Ngày 18/5, các nhà khoa học Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo một kính viễn vọng của họ đã ghi được các hình ảnh về một thiên thạch nặng 40 kg đâm vào Mặt Trăng, tạo ra một vệt sáng có thể trông thấy bằng mắt thường.
Vụ việc xảy ra đêm 17/3 khi thiên thạch có đường kính dài 0,3 m, di chuyển với tốc độ 90.123 km/giờ này lao vào Mặt Trăng và phát nổ với công suất bằng 5 tấn TNT.
Ông Bill Cooke làm việc tại Trung tâm quản lý các chuyến bay vũ trụ Marshall thuộc NASA cho biết vụ nổ tạo ra vệt sáng gấp gần 10 lần so với mọi vệt sáng mà trung tâm này quan sát được từ trước đến nay, tới mức bất kỳ người nào theo dõi Mặt Trăng lúc đó cũng có thể nhìn thấy mà không cần kính viễn vọng.
Một vệ tinh của NASA quay quanh Mặt Trăng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm hốc lõm mà vụ va chạm này gây ra, có thể rộng tới 20 mét theo ước tính của các nhà khoa học.
Cũng trong đêm 17/3 đó, giới thiên văn ghi nhận hiện tượng bất thường xuất hiện nhiều thiên thạch phát nổ khi qua bầu khí quyển Trái Đất. Hầu hết các thiên thạch này đều cháy sạch trước khi rơi xuống bề mặt hành tinh của chúng ta.
Tuy nhiên, từng có những trường hợp thiên thạch gây nguy hiểm nghiêm trọng như sự kiện hồi tháng Hai, một thiên thạch đường kính khoảng 20m đã nổ trên bầu trời Chelyabinsk, Nga, gây hư hại cho nhiều tòa nhà và làm hơn 1.500 người bị thương. Đó là vật thể lớn nhất “tấn công” Trái Đất kể từ năm 1908.
Chuyên gia Bill Cooke cho rằng thiên thạch lao vào Mặt Trăng nói trên có liên quan đến vụ mưa sao băng trên Trái Đất ngày 17/3 vừa qua. Sự liên quan này là hệ quả của việc Trái Đất và Mặt Trăng cùng đi qua vùng vũ trụ chứa nhiều đá và bụi.
Ông cho biết Trung tâm Masharll sẽ tiếp tục theo dõi để phát hiện các dấu hiệu lặp lại hiện tượng này vào năm tới khi Mặt Trời và Mặt Trăng lại cùng đi qua vùng vũ trụ này./.
Theo Vietnam+