– Nga và Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Pháp sau khi quân đội nước này xác nhận bắt đầu cung cấp vũ khí cho phiến quân Libya từ đầu tháng 6 tại vùng núi Nafusa, tây nam Tripoli, bất chấp lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc.
Đại tá Thierry Burkhard, một phát ngôn viên của quân đội Pháp cho biết họ đã cung cấp “vũ khí hạng nhẹ như súng trường tấn công” cho dân thường để “tự bảo vệ mình khỏi mối đe dọa từ Đại tá Gaddafi”.
“Chúng tôi bắt đầu thả đồ cứu trợ nhân đạo, bao gồm thực phẩm, nước uống và các dụng cụ y tế. Trong chiến dịch này, tình hình trên mặt đất trở nên xấu đi đối với thường dân. Chúng tôi đã thả vũ khí và các phương tiện tự vệ, chủ yếu là đạn dược“, Đại tá Thierry Burkhard nói thêm.
Các quan chức NATO cho rằng, nghị quyết 1973 của LHQ cho phép sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ thường dân (ảnh Telegraph) |
Trước đó, một bài báo trên tờ Le Figaro nói rằng các loại vũ khí này bao gồm súng trường, súng máy, bệ phóng tên lửa và tên lửa chống tăng Milan.
“Nếu lực lượng phiến quân có thể nhận được ở ngoại ô Tripoli, thủ đô sẽ tăng cơ hội chống lại Gaddafi“, tờ báo dẫn lời một quan chức Pháp.
Massin Madi, một phát ngôn viên của phiến quân tại Abu Dhabi, khẳng định Pháp đã thả vũ khí xuống nhưng không rõ liệu lực lượng nổi dậy hay dân thường đang sở hữu các loại vũ khí này.
Pháp, nước dẫn đầu trong chiến dịch của NATO tại Libya, đã không thông báo với các nước đồng minh về động thái này, tờ Figaro cho biết.
Xung đột ở Libya vẫn đang leo thang sau 4 tháng đầy căng thẳng |
Mỹ cho rằng nghị quyết 1973 cho phép các nước cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy, mặc dù nghị quyết 1970 trước đó áp đặt lệnh cấm vận vũ khí trên toàn Libya.
Pháp đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy can thiệp quân sự vào Libya. Máy bay của Anh và Pháp đã dẫn đầu các cuộc không kích tại Libya từ cuối tháng 3. Sau đó, vào tháng 4, Pháp, Anh và Ý tuyên bố sẽ gửi cố vấn quân sự tới Benghazi để hỗ trợ lực lượng nổi dậy.
Quyết định cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Libya được đưa ra sau một cuộc họp giữa Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Tham mưu trưởng của phe nổi dậy Libya, tướng Abdelfatah Younis. Qatar, nước ủng hộ chiến dịch của NATO tại Libya, cũng đã cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy, chủ yếu tại thành trì miền đông của họ ở thành phố Benghazi.
Pháp rất quan ngại về tình trạng bế tắc trong cuộc xung đột giữa quân nổi dậy và lực lượng ủng hộ ông Gaddafi nổ ra từ tháng 2.
Sợ bị cô lập, Đức quyết định tiếp lửa cho NATO oanh tạc Libya |
Truyền thông Pháp cho biết 40 tấn vũ khí đã được gửi tới miền tây Libya, bao gồm “một số xe tăng hạng nhẹ”.
Tờ Le Figaro cũng cho biết họ đã được xem một tấm bản đồ quân sự mật cho thấy hai đường băng tạm thời ở thị trấn của quân nổi dậy đã được xây dựng để tiếp nhận máy bay nhỏ từ vùng Vịnh có thể đưa vũ khí tới gần mặt trận hơn.
Ngoại trưởng Anh William Hague hôm thứ Tư (29/6) cũng cho biết, Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya đã nhận được 100 triệu USD hỗ trợ từ một quỹ quốc tế do các nước tham gia vào cuộc xung đột thiết lập.
Tuyên bố trên của Pháp đã hứng chịu sự chỉ trích từ các nước như Nga và Trung Quốc, vốn cho rằng NATO và các đồng minh đã vượt quá sự ủy thác của Nghị quyết 1973 của LHQ cho phép can thiệp quân sự vào Libya. Hôm 30/6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, nếu thông tin này được xác nhận thì đó là sự vi phạm trắng trợn nhất Nghị quyết 1970 của HĐBA.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng lên tiếng cảnh báo các nước “tuân thủ nghiêm ngặt tinh thần Nghị quyết của HĐBA và tránh bất kỳ động thái nào vượt ra khỏi sự ủy nhiệm của Nghị quyết”, đồng thời kêu gọi “dùng giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Libya để khôi phục hòa bình và ổn định càng sớm càng tốt.”
Phương Mai (theo Telegraph, BBC)
|