Tinh Hoa

Ấn Độ đã có khả năng đồng thời chiến đấu với cả Trung Quốc và Pakistan

 

Không quân Ấn Độ tiến hành diễn tập

 

Tân Hoa xã dẫn các nguồn tin tuyên truyền cho biết, hai ngày gần đây, các nguồn tin từ quân đội và truyền thông Ấn Độ đã tích cực ca ngợi cuộc diễn tập quân sự “Live-Wire” dài 3 tuần do Không quân Ấn Độ tiến hành, cho biết cuộc diễn tập quân sự này lần đầu tiên kiểm chứng thành công Ấn Độ có khả năng đồng thời tác chiến với 2 nước Trung Quốc và Pakistan.

Ngày 16/4, tại Thủ đô New Delhi, Không quân Ấn Độ triệu tập hội nghị liên tịch sĩ quan chỉ huy, bàn thảo về bài học kinh nghiệm của chiến lược “2 chiến tuyến”.

Có bài báo TQ cho rằng, nhìn vào việc bố trí của cuộc diễn tập quân sự lần này, Không quân Ấn Độ coi Trung Quốc là đối tượng chính. Tờ “Deccan Herald” Ấn Độ bình luận, Không quân Ấn Độ hiện nay hoàn toàn có khả năng ứng phó với bất cứ cuộc “giáp công” (đánh từ hai mặt) nào của Trung Quốc và Pakistan.

Tờ “Press Trust of India” ngày 16/4 dẫn nguồn tin từ Không quân Ấn Độ tiết lộ, từ ngày 18/3 đến ngày 4/4/2013, Không quân Ấn Độ đã tiến hành cuộc diễn tập tác chiến “Live-Wire” có quy mô lớn nhất, trong 5 Bộ tư lệnh của Không quân có 4 bộ đã tham gia diễn tập, điều động hơn 400 máy bay chiến đấu và 200 máy bay vận tải và máy bay trực thăng.

Nguồn tin cho biết, tổ chức cuộc diễn tập quân sự này là do Ấn Độ cảm thấy có mối đe dọa từ Trung Quốc và Pakistan, hy vọng nâng cao năng lực đồng thời đối mặt với 2 chiến tuyến. Cuộc diễn tập đã tạo ra một kịch bản mô phỏng – Ấn Độ đồng thời đối mặt với thách thức tuyến phía tây và tuyến phía đông.

 

Biên đội máy bay chiến đấu Su-30MKI Không quân Ấn Độ tham diễn

 

Theo bài báo, trong cuộc diễn tập, Không quân Ấn Độ nhanh chóng từ biên giới Ấn-Pakistan điều động máy bay chiến đấu và máy bay vận tải tiền tuyến đến tuyến phía đông (chỉ khu vực biên giới Trung-Ấn), đặc biệt đã sử dụng bãi đáp máy bay trên tuyến đầu mới phát triển ở khu vực đông bắc.

Nguồn tin cho biết, mặc dù cuộc diễn tập được bố trí đồng thời tác chiến với Trung Quốc và Pakistan, nhưng Trung Quốc là đối tượng (quân xanh) chủ yếu. Ở chiến tuyến phía tây, Không quân Ấn Độ chỉ duy trì số lượng máy bay chiến đấu cần thiết, đồng thời, phần lớn máy bay quân sự trong đó có máy bay tiếp dầu trên không được điều đến tiền tuyến phía đông. 8 bãi đáp tuyến đầu của bang Arunachal phía đông bắc đều đã được đưa vào hoạt động, sử dụng cho cất/hạ cánh các loại máy bay chiến đấu và máy bay vận tải.

Tờ “The Times of India” cho biết, trong cuộc diễn tập quân sự “Live-Wire” này, Không quân Ấn Độ đã thể hiện “cực kỳ tuyệt vời”, thời gian bay của máy bay chiến đấu trên 8.000 giờ, duy trì “chiến dịch tăng cường lực lượng tốc độ cao” và “kiểm chứng năng lực triển khai 2 chiến tuyến”.

