Tinh Hoa

Trung Quốc chuẩn bị kịch bản ‘Kim Jong Un bị lật đổ’

Tuyên bố của Bình Nhưỡng vào ngày 13/5 về việc đề cử Jang Jong-nam làm “Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang” được đưa ra khá bất ngờ. Ông Jang, vị tư lệnh của các binh đoàn ở tỉnh Kangwon mà ít người biết tới, được chỉ định thay thế Kim Kyok-sik, vị tướng 4 sao đã phục vụ chính quyền Triều Tiên từ rất lâu.

Vừa qua, Triều Tiên bất ngờ thay đổi vị Bộ trưởng quốc phòng có tư tưởng hiếu chiến.

Triều Tiên lùi bước vì Trung Quốc?

Hiện vẫn chưa rõ lí do Tướng Kim bị thay thế nhưng có thể chính sự trung thành đã khiến ông bị loại khỏi Bộ chính trị.

Ông Kim được nhìn nhận là một nhân vật có tư tưởng diều hâu và được cho là đã chỉ đạo vụ nã pháo vào hòn đảo Yeonpyeongdo của Hàn Quốc hồi tháng 11/2010, khiến 4 người Hàn Quốc thiệt mạng, phá hủy nhà dân và cơ sở hạ tầng trên hòn đảo này và làm tổn hại nghiêm trọng mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Seoul.

Các nhà phân tích cho rằng bằng cách hi sinh Tướng Kim, Triều Tiên đang đưa ra tín hiệu rằng nước này rút lập trường hiếu chiến kể từ khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt các lệnh cấm vận trừng phạt Bình Nhưỡng vì vụ thử hạt nhân hồi tháng 2 vừa qua.

Và cũng có thể Bình Nhưỡng định cho thấy mong muốn được trở về tình trạng trước khi căng thẳng leo thang. Quân đội Triều Tiên đã rút khỏi tình trạng sẵn sàng cao nhất cho chiến tranh mà ban đầu Bình Nhưỡng chỉ thị khi Hàn Quốc và Hoa Kỳ bắt đầu cuộc tập trận quân sự thường niên.

Đồng thời, 2 tên lửa tầm trung Musudan được điều động tới khu vực phía đông Triều Tiên đã được đưa về căn cứ. Cuối tháng 4, dư luận lo ngại rằng có thể chính quyền Kim Jong Un sẽ tiến hành thêm các vụ thử tên lửa để truyền tải một thông điệp tới thế giới rằng Triều Tiên không chùn bước trước sức ép của quốc tế về chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng những động thái của Triều Tiên nhằm bày tỏ thiện chí là quá muộn.

Theo giáo sư Toshimitsu Shigemura của Đại học Waseda ở Tokyo, Nhật Bản, “đây là thời kỳ rất khó khăn đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Thời gian là vấn đề quan trọng và có thể Trung Quốc đang tiến tới bỏ rơi Kim Jong Un. Không khí giữa hai quốc gia đang thay đổi. Có thể Trung Quốc đã quyết định rằng đến lúc phải thay đổi chính quyền ở Bình Nhưỡng, họ sẽ không muốn để xảy ra tình trạng hỗn loạn ở khu vực biên giới”.

Ngoài ra việc các ngân hàng nhà nước Trung Quốc ngừng giao dịch với Triều Tiên cho thấy Bắc Kinh đang dần “mạnh tay” với đồng minh của mình.

Kế hoạch của Trung Quốc

Các nguồn tin tình báo cho biết Bắc Kinh đã lên kế hoạch chuẩn bị cho trường hợp chính quyền Kim Jong Un lung lay.

Theo các báo cáo đó, Trung Quốc thực sự đang âm thầm ủng hộ thay đổi chế độ ở Triều Tiên và đang chuẩn bị để Kim Jong Nam, anh trai Kim Jong Un, trở thành nhà lãnh đạo mới của nước này.

Trung Quốc muốn “dựng” anh trai Kim Jong Un, Kim Jong Nam, làm lãnh đạo mới của Triều Tiên?

Kim Jong Nam, 42 tuổi và là con trai cả của cố Chủ tịch Kim Jong Il. Khi ông Kim Jong Il qua đời vào tháng 12/2011, theo lệ Kim Jong Nam sẽ là người kế tục cha mình nhưng anh này bị “thất sủng” sau khi bị bắt giữ tại sân bay Narita, Nhật Bản năm 2001 vì dùng hộ chiếu giả. Kim Jong Nam cho biết anh ta làm như vậy vì muốn đến thăm quan Disneyland.

Sau đó, Kim Jong Nam chuyến tới sống ở Macao và Bắc Kinh, dưới sự giám sát chặt chẽ của giới chức Trung Quốc.

Theo kế hoạch của Trung Quốc, sau khi Kim Jong Nam nắm giữ chính quyền ở Bình Nhưỡng thì Kim Jong Un sẽ có thể sống lưu vong, có khả năng là ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, kế hoạch này của Trung Quốc vẫn có rủi ro một phần là chính quyền Triều Tiên khá thành công trong việc xây dựng hình ảnh Kim Jong Un là tương lai của đất nước.

Theo Ken Kato, giám đốc Cơ quan nhân quyền châu Á có văn phòng ở Tokyo, ‘có thể Trung Quốc đang mơ đến ngày bổ nhiệm Kim Jong Nam làm “ông vua” mới của Triều Tiên và Kim Jong Nam được phương Tây ưa thích hơn Kim Jong Un. Tuy nhiên có một vấn đề là anh này (Kim Jong Nam) không được dư luận Triều Tiên biết đến nhiều”.

“Bây giờ nhiều người ở Nhật Bản có thể biết nhiều về “gia đình Hoàng gia” Triều Tiên nhưng điều đó lại bị giấu kín ở Triều Tiên. Người dân ở Bình Nhưỡng biết rất ít về Kim Jong Nam”, ông Kato nói.

Các nhà quan sát tình hình Triều Tiên tỏ ra khá tin tưởng vào thông tin từ các báo cáo tình báo nói trên.

Jun Okumura, một nhà phân tích chính trị cho rằng việc Triều Tiên rút tên lửa Musudan dưới sức ép của Bình Nhưỡng là một tín hiệu tích cực.

“Việc Trung Quốc sẵn sàng áp dụng “ranh giới đỏ” với Triều Tiên là thông tin tốt. Điều đó sẽ giúp nâng cao khả năng tạo dựng một tình trạng chính trị tạm thời mà tất cả các bên đều có thể chấp nhận được”, ông nhận xét.

Theo ông Okumura, nếu Triều Tiên không đi theo kịch bản đó thì “một chính quyền bù nhìn, hậu độc tài là hợp lý”.

Theo infonet