Tinh Hoa

VN chậm cải cách, IMF hạ dự báo tăng trưởng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. REUTERS/Kham

Trong bản báo cáo công bố ngày 29/04/2013, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay còn 5,2% thay vì 5,8% như dự kiến trước đây, và trong năm 2014 cũng vẫn là 5,2% thay vì 6,4%. Đây là mức hạ nhiều nhất trong các nước Đông Nam Á sau Singapore. Tăng trưởng năm nay của Việt Nam kém các nước khác trong khu vực như Indonesia, Miến Điện và Thái Lan. Thâm hụt thương mại của Việt Nam trong tháng Tư lên đến 1 tỉ đô la, cao hơn dự kiến.

Sanjay Kalra, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam nói rằng việc này cho thấy điều quan trọng là phải tiến hành cho được các cải cách chính quyền đã tuyên bố, vì các cải tổ cơ cấu đã diễn ra chậm hơn so với mong muốn.

Hồi tháng Hai, Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung nói rằng chính quyền sẽ công bố một kế hoạch tái cấu trúc các tập đoàn quốc doanh lớn vào tháng Sáu. Trước đó, chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bỏ lỡ mục tiêu thành lập một công ty quản lý tài sản công nhằm giải quyết nợ xấu của ngân hàng.

Tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm ngoái là 5,03%. Đây là mức độ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1999 đến nay. Ngân hàng Nhà nước vào tháng Ba đã giảm lãi suất chỉ đạo đến lần thứ bảy kể từ đầu năm 2012, nhằm mục đích kích thích tín dụng, cho dù Ngân hàng Thế giới đã nhận định các vấn đề của Việt Nam không thể giải quyết bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ.

Thông cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế hôm 26/4 sau chuyến viếng thăm Việt Nam 18 ngày đã nhận định, để đưa đất nước vào con đường tăng trưởng cao hơn và bền vững, đòi hỏi phải đẩy nhanh các cải cách đối với hệ thống ngân hàng và công ty quốc doanh.

Theo ông Kalra, không cần thiết phải sáp nhập các ngân hàng, nhưng cần thực sự cải tiến cung cách quản trị và tái cấp vốn. Các ngân hàng Việt Nam cần cải thiện việc cân đối kế toán, tăng cường nguồn tiền gởi và đa dạng hóa các món tín dụng.

Thụy My

Theo rfi