empty
Đó là lời đúc kết đầy trăn trở của Đại tá Lê Va – nguyên Phó Giám thị trại tạm giam- Công an tỉnh Hòa Bình, hiện đang là Giám đốc Cơ sở cai nghiện tự nguyện Hòa Bình – Bộ LĐTBXH (đóng tại tổ 17 phường Tân Thịnh, TP. Hòa Bình).
Đại tá Lê Va kể: Chuyện gì cũng có thể xảy ra được, nếu nó xuất phát từ ma túy và những người nghiện. Nhưng chuyện này rất lạ: Có anh chàng Triệu Văn Ba hơn 22 năm nghiện “oặt oẹo”, tàn phá đời mình đủ kiểu, “mưu đồ” moi tiền hút hít hết 3 triệu đồng/ngày của gia đình và xã hội – thế mà anh ta đã dũng cảm “đối mặt với tử thần” để cai nghiện thành công. Đặc biệt, anh ta đang làm “ma ma tổng quản”, phụ trách toàn bộ nội dung tổ chức, quản lý các đối tượng cắt cơn vật vã ở chỗ chúng tôi, được trả lương 5-7 triệu đồng/tháng đàng hoàng. Ba đã dùng các “ngón nghề” rạch giời rơi xuống của một người 22 năm nghiện đến mức không còn gì để mất, nhằm “điều trị”, cứu giúp những kẻ “cùng hội cùng thuyền”…
Từ con nghiện thành cán bộ phụ trách công tác… cai nghiện
Dân gian thời mới có câu “đừng nghe cave kể chuyện, chớ để con nghiện trình bày”. Triệu Văn Ba năm nay 40 tuổi, với kinh nghiệm 22 năm nghiện hết cỡ, anh ta cũng nhắc lại câu “ca” kia để nói về sự đáng sợ, sự giảo hoạt “cò quay” của những kẻ giời đày bập vào “cơm đen” và “cái chết trắng”. “Không chỉ đen, trắng (thuốc phiện và heroin), tôi còn chơi cả “hồng” cơ (hồng phiến). Đẳng cấp lắm! Ai chơi nhiều thứ chết người này cũng đều bị dòi bò trong xương khi đói thuốc, đều bị gãy vụn từng miếng hàm răng của mình ra. Răng cứ bở ra, lay nhẹ là nó vỡ dần. Lại thêm bệnh phổi, ho sù sụ, men gan tăng cao, cuối cùng là sức khỏe suy kiệt” – nói rồi, Ba nhe hàm răng lởm chởm gãy mủn, hổng hoác của mình ra khoe.
Triệu Văn Ba cắt cỏ, tự tin hỗ trợ người nghiện cắt cơn ở Hòa Bình.
Thân hình lẻo khoẻo, Ba nhắc người ta nhớ đến lời nguyền của cây anh túc trong truyện cổ, rằng ai nghiện da người ấy sẽ xanh như lá thuốc phiện, cơ thể oặt oẹo như thân cây lấy nhựa ma túy và suy nghĩ mê lú vì bị “nàng tiên nâu” hớp hồn xúi làm điều xằng bậy.
“Đừng nghe con nghiện trình bày, nên tôi cũng không dám nói trước điều gì. Nhưng tôi đã cai được một năm qua, chưa một lần dính lại phải ma túy. Tôi về quê cũ Hà Nam nghỉ ngơi, về Co Lương (ven bờ sông Mã, thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, giáp ranh Thanh Hóa) tĩnh dưỡng, tuyệt đối không bập lại ma túy nữa. Tôi tin, mình sẽ tránh vĩnh viễn khỏi ma túy. Tạm thời, tôi sẽ đem toàn bộ “kinh nghiệm nghiện” của mình, đem hiểu biết về các loại mánh khóe của dân “oặt” ra để tổ chức quản lý cho anh em chuộc lỗi với đời. Cũng như tôi, vào đây, họ không còn gì để mất nữa. Tôi đã đi cai với suy nghĩ, giá trị của thằng nghiện hút hết 3 triệu đồng một ngày, rồi luôn tính mưu giở trò đồi bại kiếm tiền hút xách như mình, còn gì mà tiếc, chết thì bỏ. Và tôi đã thành công…” – Ba nói.
