Hiến pháp hòa bình đang trói tay Nhật Bản, khi Trung Quốc khuấy động vùng biển Senkaku/Điếu Ngư và tàu chiến Trung Quốc tiến sâu vào vùng biển Nhật Bản.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, người Nhật sẽ không để cho Trung Quốc bắt nạt và Thủ tướng Shinzo Abe từng tuyên bố: “Chúng ta không thể dung thứ bất kỳ thách thức nào, hiện tại cũng như tương lai. Không một quốc gia nào nên đánh giá thấp quyết tâm sắt đá của chúng ta”.
Các quan chức Nhật Bản ở Tokyo cho thấy họ không chỉ sẵn sàng chiến đấu, mà còn muốn giành chiến thắng. Hơn nữa, họ cho rằng xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Một quan chức chính phủ hàng đầu nói: “Họ (Trung Quốc) đang đưa tàu, và thậm chí cả máy bay, vào lãnh thổ của chúng tôi mỗi ngày. Đó là hành động khiêu khích. Chúng tôi đang cố tránh bị khích động, nhưng họ lại sử dụng radar điều khiển hỏa lực. Đây là một bước tiến gần đến xung đột và chúng tôi rất quan ngại”.
Không có gì thay đổi kể từ khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói rằng Trung Quốc và Nhật Bản tiến gần đến chiến tranh, ngoại trừ ngân sách quốc phòng Nhật Bản. Chi tiêu cho tàu chiến và máy bay trong ngân sách quốc phòng Nhật Bản sẽ tăng thêm 23% trong năm nay.
Tài liệu nội bộ của Nhật Bản cho rằng tình hình đã trở nên “cực kỳ nguy hiểm”, kể từ khi tàu chiến Trung Quốc chĩa radar điều khiển hỏa lực vào một chiếc trực thăng Nhật Bản và sau đó là một tàu khu trục hồi tháng 1/2013. Đây là một hành động leo thang đáng kể và tương tự như cố vượt ra khỏi tầm kiểm soát trong Chiến tranh Lạnh dẫn đến việc thiết lập “đường dây nóng” giữa Mỹ và Liên Xô. Chỉ có điều, không có đường dây nóng tương tự giữa Tokyo và Bắc Kinh.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã giới thiệu bản đồ chi tiết về đường đi của tàu chiến và tàu ngầm Trung Quốc qua vùng biển Nhật Bản. Chịu nhiều áp lực nhất là Okinawa, nơi giới học giả Trung Quốc cũng bắt đầu tìm cách đòi hỏi chủ quyền. Biển Hoa Đông đang trở thành một vùng biển dễ bùng nổ nhất thế giới.
Người Nhật hy vọng ban lãnh đạo mới dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ cố gắng sửa chữa mối quan hệ Trung-Nhật, khi tân Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị từng có 7 năm công tác ở Tokyo. Nhưng, như một nhà ngoại giao cảnh báo, biết đâu điều này có thể làm cho ông Vương Nghị lại “diều hâu hơn” để chứng tỏ bản sắc của mình.
Giáo sư Huang Jing của Đại học Singapore, từng là cố vấn cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), cho biết lớp sĩ quan trẻ của PLA đang trên “con đường đối đầu” với hệ thống thế giới do Mỹ chi phối.
Điều gì sẽ xảy ra nếu xảy ra xung đột Trung-Mỹ dưới bất kỳ hình thức nào? Đó sẽ là một trận động đất kinh hoàng, đảo lộn trật tự chiến lược và kinh tế toàn cầu. Kinh tế Mỹ và kinh tế Trung Quốc đang lệ thuộc lẫn nhau. Trung Quốc đang nắm trong tay khoản nợ 2.000 tỷ USD của Mỹ, trong khi các công ty Mỹ lại có nhiều cơ sở sản xuất ở lưu vực Châu giang hay hạ lưu sông Dương Tử.
Tuy tỏ ra trung lập trong các cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Đông Á, nhưng việc Mỹ ủng hộ Nhật Bản lại phù hợp với nguyên tắc của Hiệp ước Postdam chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai vốn qui định rằng các đường biên giới quốc tế thể không được thay đổi bằng vũ lực hoặc hành động cưỡng ép.
Đó chính là những gì mà Trung Quốc đang làm cả ở trong vùng biển Nhật Bản lẫn ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang tuyên bố chủ quyền đối với hầu như toàn khu vực, bất chấp sự phản đối của Philippines, Việt Nam.
Những hoạt động hải quân của Trung Quốc là nhằm chia rẽ Washington và Tokyo cũng như để kiểm tra sự sẵn sàng chiến đấu của một nước Mỹ mệt mỏi hậu thuẫn các nước đồng minh. Điều đáng ngại là một số giới chức ở Bắc Kinh cho rằng nước Mỹ đang bị chảy máu, bị kiệt lực bởi cuộc khủng hoảng tài chính, quân đội bị căng trải ở Trung Đông…và đây chính là lúc để nắn gân “con hổ giấy”.
Đây là quả là một sai lầm chết người. Người Trung Quốc nên nhớ một câu ngạn ngữ “Mỹ không bao giờ mạnh và cũng không bao giờ yếu như vẻ bề ngoài”. Câu nói này cũng đúng đối với Nhật Bản.
kienthuc