Mạng tin tức NDTV Ấn Độ cho biết, Không quân Ấn Độ cũng đã diễn tập hành động đặc biệt, điều này có liên quan tới máy bay vận tải C-130J Super Hercules mới nhập khẩu của Mỹ. Máy bay này được dùng để thả dù lực lượng đặc nhiệm của Lục quân, lực lượng đột kích bảo vệ an ninh quốc gia và lực lượng đặc nhiệm Condor. Diễn tập tác chiến nhảy dù máy bay trực thăng được tiến hành bằng máy bay trực thăng vũ trang kiểu mới, mua của Nga.

 

Máy bay trực thăng tấn công Mi-35 tiến hành tấn công đối đất

 

Theo bài báo, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Antony yêu cầu quân đội chuẩn bị tốt ứng phó với mối đe dọa “kép” từ Trung Quốc và Pakistan, trong tình hình đó, Quân đội Ấn Độ đưa ra các đánh giá sau: Một khi khai chiến, Trung Quốc sử dụng 8 căn cứ không quân và các sân bay khác ở Tây Tạng, có thể điều ít nhất 21 phi đội máy bay chiến đấu tác chiến với Ấn Độ.

Nếu Không quân Trung Quốc được phép vượt qua không phận Myanmar, sẽ có nhiều máy bay chiến đấu hơn tham chiến. Tương tự, Pakistan có thể triển khai 21-25 phi đội máy bay chiến đấu giao chiến với Ấn Độ.

Không quân Ấn Độ cho biết, hiện nay Ấn Độ chỉ có 34 phi đội máy bay chiến đấu, họ cần ít nhất 44-45 phi đội mới có thể ứng phó “trường hợp bất ngờ có thể xảy ra”, tức là cùng với việc “xung đột toàn diện” với Pakistan, duy trì “trạng thái mang tính ngăn chặn” với Trung Quốc.

Không quân Ấn Độ cần máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, máy bay tiếp dầu trên không, máy bay vận tải, máy bay gián điệp và máy bay không người lái, tên lửa đất đối không và radar tiên tiến; dự kiến trong 10 năm tới Ấn Độ sẽ chi hơn 35 tỷ USD để tăng cường sức mạnh tác chiến đường không.

 

Máy bay vận tải chiến thuật C-130J Super Hercules diễn tập thả lính dù

 

Ngoài ra, tờ “Deccan Herald” cho biết, ngoài Không quân, Lục quân Ấn Độ cũng đang chuẩn bị diễn tập tác chiến đồng thời hai tuyến đông và tây. Chính phủ Ấn Độ còn xem xét tiếp tục xây dựng một sư đoàn tấn công miền núi ở bang West Bengal, thông qua tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực phía đông, ứng phó với mối đe dọa từ hướng Trung Quốc.

Ngày 15/4, tờ “Daily News & Analysis” Ấn Độ dẫn một nguồn tin cho rằng, để ứng phó với Trung Quốc, Không quân Ấn Độ luôn tăng cường sự hiện diện và sức mạnh ở khu vực đông bắc của Ấn Độ. Sau khi Trung Quốc tiến hành xây dựng hạ tầng cơ sở biên giới quy mô lớn, Ấn Độ cũng nâng cấp cơ sở hạ tầng, căn cứ không quân và bãi đáp máy bay tuyến đầu ở khu vực biên giới với Trung Quốc.

Quân đội Ấn Độ tiến hành diễn tập quân sự lấy Trung Quốc làm đối tượng đã không còn là 1-2 lần, hơn nữa còn có nhà phân tích cho rằng giữa Ấn-Trung “trong 10 năm tới nhất định sẽ có chiến tranh, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng gây chiến tranh”.

 

Máy bay chiến đấu Su-30MKI phóng đạn hàng không.
Máy bay chiến đấu MiG-21S phóng tên lửa tấn công đối đất.
Máy bay trực thăng vũ trang LCH Ấn Độ tham diễn
Biên đội máy bay chiến đấu Su-30MKI tham diễn
Biên đội máy bay chiến đấu MiG-21 Không quân Ấn Độ
Biên đội máy bay chiến đấu ném bom MiG-27 Không quân Ấn Độ
Máy bay tiếp dầu IL-78MKI phóng đạn nhử mồi
Máy bay chiến đấu MiG-21S tấn công tên lửa đối đất
Máy bay chiến đấu ném bom MiG-27 tấn công đối đất
Lính dù đổ bộ
 
 
theo GDVN