Tinh Hoa

Lật tẩy hoa quả Trung Quốc mác “xịn”

Có phần tươi ngon bắt mắt, cạnh tranh về giá cả hơn hoa quả Việt, nhưng những hoa quả ngoại mác Trung Quốc luôn tiềm ẩn tác hại với người tiêu dùng.

Người tiêu dùng đi chợ thật đau đầu để lựa chọn những hoa quả Việt Nam trong khi hàng hóa Trung Quốc đang tràn ngập thị trường. Vậy làm thế nào để có thể chọn lựa được những hoa quả thuần Việt, không độc hại khi sử dụng.

Cam Vinh, cam Canh với cam Trung Quốc

Trước thông tin một lượng cam lớn ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) bị phát hiện nhuộm màu nhân tạo độc hại cho bắt mắt đã dấy lên sự lo ngại cho người tiêu dùng Việt.

Vào thời gian này, theo một số chủ buôn thì cam Trung Quốc có giá đắt đỏ hơn các loại cam trong nước nên họ không nhập hàng nhiều. Theo tìm hiểu từ những chủ buôn tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) thì hiện tại cam Canh, cam Văn Giang, cam Vinh, cam đường Canh của Hưng Yên giá từ 20.000-25.000 đồng/kg, quýt Sài Gòn quả tròn nhỏ, vỏ bóng có giá 30.000 đồng/kg; cam sành Sài Gòn vỏ sần giá 20.000 đồng/kg. Riêng cam Trung Quốc có vỏ màu vàng, múi cam hơi đỏ, trông rất hấp dẫn nhưng các chủ buôn lại rất ít nhập.


Cảnh giác với cam Trung Quốc nhuộm phẩm màu bắt mắt

Người tiêu dùng cũng nên lưu ý khi đi mua cam tại các cửa hàng chuyên kinh doanh trái cây nhập khẩu. Có những loại cam vàng đượm, rất bắt mắt được để trong tủ lạnh, dán tem in chữ Trung Quốc nhưng chủ quán lại khẳng định, cam này là cam các nước khác, không có hàng Tàu.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tốt nhất người tiêu dùng không nên chọn những trái cam có màu bóng đẹp, bắt mắt khi mua ở bất cứ chợ, sạp hoa quả hay hàng bán rong nào.

Cam Canh, cam Vinh, cam Văn Giang thường có màu sắc và hình dáng không bắt mắt, nhưng người tiêu dùng nên chọn mua những loại cam này để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nho Mỹ, Úc với nho Trung Quốc

Nhiều người ham rẻ, đã mua nhầm phải nho Trung Quốc, trong khi đó các tiểu thương lại quảng cáo khơi khơi là nho Mỹ. Nho Trung Quốc đang bán tràn lan trong các chợ và trên các sạp hàng ngoài trời.

Những chủ buôn nho Trung Quốc luôn thách giá rất cao tới vài trăm nghìn, nhưng sau một hồi khách nhỏ to mặc cả, khách được đồng ý mua với giá khoảng trăm hoặc vài chục đồng. Còn nếu là nho đỏ Úc và Mỹ, giá trên thị trường theo nhiều người bán hoa quả, khoảng trên 200 nghìn đồng/kg.

Khách muốn phân biệt, theo nhiều người, chỉ có hai cách là nếm và nhìn bằng mắt thường.


Nho đỏ Mỹ (trái) và nho Trung Quốc (phải) có sự khác biệt khá lớn. Trong khi nho Mỹ 
quả cứng và có màu sậm thì nho Trung Quốc mềm, mọng hơn và có màu nhợt nhạt.


Khi bổ ra, nho Mỹ nhìn rất chắc thịt và không có hạt (trái) trong khi nho
đỏ Trung Quốc có nhiều hạt và ruột khá rỗng, bóp vào thấy rất nhão (phải).

Theo chị Nga, quản lý của Green Day Mart, việc phân biệt nho Trung Quốc và nho Mỹ không quá khó. Nho Trung Quốc to, tròn, ăn có vị chua và khá mềm. Trong khi đó, nho Mỹ dài, thuôn, ăn ngọt và giòn. Khi bổ ra, nho Mỹ nhìn rất chắc thịt và không có hạt, trong khi nho đỏ Trung Quốc có nhiều hạt và ruột khá rỗng, bóp vào thấy rất nhão.

Trả lời báo giới trước đó, ông Nguyễn Văn Ngã – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2 (cục Bảo vệ thực vật) cho biết, không có bất kì doanh nghiệp nào nhập khẩu từ Trung Quốc, trên giấy tờ các doanh nghiệp chỉ nhập cherry từ Mỹ, Canada… Như vậy, các loại cherry giá rẻ trên thị trường nếu nhập khẩu từ Trung Quốc thì 100% là nhập lậu và chất lượng loại cherry Trung Quốc như thế nào vẫn chưa được kiểm nghiệm.

Táo Mỹ với táo Trung Quốc

Ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Kleve (nhập khẩu trực tiếp và là hệ thống bán lẻ hàng đầu về các sản phẩm trái cây tươi nhập khẩu chính thức từ các thị trường Mỹ, Canada, Úc và New Zealand) – cho biết: Người tiêu dùng dựa vào màu sắc và hình dáng các loại táo để phân biệt. Sự phân biệt này cũng không quá khó vì táo Mỹ có những đặc điểm riêng và cũng chỉ có một số loại nhất định.

Theo đó, táo Trung Quốc quả thường tròn, được bọc trong lưới xốp (lưu ý khi bóc lưới xốp ra thấy rất nhiều hạt trắng mịn đọng trên vỏ quả, đó là do hóa chất bảo quản vỏ bị bay hơi). Còn táo New Zealand, Mỹ thì hình dáng hơi vuông (có góc cạnh), cao thành.


Táo Ambrosia Mỹ

Một số loại táo đang được ưa chuộng trên thị trường như táo Ambrosia Mỹ (quả to, dài, có màu đỏ xen lẫn vàng kem, ngọt, giòn và rất thơm); Táo Fuji Mỹ (Quả màu đỏ với các chấm đỏ hồng tới đỏ đậm); Táo Xanh Mỹ (Quả màu xanh lá, vị chua đậm, rất giòn, nhiều nước); Táo Gala (Sọc hồng cam trên nền vàng, khá giòn và ngọt).

Hầu hết các loại trái cây nhập khẩu đều có chất bảo quản để giữ thời gian dài trong quá trình vận chuyển. Tốt nhất, người tiêu dùng nên sử dụng trái cây trong nước để bảo đảm tươi ngon; mua trái cây đúng mùa (vì trái cây trái vụ thường phải “xử lý” chất kích thích tăng trưởng, bảo quản nhiều hơn). Để hạn chế hóa chất tồn dư, người tiêu dùng nên ngâm trái cây trong nước muối loãng 30 phút và gọt, bóc vỏ trước khi ăn. Tuyệt đối không ăn trái cây có ruột bị nhũn, màu khác thường và có mùi lạ.

Cách phân biệt các loại hoa quả khác

Quýt: Quýt Trung Quốc vào Việt Nam được quảng cáo là quýt nội. Quýt Trung Quốc vỏ dày, bóng và khi bóc ra 2 đầu múi thường bị khô, chai. Quýt Việt Nam vỏ mỏng, thường bị nám.

Lựu: Lựu Việt Nam trái nhỏ, hột nhiều, dày, màu da xanh. Lựu Trung Quốc to, tròn, vỏ mỏng, màu trắng hồng.

 
Theo Kien Thuc