên được bạn bè mệnh danh than buồn là “nghề” của cô nàng.
Thậm chí nhiều bạn không có ai đi chơi cùng cũng là buồn… cùng hàng trăm nỗi buồn không tên khác xuất hiện hàng ngày trong suy nghĩ của teen.
Thực tế trong cuộc sống, chúng ta không tránh khỏi những lúc buồn phiền. Nỗi buồn đôi khi như gia vị giúp ta nghiệm lại bản thân mình đã làm tốt mọi thứ hay chưa? Đã cố gắng hết mình trong công việc, học hành hay chưa? Và từ đó thay đổi, điều chỉnh suy nghĩ theo chiều hướng tích cực và cố gắng hành động tốt để đạt được những kết quả khả quan trong thời gian tới.
Nỗi buồn là cảm xúc, nhưng nhiều bạn đang thái quá cảm xúc của mình, nhiều lúc bình thường bỗng dưng…thấy buồn đã trở thành tình trạng phổ biến chung của teen.
Thực chất cảm xúc trong phút chốc chưa hẳn là buồn, nhưng cứ liên hoàn ca thán “Buồn lắm! buồn quá, buồn ghê gớm…” vô hình chung đẩy mạnh cảm xúc lún sâu xuống và mặc nhiên cảm thấy buồn không lí do.
Theo các nhà khoa học nghiên cứu, nỗi buồn cũng có tác dụng tốt vì “buồn đau có thể giúp con người có khả năng thích ứng tốt hơn với những thách thức trong cuộc sống, trở nên mềm dẻo hơn và thúc đẩy con người đạt được những thành tựu cao hơn”.
Thế nhưng, không phải lúc nào cũng “lạm dụng” nỗi buồn và chìm đắm trong đó cũng giúp ta trưởng thành lên.
Sao không ai hiểu nổi ta?
Đó là cụm từ xuất hiện nhiều nhất trong các trang blog của teen. Luôn kêu la “buồn chán”, thế nhưng lại ít khi tìm cách “giải mã” và đẩy tan nỗi buồn phiền là hiện tượng thường thấy trong đời sống teen.
Khi bạn than buồn, mang vẻ mặt ủ dột bí xị thì không những mình bạn thấy buồn mà những người bạn xung quanh cũng bị nỗi buồn của bạn lây lan.
Có lúc bạn rơi vào hoàn cảnh “ không ai hiểu nỗi mình” và bạn cảm thấy chán ngán tất cả, vậy có bao giờ bạn đặt ngược câu hỏi “mình đã mở lòng hay chưa?”. Chỉ cần bạn mở rộng lòng chia sẻ thì có rất nhiều người lắng nghe bạn nói.
Đừng giấu kín nỗi buồn sâu tít bên trong vì nhiều nỗi buồn tích tụ không được giải tỏa sẽ đẩy bạn xuống vực thẳm của căn bệnh strees.
“Buồn ơi ta xin chào mi!”
Niềm vui – nỗi buồn là hai người bạn luôn song hành trong cuộc sống. Có lúc chúng ta cảm thấy cuộc đời toàn màu hồng, lại có khi thấy tất cả chỉ một màu đen tối. Buồn chưa hẳn đã là tiêu cực bởi nỗi buồn có sức công phá mạnh mẽ giúp ta đẩy bản thân tiến về phía trước hơn.
Nhưng nỗi buồn đôi khi như con dao hai lưỡi, nhất là đối với tuổi dậy thì dễ xúc động, dễ cảm thấy bị tổn thương và “nghiêm trọng hóa” nỗi buồn thì chính nỗi buồn lại gây ra nhiều trường hợp đáng tiếc như: tự tử, rạch tay chảy máu…của một số bộ phận giới trẻ.
Biết nhận thức nỗi buồn và học cách sống chung, giải tỏa cũng là một phương pháp cần thiết đối với mỗi chúng ta.
Đừng để nỗi buồn “gặm nhấm” tới mức bị strees các bạn nhé!
– Khi buồn nên:
+ Hoạt động cơ thể (đi hát, chạy nhảy… đối với những bạn yêu thích sự sôi động) để đưa mình về trạng thái cân bằng.
+ Ngồi thiền ( đối với những bạn trầm tính, ưa thích sự yên tĩnh…) là phương pháp tốt giúp bạn tĩnh tâm
+ Khóc một trận đã đời: theo các nhà khoa học thì nước mắt có tác dụng điều tiết, giảm bớt độc tố trong người. Nhưng sau khi khóc xong thì hãy đứng trước gương và cười một cái teen nhé!
Theo Phạm Thị Hồng
Mực Tím