Tinh Hoa

5 vụ rò rỉ thông tin mật gây “chấn động” nước Mỹ

Vừa qua, không chỉ giới truyền thông thế giới mà ngay chính người dân Mỹ cũng đang theo dõi khá sát những tin tức liên quan đến một cựu nhân viên kỹ thuật của Cơ quan Tình báo CIA, người tiết lộ thông tin về chương trình do thám bí mật mà chính phủ Hoa Kỳ đang thực hiện khi thu tóm tài liệu điện thoại và Internet mà công dân Mỹ sử dụng. Sự kiện này đã làm rúng động cư dân nước Mỹ cũng như thế giới.
Cùng điểm lại những vụ rò rỉ thông tin khét tiếng nước Mỹ tronglịch sửtheo danh sách của trang Livescience.
1. Tài liệu Lầu Năm Góc
Đây được cho là vụ rò rỉ thông tin lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Vào năm 1969, Daniel Ellsberg – một nhà phân tích quân sự làm việc cho Lầu Năm Góc đã bí mật chụp lại các tài liệu có liên quan đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 1945 – 1967.
Nội dung tài liệu đã chỉ ra chính quyền của Tổng thống Lyndon Johnson đã bí mật cho leo thang chiến tranh xung đột ở Việt Nam. Không chỉ vậy, họ còn nói dối về hành động của mình, về tình hình tham chiến của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam trước Quốc hội và người dân Mỹ.
Daniel Ellsberg – sĩ quan nghiên cứu chiến lược của Lầu Năm Góc trả lời phỏng vấn.
Việc công bố tài liệu cho The New York Times và các báo khác của Daniel Ellsberg vào năm 1971 đã tạo ra một phong trào phản chiến tranh mạnh mẽ. Nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra. Tổng thống Richard Nixon đã cố gắng nhưng không thể ngăn chặn được hết việc rò rỉ thông tin của bộ “Tài liệu Lầu Năm Góc”.
2. Vụ bê bối Watergate
Một trong những vụ rò rỉ nổi tiếng nhất là vụ bê bối Watergate của Tổng thống Richard Nixon. Vào ngày 17/6/1972, năm “tên trộm” đã bí mật đột nhập văn phòng của Đảng Dân Chủ tại Khách sạn Watergate (Washington D.C) để cài đặt thiết bị nghe trộm.

Tổng thống Richard Nixon.

