Ngày nay, “trì hoãn ham muốn” đã trở thành cụm từ phổ biến trong lĩnh vực giáo dục, là điều quan trọng mà chúng ta cần dạy cho con. Khi trẻ còn trong vòng tay của bố mẹ, được yêu chiều hết mực, làm thế nào chúng ta có thể dạy trẻ em biết trân trọng đồ đạc? Làm thế nào để chúng ta dạy chúng biết trì hoãn ham muốn trong khi không nhất thiết phải trì hoãn?
>>> Lứa tuổi tiểu học, ngoài tri thức có 7 điều nhất định phải dạy trẻ
Đây rõ ràng là vấn đề của thời hiện đại. Qua chia sẽ với Intellectual Takeout, nhà báo Emma Elliott Freire ở Brazil nhớ lại rằng: “Ông tôi sinh ra ở Hà Lan năm 1921. Ông để lại cho gia đình một quyển nhật ký ghi lại những ký ức tuổi thơ của ông. Ông kể, mỗi năm vào dịp Giáng sinh, ông đều nhận được một cuốn sách từ lớp học Chủ nhật. Rất nhiều năm sau, dù đã già, ông vẫn nhớ như in những tiêu đề, hình minh họa và nội dung chính của mỗi cuốn sách. Không ai phải dạy ông trì hoãn tham vọng của mình. Lúc đó, sách là món hàng xa xỉ hiếm hoi. Ông tôi chỉ có được điều xa xỉ ấy mỗi dịp Giáng Sinh”.
Bây giờ, cô có hai đứa con, đứa lớn 3 tuổi và đứa nhỏ 1 tuổi. Cô mua cho hai bé một bộ sưu tập đồ sộ các quyển sách hay, song cô cũng tự hỏi liệu có quyển nào trong số đó sẽ còn lưu lại khi chúng lớn lên hay không.
Và có lẽ chúng ta cũng có cảm nhận tương tự, rằng thời nay vật chất thừa mứa và đến dễ dàng hơn lúc xưa. Do đó, các cách dạy trẻ em học cách trì hoãn ham muốn hầu hết đều phức tạp.
Tuy nhiên, có ba cách đơn giản để dạy con bạn biết cách trì hoãn ham muốn. Những phương pháp này siêu dễ và hiệu quả với tất cả trẻ em ở mọi lứa tuổi.
1. Chờ đợi trước bữa ăn
>>> Con cái càng lớn càng khó dạy? Đừng trách mắng, bố mẹ nên học 4 phương pháp giáo dục này
Có rất nhiều lý do tại sao chúng ta phải đợi gia đình ngồi xuống đông đủ rồi mới ăn. Đây là một cách tuyệt vời để dạy trẻ em trì hoãn ham muốn. Thức ăn có sẵn trên bàn, ngon lành nóng hổi. Nhưng bọn trẻ không thể tùy tiện ăn trước, phải đợi gia đình có mặt đông đủ rồi mời cơm nhau, khi đó mới cầm đũa, đó là lễ nghi gia phong của người Việt. Ở những gia đình Thiên Chúa giáo, cả nhà phải cùng cầu nguyện. Nhiều bé chỉ vài tuổi cũng biết rằng trước khi ăn phải chắp tay cầu nguyện và nói “Amen”.
2. Làm bánh
Làm bánh có thể xem là công thức hữu hiệu để trì hoãn ham muốn. Muốn làm bánh cho ngon, đầu tiên phải cẩn thận chọn lựa, sơ chế nguyên liệu theo công thức phù hợp. Bạn phải xông pha vào bếp, nhào nhào nặn nặn khá lâu mới thành hình cho chiếc bánh, rồi phải chiên/hấp/nướng lò. Hầu hết các loại bánh đều yêu cầu nhiều công đoạn. Làm xong, phải đợi bánh nguội dần mới ăn được. Vậy là từ đầu đến cuối quy trình đều yêu cầu chữ “nhẫn”.
Việc làm những loại bánh truyền thống tốn khá nhiều công sức, tại sao bạn không chọn một buổi cuối tuần nào đó để các con bạn cùng làm và sẵn tiện biến nó thành truyền thống gia đình? Bánh làm vào tối thứ 7 có thể để dành ăn vào chủ nhật. Ngoài dạy trẻ biết trì hoãn ham muốn, bé còn học thêm về nấu ăn, gia chánh và cách khéo léo sắp xếp công việc. Ngoài ra, cả gia đình cùng xum vầy trong bếp là một khung cảnh vô cùng đầm ấm. Phương pháp này thực sự mang đến những tác dụng tích cực nhiều mặt.
3. Đôi khi thiếu thốn một chút
Sống trong thời đại nhanh lẹ thế này, đảm bảo bạn có thể mua được bất cứ thứ gì chỉ trong vòng vài giờ – cùng lắm là trong ngày hôm sau. Vì vậy, việc dạy trẻ rằng lâu lâu thiếu một thứ gì đó cũng không sao cả là điều rất quan trọng. Nếu được thì bạn hãy mua sắm vào một khung giờ nhất định hàng tuần, và không đi mua thêm ngoài khung giờ đó. Nếu ở nhà hết thứ mà trẻ muốn, có thể bảo chúng đợi đến đợt mua sắm tiếp theo. Như vậy cũng không chết đói đâu. Như hầu hết các gia đình sống trong thời buổi phát triển, lượng thức ăn trong tủ lạnh đầy ắp, thậm chí đủ nuôi sống cả nhà trong vài tuần. Cuộc sống hiện đại đã quá bận rộn rồi nên cũng không cần phải bỏ công mua sắm nhiều đến vậy. Do đó hãy giúp bạn và con bạn dễ thở hơn khi dạy chúng: Khi thứ gì đó hết, cũng không quá quan trọng.
Đây là 3 lời khuyên đơn giản, ít tốn chi phí, và có thể áp dụng hiệu quả cho tất cả trẻ em ở mọi lứa tuổi. Chúc bạn áp dụng thành công, nếu có lời khuyên nào, xin để lại bình luận ở bên dưới!
Xuân Nhạn, theo intellectualtakeout