Một vị sếp tồi bị ví như “cơn ác mộng tồi tệ nhất” của cánh nhân viên. Lúc bạn nhận ra mình đang ở “dưới trướng” một vị sếp như thế có lẽ cũng là lúc bạn cân nhắc đi tìm một công việc mới.
(Ảnh minh họa)
Nếu chưa chắc chắn được về độ tồi của vị sếp đang lãnh đạo bạn, hãy sử dụng 9 dấu hiệu nhận biết sếp tồi dưới đây. Thử xem sếp của bạn sở hữu bao nhiêu đặc điểm “nhận dạng” trong số đó:
1. Phong cách giao tiếp gây mệt mỏi
Chúng ta ai cũng có lúc căng thẳng, nhưng nếu sếp của bạn không thể trao đổi về một vấn đề hay mối quan ngại mà không mắng mỏ hoặc quát tháo, thì ông/bà ấy đang thiếu những kỹ năng quản lý then chốt và có thể sẽ không giữ chân những nhân viên giỏi được lâu.
2. Kỹ năng lên kế hoạch kém
Những vị sếp có kỹ năng lên kế hoạch kém thường chẳng bao giờ nỗ lực lên kế hoạch trước cho các vấn đề hay lường trước những mối lo ngại có thể xảy đến. Kết quả là, nhân viên của họ phải nhảy hết từ tình huống khẩn cấp này sang tình huống khẩn cấp khác. Cùng với đó, cuộc sống riêng của bạn cũng gặp những trở ngại nhất định. Nếu sếp của bạn có vẻ như luôn chỉ hành động khi cách thảm họa một bước chân và không thể kiểm soát được việc cần phải làm gì, thì chắc chắn cấp dưới sẽ là người lãnh hậu quả.
3. Trông chờ nhân viên biết mình đang nghĩ gì
Thật tuyệt nếu như tất cả nhân viên đều có khả năng đoán trước được nhu cầu của sếp trước khi sếp nói ra. Nhưng đây chỉ là giấc mơ mà thôi, ngay cả đối với những nhân viên giỏi nhất. Nếu sếp của bạn liên tục kỳ vọng bạn biết được những gì mà sếp muốn, nhưng lại không tạo điều kiện để đảm bảo là bạn làm được việc đó, thì chắc chắn sếp chỉ đẩy bạn đi đến thất bại.
4. Thiếu khả năng ra quyết định
Thiếu quyết đoán không phải là một tính cách của sếp giỏi. Những vị sếp tồi nhất thu thập đủ thông tin nhưng vẫn không thể ra quyết định cuối cùng. Người sếp như vậy thường không có nhiều ảnh hưởng với cấp trên, theo đó có thể ảnh hưởng bất lợi tới những người trong ê-kíp làm việc của mình, chẳng hạn liên quan tới các vấn đề về tiền thưởng, tăng lương hay thăng chức.
5. “Vỗ ngực” khi có thành tích tốt, chỉ trích người khác khi có chuyện xấu
Đây có lẽ là một trong những đặc điểm dở tệ nhất và thường có ở một vị sếp tồi. Nếu sếp của bạn có xu hướng “đá bóng sang chân người khác” khi có chuyện bất lợi xảy ra, nhưng lại là người đầu tiên đòi quyền lợi khi mọi chuyện xuôi chèo mát mái, thì bạn phải biết rằng, bạn không thể đặt niềm tin vào vị sếp như vậy.
6. Không thể đưa ra những lời phê bình mang tính xây dựng
Khi sếp của bạn chỉ ra được cho bạn thấy là bạn đã làm một việc gì đó sai, nhưng không thể phân tích để giúp bạn cải thiện tình hình, thì đó là một dấu hiệu xấu. Nhân viên có quyền trông chờ ở sếp khả năng chỉ bảo, hướng dẫn. Đây là một phần trong miêu tả công việc của nhà quản lý. Nếu sếp của bạn thiếu khả năng then chốt này, có lẽ đã đến lúc bạn đi tìm cho mình một sếp mới.
7. Ngạo mạn
Đây là một tính cách khó ưa nếu có ở bất kỳ ai, nhất là khi đó lại là sếp của bạn. Nếu sếp của bạn biết hết mọi thứ và không bao giờ làm gì sai, sẽ là một ý tưởng tốt nếu bạn đi tìm cho mình một nơi làm việc dễ chịu hơn, trừ phi bạn là người có sức chịu đựng tốt.
8. Không biết quan tâm đến người khác
Một vị sếp dù không giỏi vẫn có thể đạt được hiệu quả công việc nếu nhân viên biết ông/bà ấy quan tâm tới họ. Nếu sếp của bạn chẳng thèm để ý tới chuyện khẩn cấp xảy ra với gia đình bạn, hay gọi điện cho bạn khi bạn đang trên giường bệnh chỉ để hỏi xem bao giờ bạn quay lại làm việc, thì sự an toàn và khỏe mạnh của bạn hoàn toàn không nằm trong danh sách ưu tiên của sếp.
9. Dùng chiến thuật đe dọa
Nếu sếp của bạn sử dụng cách thức đe dọa nhiều hơn bất kỳ một chiến thuật nào khác, thì đó là một tín hiệu cho thấy ông/bà ấy thiếu những kỹ năng lãnh đạo cần thiết để làm việc. Có lẽ, sếp của bạn cũng đang bị “hù” hoặc không chắc chắn về việc làm cách nào để có hiệu quả mà không dựa vào những lời đe dọa hoặc những phương thức gây sợ hãi khác. Nhưng cho dù lý do là gì, thì việc dọa dẫm cũng không hề giúp ích cho tổ chức hay các nhân viên.
Phương Anh (dantri.com.vn)