Tinh Hoa

Bác sĩ lý giải những điều khó tin từ giấc mơ

 – Có rất nhiều điều thú vị từ giấc mơ. Ngoài việc đưa ra các điều tưởng chừng huyền bí như điềm báo, giấc mơ còn giải phóng bản năng con người bị đè nén và phản ánh tình trạng sức khỏe của bạn.

 

Bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đã chia sẻ về giấc mơ dưới góc nhìn của nhà tâm lý, tâm thần học.

Mơ người khác bệnh, hóa ra là mình

Trong quá trình làm công tác khám, chữa bệnh, bác sĩ Thắng gặp khá nhiều bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe. Lạ lùng thay, họ từng được cảnh báo trong mơ, chỉ có điều theo cách khác.

Bà Nguyễn Thị K., ngụ tại quận 2 TP.HCM suýt chết vì nhồi máu cơ tim. Vừa chết hụt, bà K. nhớ lại gần đây mình hay mơ thấy bạn thân bị bệnh tim trông rất xanh xao, yếu ớt.

Ai ngờ người bị bệnh tim lại là chính bà chứ chẳng phải người bạn nào cả.

Giấc mơ thể hiện tình trạng sức khỏe của con người – (Ảnh minh họa)

Trường hợp khác là ông Đặng Văn H., 50 tuổi, bị ung thư dạ dày. Ông H. kể mình từng mơ thấy mình đến bệnh viện thăm anh bạn. Trong mơ, ông H. hỏi bạn sao phải nằm viện, anh bạn trả lời do đau bụng.

Thêm một trường hợp tương tự nữa là chị Trần Thị V., 35 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình. Câu chuyện của chị V. khá ly kỳ.

Mình mơ thấy sang nhà người bạn chơi. Tại đây, mình gặp bà nội của bạn. Bà đang hấp hối. Mình sợ quá giật mình tỉnh dậy. Lo có điềm chẳng lành, mình gọi điện ngay cho bạn hỏi về bà và thở phào biết bà vẫn mạnh khỏe. 2 tháng sau mình phát hiện bị ung thư vú. Bác sĩ nói bệnh đã tiến triển nặng”, chị V. kể.

Cần đi khám nếu giấc mơ gây ra phiền toái

Theo bác sĩ Thắng, cơ thể ta rất nhạy, nó tự nhận biết được có gì bất thường đang diễn ra bên trong.

Mặc dù bệnh mới chỉ trong quá trình phát triển âm thầm, chưa biểu hiện ra ngoài nhưng cơ thể chúng ta đã nhận ra. Bằng cách này, cách khác, bộ não cố gắng cảnh báo cho ta qua giấc mơ.

Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta ngủ, lý trí bị lơi lỏng nhưng phần tiền ý thức vẫn kiểm soát các giấc mơ. Chúng ta không thể chấp nhận việc mình bị bệnh nên phần tiền ý thức điều chỉnh thành người khác bị bệnh.

Việc này đã giải thích tại sao bà K., ông H., chị V. mơ thấy người khác hấp hối, đau bụng, bệnh tim, rốt cuộc người bị lại chính là bản thân họ.

Ngược lại, cũng có những bệnh nhân kể họ toàn mơ thấy chuyện vui vẻ, hạnh phúc. Điều đó chứng tỏ cơ thể họ đang trong tình trạng sức khỏe tốt nhất, căng tràn nhất.

Trong công tác điều trị bệnh về tâm lý, tâm thần, giấc mơ của bệnh nhân đóng vai trò khá quan trọng.

Giấc mơ giúp cho bác sĩ hiểu hơn về tâm tư, tình cảm, đời sống tinh thần của bệnh nhân, từ đó góp phần đưa ra hướng điều trị, cách tư vấn thích hợp.

Bác sĩ Thắng quan niệm, giấc mơ theo đúng nghĩa đen là những gì con người muốn mà chưa đạt được trong thực tế.

Giấc mơ có thể giống một câu chuyện, nhưng có những giấc mơ vụn nát, không đầu, không cuối.

Người ta chia giấc mơ ra làm hai loại. Một là giấc mơ trẻ con (thường gặp ở trẻ có độ tuổi 4 – 5). Ví dụ đứa trẻ chưa được đi công viên bao giờ và rất thích đi chơi.

Đêm ngủ, chúng có thể mơ thấy được mẹ cho đi chơi công viên. Đây là giấc mơ có đầu có cuối, muốn gì thấy đó. Giấc mơ này hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng gì cho sức khỏe.

Tiếp đến là loại giấc mơ lung tung, vụn nát. Đây những giấc mơ phức tạp, đứng dưới góc độ tâm lý, tâm thần cần phải xem xét. Nếu những giấc mơ đem đến phiền toái, gây hoảng sợ, mệt mỏi tức là đời sống tinh thần, tâm lý của bạn đang có vấn đề.

Hoặc ngay chính cơ thể bạn đang bị bệnh. Lúc đó bạn cần đi khám ngay để tìm ra cách gỡ những khúc mắc.

Giấc ngủ của con người chia thành 5 pha. Chỉ khi ở pha ngủ sâu, ngủ say ta mới mơ. Chúng ta không mơ nếu ngủ nông. Từ đó chứng tỏ người ngủ ngon mới mơ, khác với quan niệm mơ mộng nhiều do ngủ không tròn giấc.

Thanh Huyền