Vụ bê bối thịt ngựa giả thịt bò ở Châu Âu đã róng lên một hồi chuông cảnh tỉnh
cho người tiêu dùng Châu Âu. Sau vụ việc này, nhiều thực phẩm nhập nhèm đánh
tráo nguồn gốc cũng được phanh phui làm người tiêu dùng ở “lục địa già” này
không khỏi bàng hoàng.
Vụ bê bối thịt ngựa giả thịt bò bùng phát vào giữa tháng 1 vừa qua ở châu Âu khi
cơ quan chức năng Ailen phát hiện thịt ngựa trong sản phẩm thịt bò đông lạnh do
các công ty Ailen và Anh sản xuất, được bày bán tại các chuỗi siêu thị lớn của
Anh, nơi việc ăn thịt ngựa là điều cấm kỵ. Hiện vụ bê bối này đã lan sang hầu
hết các quốc gia khác ở Châu Âu, không chỉ khiến các doanh nghiệp bán lẻ bị ảnh
hưởng nghiêm trọng, mà còn khiến ngành công nghiệp chế biến thịt tại đây lâm vào
cảnh điêu đứng.
Ngoài thịt bò còn có vô số các thực phẩm khác từ lâu cũng đã đánh lừa người tiêu
dùng về nguồn gốc xuất xứ cũng như thành phần chế biến như xúc xích, cá ngừ,
sữa… Cùng điểm mặt những thực phẩm dẫn đầu trong danh sách nhập nhèm nguồn gốc:
1. Thực phẩm tự nhiên
Có cả một danh sách dài các công ty đã gán mác thực phẩm hữu cơ (hay còn gọi là
thực phẩm tự nhiên, tức là hoàn toàn không có hóa chất tổng hợp) cho sản phẩm
của mình mặc dù họ không đáp ứng được các yêu cầu cần thiết theo qui định. Năm
2007, một nhóm các cơ quan giám sát hữu cơ đã đệ đơn khiếu nại chống lại Walmart
vì đã cố tình gắn mác hữu cơ cho một số sản phẩm của họ gây hiểu lầm cho người
tiêu dùng.
2. Cá
Các nghiên cứu gần đây được tiến hành bởi nhóm tư vấn đại dương quốc tế Oceana
chỉ ra rằng 84% các mẫu cá được dán nhãn “cá ngừ trắng” thực sự là từ một loại
cá khác.
3. Xúc xích
Năm 2009, một nhà sản xuất thịt lớn bị thu hồi 2000 pound (gần 1000 kg) xúc xích
đông lạnh vì chứa sữa và đậu nành trong khi trên bao bì không hề có hai thành
phần này. Gần đây, năm 2012, 1,7 triệu puond xúc xích sai nhãn mác cũng bị thu
hồi vì đã không ghi rõ trên bao bì là có chứa MSG. Ngoài ra trong năm nay tại
Nam Phi còn phát hiện 2/3 số xúc xích chứa thịt lừa và thịt trâu nước.
4. Đồ uống năng lượng
Consumer Reports đã thử nghiệm 16 loại đồ uống năng lượng khác nhau và kết quả
là có 5 trong số 16 loại có chứa nhiều hơn 20% lượng caffeine được ghi trên
nhãn. Đặc biệt có một loại đồ uống có lượng caffeine lớn hơn 70% so với nhãn
mác.
5. Sữa
Gần đây một số hãng sữa đánh lừa khách hàng bằng cách không ghi rõ rằng sản phẩm
của mình chứa chất tạo ngọt nhân tạo.
6. Trứng
Tháng 2/2013, chính quyền Đức đã cho điều tra gần 150 trang trại sau khi nhận
được khiếu nại về chất lượng trứng của họ. Những quả trứng này được gắn mác “hữu
cơ” (tự nhiên) nhưng thực sự không đáp ứng được những yêu cầu đặt ra.
7. Thịt bò
Những vụ bê bối thịt ngựa giả thịt bò gần đây ở Châu Âu đã đặt ra một câu hỏi
lớn về các sản phẩm được dán nhãn thịt bò 100%.
8. Oreo
Người ta cho rằng phần kem kẹp giữa trong bánh Oreo là kem thực sự nhưng thực tế
có một số thông tin cho rằng chúng được làm từ dầu thực vật và đậu nành.
Nhị Anh (tổng hợp)
(vietnamnet.vn)