Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về nguy cơ nhiễm virus cúm A H7N9 trong trứng gà siêu rẻ và thịt gia cầm đông lạnh của Trung Quốc được nhập về Việt Nam trong buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về công tác phòng chống cúm A (H7N9, H5N1 và H1N1) chiều ngày 4/5.
Cúm mới chưa vào, xuất hiện virus độc tỉ lệ tử vong cao
Tại buổi gặp mặt,Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) ở trên người và gia cầm nhưng dịch bệnh cúm A(H7N9) có nguy cơ xâm nhập, lan truyền và gây bùng phát dịch rất cao ở nước ta nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng bệnh…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Trứng gia cầm và gia cầm đã làm sạch được ướp lạnh nhập về Việt Nam vẫn có nguy cơ mang mầm bệnh cúm A H7N9. Ảnh NL |
Báo cáo về tình hình dịch bệnh H7N9, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, từ ngày 29/3 đến 2/5/2013, trên thế giới đã phát hiện 128 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9), trong đó có 27 trường hợp tử vong tại Trung Quốc và Đài Loan.
Cụ thể, Trung Quốc đã ghi nhận 127 trường hợp mắc, trong đó đã có 27 trường hợp tử vong tại 10 tỉnh, thành phố. Còn ở Đài Loan (Trung Quốc) cũng ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H7N9) đầu tiên vào ngày 24/4/2013.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, số trường hợp mắc bệnh tăng lên theo thời gian từng ngày, lan rộng ra nhiều tỉnh, phần lớn là trường hợp nặng, bệnh gặp ở tất cả các độ tuổi, tỷ lệ tử vong cao (trên 20%).
Nguồn lây nhiễm rất có thể từ gia cầm và môi trường bị ô nhiễm, tập trung chủ yếu ở các chợ bán gia cầm sống. Đến nay, vẫn chưa có đủ bằng chứng kết luận có sự lây truyền dễ dàng từ người sang người. Hiện Tổ chức Y tế thế giới cũng chưa có khuyến cáo hạn chế giao lưu qua lại giữa các quốc gia.
Bên cạnh nỗi lo về sự xuất hiện của virus cúm A H7N9 thì chúng ta còn phải đối mặt với một chủng mới của virus corona gây bệnh viêm đường hô hấp cấp tính có thể xuất hiện.
Theo thông báo của WHO, từ tháng 9/2012 đến nay, thế giới ghi nhận 24 trường hợp mắc, trong đó có 16 ca tử vong. Đa số các trường hợp mắc bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao trên 66%. Tuy Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm chủng mới của virus corona nhưng không loại trừ khả năng chủng virus mới này sẽ lưu hành ở nước ta.
Các nhà khoa học cho rằng, các bằng chứng hiện có cũng gợi ý rằng đây là bệnh lây truyền từ động vật sang người, nhiều khả năng có nguồn gốc từ các loài dơi. Các chùm ca bệnh được thông báo tại Anh đã cung cấp bằng chứng mạnh về khả năng virus corona lây truyền từ người sang người.
Cúm cũ xuất hiện trở lại và nguy cơ bùng phát dịch
Cùng với nỗi lo về dịch cúm A H7N9 sẽ xuất hiện thì Lãnh đạo Bộ Y tế cũng quan tâm nhiều tới việc xuất hiện trở lại của các dịch bệnh cúm A (H5N1 và H1N1). Theo đó, tiếp tục ghi nhận sự lưu hành của các cúm này ở các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo ông Trần Đắc Phu, hiện tại, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên gia cầm và trên người. Tuy nhiên, với cúm A (H5N1) thì từ đầu năm đến nay đã có 2 trường hợp nhiễm cúm tại Đồng Tháp và Long An, trong đó trường hợp ở Đồng Tháp đã tử vong. Đây là hai tỉnh có biên giới với Campuchia, đều có ghi nhận các ổ dịch cúm A (H5N1) trên đàn gia cầm, thủy cầm và bệnh nhận có tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia cầm.
Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu: Các virus cúm cũ đang xuất hiện trở lại tuy được “nhập” vào gia đình cùm mùa, người dân không nên quá hoang mang nhưng cũng không được chủ quan. Ảnh NL |
Đối với cúm H5N1, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đây là một trong những bệnh có diễn biến lâm sàng nặng nhất, tỷ lệ tử vong cao, khoảng 60-70%. Nguồn lây nhiễm của cúm H5N1 là từ gia cầm sang người, vì vậy nếu không xảy ra dịch trên gia cầm thì sẽ không xảy ra dịch trên người.
Với cúm A (H1N1), từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 300.000 người nhiễm cúm, trong đó có 3 trường hợp tử vong vì cúm A(H1N1) (2 tại Yên Bái và 1 tại Thanh Hóa). Phần lớn các trường hợp mắc cúm trên đều nhẹ và đã có vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, kết quả giám sát trọng điểm cúm quốc gia cho thấy, tỷ lệ virus cúm A(H1N1) có xu hướng gia tăng, chiếm 46% trường hợp mẫu bệnh phẩm dương tính với virus cúm.
Tuy nhiên “người dân không nên quá hoang mang về cúm A(H1N1) bởi vì đây là cúm mùa và đã có vắc xin phòng bệnh. Tất cả các loại cúm đều có nguy cơ tử vong. Kết quả giám sát trọng điểm cúm quốc gia cho thấy tỷ lệ virus cúm A(H1N1) đại dịch trong số các mẫu bệnh phẩm dương tính với virus cúm có xu hướng gia tăng; nguyên nhân có thể do chu kỳ dịch bệnh hoặc do đặc tính luôn thay đổi nhau và có tính mùa của các virus cúm”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh, cúm H1N1 có diễn biến lâm sàng tương đối nhẹ và chỉ lây từ người sang người, tuy nhiên chúng ta không nên chủ quan vì tất cả các loại cúm mùa trong đó có cúm H1N1 cũng như cúm A, cúm H3N2, cúm B đều có nguy cơ tử vong. Và hiện cúm H1N1 chưa có dấu hiệu bất thường.
Theo Infonet