Một cựu nhân viên CIA, vốn đang làm dậy sóng dư luận với việc hé lộ chương trình theo dõi bí mật người dùng Internet và điện thoại của chính phủ Mỹ, được cho là biến mất khỏi một khách sạn ở Hong Kong.
Edward Snowden, cựu nhân viên CIA, đã công khai chương trình theo dõi mạng và điện thoại của chính phủ Mỹ. Ảnh: AFP |
“Tôi không muốn sống trong thế giới nơi mọi điều tôi làm và nói đều bị ghi lại. Đó không phải là điều tôi sẵn sàng ủng hộ hay sống trong nó”, Edward Snowden, một nhân viên của nhà thầu quốc phòng Booz Allen Hamilton, cho biết. Theo The Guardian, anh tự tiết lộ làm rò rỉ thông tin về chương trình Prism để bảo vệ “sự tự do cơ bản của mọi người trên khắp thế giới”.
Sau khi vụ việc trở nên rùm beng trên báo chí, Snowden, vốn đang ở Hong Kong, hôm qua trả phòng khách sạn. Hiện chưa rõ anh đang ở đâu, nhưng theoBBC, có thể anh vẫn đang ở đặc khu hành chính của Trung Quốc. Trước đó, anh cho biết chính phủ Mỹ sẽ có ý định dẫn độ anh về nước từ Hong Kong. Lời đề nghị dẫn độ có thể bị cản trở nếu Snowden có thể chứng minh cho chính phủ Trung Quốc thấy anh có thể bị lạm dụng, tra tấn hoặc đối xử bất công ở Mỹ.
Khi tự hé lộ danh tính bản thân, người đàn ông 29 tuổi cho hay anh không có ý định che giấu “bởi tôi không làm điều gì sai trái”, nhưng ý thức rằng hành động này biến anh thành mục tiêu của các cơ quan Mỹ.
Snowden đã làm rò rỉ bài thuyết trình về hệ thống giám sát Prism, vốn cho phép Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và Cục Điều tra Liên bang (FBI) truy cập trực tiếp vào hệ thống máy chủ của các công ty Internet Mỹ như Google, Apple, Microsoft, Facebook và AOL.
Hệ thống này thu thập các thư điện tử, cuộc trò chuyện qua video, tin nhắn trên mạng… để theo dõi những nghi phạm nước ngoài. NSA cũng lấy các dữ liệu cuộc gọi của hàng triệu công dân Mỹ, nhưng không phải các cuộc đàm thoại thực.
Snowden cho biết anh từng làm về an ninh mạng cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và đến năm 2007, dưới vỏ bọc ngoại giao ở Geneva, Thụy Sĩ, anh được tiếp cận với một loạt tài liệu mật.
“Hầu hết những điều tôi thấy ở Geneva làm tôi vỡ mộng về cách chính phủ của tôi hoạt động và ảnh hưởng của nó thế nào đối với thế giới”, anh nói. “Tôi nhận ra rằng tôi là một phần của một điều có hại hơn là có lợi”.
Snowden bỏ việc năm 2009 và bắt đầu làm cho Booz Allen Hamilton, một nhà thầu của NSA, ở Hawaii. Chính ở nơi này, cách đây ba tuần, anh đã quyết định hé lộ về thông tin của Prism.
“Tôi không thể cho phép chính phủ Mỹ phá hủy sự riêng tư, tự do mạng và các quyền tự do cơ bản của mọi người trên thế giới với cỗ máy theo dõi khổng lồ mà họ đang bí mật xây dựng”, anh nói.
Booz Allen đã xác nhận rằng Snowden là một nhân viên của công ty và cho biết họ sẽ hợp tác trong bất cứ cuộc điều tra nào.
Vụ rò rỉ hâm nóng màn tranh cãi
Vụ rò rỉ vừa tái châm ngòi cho cuộc tranh luận về sự riêng tư và việc tăng cường biện pháp bảo vệ khỏi những cuộc tấn công, khiến NSA phải đề nghị Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành điều tra hình sự.
Giám đốc CIA, James Clapper đã chỉ trích vụ hé lộ chương trình thu thập tình báo là không có căn cứ. Trong những ngày qua, ông đã có hành động hiếm có khi tiết lộ một số chi tiết về chương trình nhằm phản hồi lại các bài báo về phương pháp chống khủng bố của chính phủ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, Clapper và những người khác cho hay chương trình được Quốc hội cho phép và được một tòa án bí mật theo dõi chặt chẽ.
Thomas Drake, một cựu nhân viên NSA cấp cao, cũng là một người tố giác cho biết “chính phủ Mỹ sẽ làm mọi điều họ có thể để truy tố Snowden”. “Hành động của anh ta là một sự bất tuân dân sự đặc biệt và lừng lẫy”, ông nói.
Trọng Giáp (vnexpress.net)