Một vụ thử nghiệm tên lửa đánh chặn SM-3 của Mỹ.
Các tên lửa SM-3 có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo đang bay tới của đối phương ở độ cao 150km, cao hơn nhiều so với tên lửa mặt đất PAC-3 hiện đang được sử dụng.
Hải quân Hàn Quốc đã đề xuất việc mua bán trên vì tên lửa PAC-3 có tỷ lệ thất bại cao do chỉ có 5-7 giây để đánh chặn tên lửa Rodong và Scud của Triều Tiên.
Một nguồn tin chính phủ nói tên lửa SM-3 có thể được triển khai trên các tàu khu trục Aegis giống như tàu Sejong the Great khi phần mềm của hải quân được nâng cấp.
Hàn Quốc hiện chỉ có phiên bản cải tiến của tên lửa Patriot PAC-2 và đã nhắm tới phiên bản tốt hơn, PAC-3.
Một tên lửa SM-3 có giá 15 tỷ won (13,6 triệu USD), cao gấp 7 lần so với PAC-3. Các tên lửa SM-3 là thành phần then chốt của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ, nhưng các chuyên gia nghi ngờ liệu nó có thích hợp để chống lại các tên lửa Triều Tiên, vốn bay ở tầm thấp với cự ly ngắn.
Trong chuyến thăm Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản gần đây, Tướng Martin Dempsey, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho rằng: “Giờ là thời điểm thích hợp, với các khả năng sẵn có, nhằm thiết lập kết cấu phòng thủ tên lửa đạn đạo 3 bên giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản”.
Ông Dempsey cũng đề xuất rằng “các quan chức quân đội cấp cao của cả 3 nước nên cố vấn cho các nhà lãnh đạo chính trị nước họ nhằm hợp nhất các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không”.
Điều này làm nảy sinh đồn đoán rằng Mỹ đang định triển khai các tên lửa SM-3 của riêng mình tại Hàn Quốc sau khi triển khai chúng tại đất liền nước Mỹ và tại Nhật Bản.
Hàn Quốc đang thúc đẩy một hệ thống phòng của riêng mình nhằm chống lại các vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên thay vì tham gia lá chắn của Mỹ.
“Có vài sự nhạy cảm lịch sử”, ông Dempsey nói, ám chỉ những ngờ vực tại Hàn Quốc và Trung Quốc đối với Nhật Bản vì sự gây hấn trong quá khứ.
Nhưng ông nói thêm: “Tất cả 3 quốc gia nên dẹp sang một bên những khác biệt và tập trung vào mối đe dọa thường trực, kéo dài là các tên lửa đạn đạo từ Bình Nhưỡng”.
Theo dantri