Tinh Hoa

Dự đoán dịch sốt rét nhờ nhiệt độ nước biển

Căn cứ vào sự thay đổi nhiệt độ trên mặt nước biển ở Nam Đại Tây Dương, người ta có thể dự đoán dịch sốt rét ở Tây Bắc Ấn Độ từ rất lâu trước khi nó bùng phát, tờ The Hindustan Times cho hay.

Mỗi năm, bệnh sốt rét Ấn Độ lan truyền thêm 9 triệu người, mang đến cho nước này những tổn thất nghiêm trọng về người và của. Người ta đã đi tìm yếu tố gì có liên quan đến sự bùng phát này để có thể dự báo, nhằm ngăn chặn và đối phó trước.

Ấn Độ là một trong những vùng mà căn bệnh sốt rét hoành hành.

Một trong các yếu tố được phát hiện qua các số liệu thống kê, là mỗi khi nhiệt độ tháng Bảy thấp là bệnh sốt rét lại hoành hành ở các bang Delhi, Rajasthan, Punjab và Haryana. Vì vậy, có thể có một thời gian là 4 tháng để chuẩn bị phòng chống.

Tác giả của phát hiện này là các nhà khoa học Trường ĐH Michigan (Mỹ) và nếu đúng, nó là phương pháp có hiệu quả hơn bất cứ một phương pháp dự báo nào khác.

Chẳng hạn, hiện nay, người ta thường sử dụng số liệu về mùa mưa. Trên cơ sở đó, người ta dự báo nơi nào mưa nhiều, muỗi anophen truyền bệnh gặp điều kiện thuận lợi để nảy nở sinh sôi làm lan truyền bệnh sốt rét. Tuy khá chính xác nhưng nó chỉ cho phép dự báo được trước một tháng – thời gian quá gấp gáp không đủ để các chuyên gia y tế kịp trở tay.

Các chuyên gia dịch tễ học Mỹ đã vào cuộc để cùng giải quyết vấn đề này. Họ phân tích tần suất xuất hiện sự bùng phát của bệnh sốt rét ở các bang của Ấn Độ trong hơn 20 năm từ 1985 đến 2006 và so sánh dữ liệu này với mô hình khí hậu.

Từ đó họ phát hiện ra mỗi khi nhiệt độ mặt nước ở Nam Đại Tây Dương vào tháng bảy dưới mức bình thường thì lượng mưa năm ấy đều tăng lên một cách rõ rệt và vài tháng sau các bang ở Tây Bắc Ấn Độ bệnh sốt rét lại bùng phát.

Kết luận này tỏ ra có hiệu quả và đáng tin cậy. Nếu từ đó đưa ra được những dự báo chính xác, nó sẽ giúp Ần Độ hạn chế được thiệt hại to lớn do dịch sốt rét gây ra.

Bảo Châu (Theo Meddaily.ru)

(vietnamnet.vn)