FBI đã vào cuộc và điều tra ra, thủ phạm là các nhân vật thân cận của Tổng thống Nixon cùng ủy ban vận động bầu cử của ông. Họ nhắm vào các đối thủ chính trị là Đảng Dân Chủ. Tuy nhiên, các kết quả điều tra của FBI bị ỉm đi dưới những âm mưu che đậy của Nhà Trắng.
Chỉ tới khi 2 phóng viên của tờ Washington Post là Carl Bernstein và Bob Woodward có cuộc tiếp xúc với lãnh đạo chính quyền trong vụ bê bối này và phanh phui mọi việc trên báo chí, thì sự việc mới được sáng tỏ.
Hai phóng viên tờ Washington Post, Bob Woodward và Carl Bernstein.
Người cung cấp thông tin chính cho báo chí có biệt danh là “Deep Throat” (sau này được tiết lộ là cựu nhân viên FBI – W. Mark Felt).
Trong lịch sử các đời Tổng thống Mỹ, chỉ duy nhất có một người phải rời khỏi chiếc ghế quyền lực khi nhiệm kỳ còn dang dở. Không ai khác, chính là Nixon – ông từ chức tháng 8/1974.
3. The Plame Affair
Vào ngày 6/7/2003, The New York Times đăng một bài báo của cựu Đại sứ ngoại giao Mỹ – Joseph Wilson và đặt câu hỏi về lý do chính quyền Tổng thống George W. Bush tấn công Iraq trước năm 2003.
Wilson – cựu đặc phái viên CIA được cử đến Niger (một quốc gia ở Tây Phi) trong năm 2002 đã cho biết, lý do là Iraq đã cố gắng mua bánh vàng – một bước tiến tới làm giàu uranium.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, thông tin từ Niger là vô căn cứ. Đáp lại, trên tờ Washington Post ngày 14/7/2003, nhà bình luận Robert Novak viết một bài báo chỉ trích Wilson và nghi ngờ vợ của Wilson – Valerie Plame là “gián điệp” (một nhân viên mật cũng thuộc CIA).
Wilson cáo buộc việc Nhà Trắng cho rò rỉ danh tính của Plame là để trả thù vì bài báo viết về ông. Trước sự việc này, Công tố viên Patrick Fitzgerald đã phỏng vấn Tổng thống Bush, Phó Tổng thống Dick Cheney và quan chức chính quyền cùng các nhà báo khác để điều tra.
Phóng viên Judith Miller của New York Times đã bị cáo buộc là đã làm rò rỉ thông tin về Valerie Plame. Tuy nhiên, cô khẳng định, trong cuộc gặp gỡ với Lewis “Scooter” Libby (Chánh văn phòng của Phó Tổng thống Dick Cheney) vào khoảng tháng 6 hoặc tháng 7/2003, ông ta đã tiết lộ rằng vợ của Đại sứ Wilson là nhân viên mật của CIA. Điều này đã được Judith ghi chép lại và sau này dùng làm bằng chứng chống lại Libby.
Sau khi điều tra, Libby đã bị kết tội cản trở công lý, khai man trước tòa và gian dối khi khai báo với nhân viên điều tra liên bang. Ông ta có thể bị kết án đến 25 năm tù giam. Tuy nhiên, cuối cùng ông thoát khỏi bởi một đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua nhằm bảo vệ cho nhân viên Cục Tình báo.
4. Tài liệu mật về cuộc chiến tranh Iraq (WikiLeaks)
Cái gọi là “tài liệu mật về cuộc chiến tranh Iraq” chỉ là một trong nhiều rò rỉ do WikiLeaks – một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập, điều hành bởi nhà báo Úc – Julian Paul Assange.
Tổ chức này đã công bố thông tin bí mật từ các nguồn vô danh. Trong tháng 10/2010, WikiLeaks công bố báo cáo lĩnh vực quân sự giai đoạn 2003-2009, liệt kê số thường dân thiệt mạng. 391.831 tài liệu về cuộc chiến Iraq được công khai và được thế giới mô tả là “quả bom sự thật”.
Chính quyền Mỹ thông báo rằng họ không thể ước tính được số dân thường thiệt mạng. Tuy nhiên, theo tài liệu được công bố thì 285.000 nạn nhân; trong đó ít nhất 109.000 người thiệt mạng từ tháng 3-2003 đến cuối năm 2009 – là hậu quả của “những cuộc tắm máu”.
5. Edward Snowden và vụ rò rỉ chương trình PRISM
Vào ngày 06/06/2013, tờ báo The Guardian tiết lộ thông tin, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) thu thập hồ sơ điện thoại của hàng triệu khách hàng của Verizon – nhà cung cấp viễn thông của Mỹ, những người sử dụng Internet nhằm chống khủng bố. Các dữ liệu này còn bao gồm số điện thoại của bên gọi và bên nhận, thời lượng cuộc gọi, ngày, giờ, địa điểm cuộc gọi.
Theo Washington Post và The Guardian, NSA đã trực tiếp tác động vào máy chủ của 9 công ty Internet, trong đó có Facebook, Google, Microsoft và Yahoo để theo dõi những cuộc liên lạc trực tuyến dưới một chương trình có tên gọi là PRISM.

Edward Snowden, cựu nhân viên kỹ thuật của Cơ quan Tình báo CIA.
PRISM được thành lập vào năm 2007 nhằm theo dõi sâu các cuộc trao đổi trên mạng và lưu trữ thông tin về người nước ngoài. PRISM được cho là giúp NSA và Cục Điều tra Liên bang (FBI) xâm nhập vào các thư điện tử, nội dung chat và các hình thức liên lạc khác trực tiếp trên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất của Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng dùng cách thức tương tự để theo dõi những đối tượng người nước ngoài bị tình nghi là khủng bố hay gián điệp.
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Livescience, The Guardian, The New York Times, Wikipedia…
theo tri thuc tre