Tinh Hoa

Số phận bất định của người tố giác chính phủ Mỹ

Thứ tư, 12/6/2013, 17:34 GMT+7

Edward Snowden trả lời phỏng vấn với The Guardian trong khách sạn ở Hong Kong. Ảnh: AFP

Snowden, cựu trợ lý kỹ thuật Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và cũng là người đã tiết lộ thông tin về các chương trình tuyệt mật hàng đầu của chính quyền Mỹ, mới đây trả phòng khách sạn tại Hong Kong, nơi anh đã trú ẩn trong ba tuần vừa qua.

Các nhà phân tích nhận định Mỹ muốn ban hành một lệnh dẫn độ với Snowden. Song, Hong Kong có thể từ chối nếu chính quyền Bắc Kinh nhận thấy việc giữ Snowden hữu ích, và các nước, ví dụ như Iceland, cũng có thể can thiệp để cấp phép tị nạn cho Snowden dù anh ta vẫn chưa đề nghị.

Khi được hỏi về những điều có thể xảy ra với mình, anh đáp: “Không có gì tốt đẹp đâu”. “Tôi biết mình có thể bị CIA truy tố, có thể bị truy đuổi. Hoặc là họ có thể trả tiền để bên thứ ba làm điều đó”, The Guardian dẫn lời Snowden nói.

“Có một trụ sở CIA ngay tại đây. Tôi chắc chắn rằng tuần tới họ sẽ rất bận rộn. Và đó chính là điều mà tôi phải quan tâm trong suốt cuộc đời còn lại dù nó dài ngắn thế nào”, anh cho biết.

Mỹ và Hong Kong ký hiệp ước dẫn độ vào năm 1996, ngay trước khi người Anh trả lại phần lãnh thổ này cho Trung Quốc. Luật dẫn độ của Hong Kong trước đây chịu ảnh hưởng của hiệp ước dẫn độ giữa Mỹ và Anh.

Các nhà phân tích nói rằng những thông tin Snowden tiết lộ đã đưa anh thẳng vào trong vùng xám giao tranh giữa sự tự chủ của Hong Kong và chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.

“Đây là một vấn đề chính trị nghiêm trọng”, CNN dẫn lời cựu đặc vụ CIA Robert Baer. “Snowden đã tự đặt mình vào nguy cơ phạm pháp nghiêm trọng. Anh ta để lộ tín hiệu tình báo và chính phủ Mỹ gần như chắc chắn sẽ truy tố anh ta. Họ không cho phép điều này xảy ra”.

Ông nhận định Mỹ có khả năng sẽ tìm kiếm một lệnh dẫn độ để Snowden, người đã vi phạm luật quy định về tiết lộ bí mật quốc gia của Mỹ, có thể phải đối mặt với tội danh này.

Ông Baer cũng phỏng đoán rằng tính toán của Snowden có thể đã giúp Bắc Kinh xả giận với cáo buộc của Mỹ rằng quân đội Trung Quốc tấn công vào mạng chính phủ và các công ty Mỹ trước đây.

“Thành thật mà nói … tôi nghĩ rằng họ đang rất tức giận về những cáo buộc tin tặc trong những tháng qua”, ông nói. “Tôi nghĩ rằng không phải ngẫu nhiên mà cuộc phỏng vấn này đã được phát sóng ngay khi chủ tịch Trung Quốc vừa rời khỏi Mỹ”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết thúc cuộc họp thượng đỉnh kéo dài hai ngày vào cuối tuần qua tại California. Trong chương trình nghị sự, các vấn đề gai góc về an ninh mạng đã được đem ra trao đổi.

Người biểu tình ở thành phố New York ủng hộ Snowden. Ảnh: AFP

Theo hiệp ước giữa Hong Kong và Mỹ, hai bên có quyền từ chối trong các trường hợp tội phạm chính trị. Tuy nhiên, theo Pháp lệnh về Tội phạm Bỏ trốn của Hong Kong, Bắc Kinh có quyền phủ quyết lệnh dẫn độ nếu thấy chuyện này ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng hay chính sách đối ngoại.

Patricia Ho, một luật sư của Daly & Associates tại Hong Kong – công ty từng xử lý các vấn đề liên quan đến tị nạn và người tị nạn, nói rằng, dựa vào những hồ sơ không mấy chi tiết về việc cấp phép tị nạn tại Hong Kong, bà đã bất ngờ khi Snowden ca ngợi khu vực này vì cam kết về quyền tự do dân sự.

Một người Libya chống đối chính phủ tên là Sami al-Saad vẫn có kế hoạch kiện chính quyền Hong Kong vì đã góp phần bỏ tù ông một cách trái phép ở Libya vào năm 2004.

“Trong phạm vi Trung Quốc, Hong Kong có quyền tự do dân chủ tốt hơn nhưng tôi không cho rằng chính quyền Hong Kong sẽ cấp tị nạn cho Snowden với pháp luật hiện hành tại đây”, bà nói.

Bà cho biết nếu Snowden muốn được cấp phép tị nạn tại Hong Kong, anh ta sẽ phải chứng minh được mình đang gặp phải một trong ba loại đe dọa sau: tra tấn, bị đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo và làm suy giảm sức khỏe hoặc bị ngược đãi. Loại cuối cùng được đề ra để cấp phép cho những người dân tị nạn chạy trốn bạo hành tại gia.

Bà Ho nhận định trường hợp người cung cấp tin cho WikiLeaks, ông Bradley Manning, người đang bị giam ở Mỹ, có thể giúp ích cho Snowden. Năm 2012, Báo cáo viên Đặc biệt về Tra tấn của Liên Hợp Quốc công bố rằng trong thời gian biệt giam 11 tháng, người này (Manning) đã bị đối xử tàn ác, vô nhân đạo và suy giảm sức khỏe, tức là vi phạm Điều 16 của công ước chống tra tấn.

Trong trường hợp này, Hong Kong có thể chống lại việc dẫn độ, trừ khi Mỹ bảo đảm ngoại giao rằng Snowden sẽ không phải đối mặt với số phận tương tự như Manning.

Việc Trung Quốc liệu có thể sẽ thử liều với Mỹ một phen bằng vụ Snowden hay không vẫn còn là điều phải bàn tới, bà cho biết.

“Nếu anh ta (Snowden) tiến thêm một bước và quyết định chống lại lệnh dẫn độ ngay bên trong Hong Kong, thì đây sẽ là một trường hợp rất hấp dẫn”, Ho nhận định.

Hoàng Uyên (theo CNN)

(vnexpress.net)