Cái thành công của anh ta nó chơi vơi, nó khiến người ta nghĩ đến những gã tự chặt tay mình thề sẽ cai nghiện; tự khóa cửa, nhốt mình trong cũi chó, ném chìa khóa xuống ao để xa lánh “sới ăn chơi”, từ bỏ ma túy… rồi mà vẫn nghiện oặt. Ba có thoát được nghiện trong phần đời còn lại của mình không? Chính anh ta cũng lo lắng. Quyết tâm thì có thừa, song ma túy là cái con ma không ai có thể hiểu nổi nó, nhiều người chỉ thực sự từ bỏ được nó khi cõi sống lìa xa mình.
Dẫu sao, hiện nay “ma ma tổng quản” ở trung tâm cai nghiện đó vẫn là Triệu Văn Ba, anh ta làm việc rất tích cực và hiệu quả. Anh ta đã tăng được 10kg trọng lượng sau hơn một năm vật vã đuổi ma túy ra khỏi cơ thể mình… Ngần ấy, với người tự coi mình là thứ vứt đi, là “sống cũng như chết” như Triệu Văn Ba, đã là kỳ tích rồi.
Ở vùng Mai Châu (Hòa Bình), có cả một thế hệ những người nghiện, rồi nhiễm HIV, rồi chết rục trong sự hắt hủi xót xa của xã hội- như Triệu Văn Ba. May mà Ba không nhiễm HIV. Quê gốc ở Duy Tiên (Hà Nam), Ba theo ông cậu ruột lên thị tứ Co Lương làm thuê từ năm 19 tuổi. Bấy giờ là năm 1990, hiểu biết về ma túy, HIV/AIDS, về cuộc sống mới chỉ là con số không (0) tròn trĩnh. Đường lên Co Lương sơn lam chướng khí, đi năm chặng dừng đón ôtô khác nhau mới tới nơi. Làm nghề bốc vác thuê ở bến sông Mã, bị sốt rét, lại bị đám chủ tàn độc muốn khống chế, muốn có doping tăng sức lao động cho “nô lệ”, chúng xúi Ba chơi thuốc phiện.
Lúc đầu, thứ ma mị này giúp người ta đề kháng để khỏi vài cái bệnh vặt, bớt cơn đau xác thịt. Song, ngay cả khi đã chớm nghiện, nhờ biết cách thu vén làm ăn, khéo ăn nói, lại đẹp trai, đủ tiền mua thuốc hút nên Ba vẫn mở mang hàng quán, mở cả hiệu bán buôn, sửa chữa xe máy, vẫn lấy vợ đẹp ở trong xã Bao La. Kể từ khi bập sâu hơn vào thuốc phiện và heroin, mỗi ngày một cữ, rồi hai cữ, mỗi cữ một chỉ, rồi cả cây, thì cái kim trong bọc đã lòi ra.
Ta cứ hình dung, trước khi đi cai, cứ cho hút đủ liều lượng, một ngày Ba đốt hết hơn 3 triệu đồng tiền ma túy. Sập tiệm, cô vợ Phạm Thị Ng và hai đứa con phải bán nhà, ra bờ sông Mã dựng quán bán thuốc lá, kẹo bánh nhì nhằng cho dân thương hồ. Vốn là người sắc sảo, trọng danh dự, Ba cố giấu kín việc mình nghiện, đôi khi phải chịu tốn kém bắt đầu nậu bán lẻ heroin mang hàng đến tận nhà mình. Nhưng rồi không giấu được nữa. Khi công an đến hỏi thăm, “tôi đành nhận là mình có hút, nhưng chưa nghiện, xin cho ở nhà để sửa sai. Không đi cai đâu. Chứ nếu cãi họ, họ cho đi thử “đỏ” (tức là thử máu) rồi cưỡng chế đi cai ở trung tâm nhà nước thì toi, thì mang tiếng, thì bị áp chế đi trại ngay”.
Ba lý giải, mình không đi cai trong suốt 20 năm, nằm “bẹp tai” bên bờ sông Mã là bởi vì sợ mang tiếng. Còn nữa: Ba dị ứng đặc biệt với các trung tâm cai nghiện rồi 99% số đối tượng bị tái nghiện kia. Anh ta tìm hiểu qua bạn nghiện thì biết, nhiều khi họ vẫn cung cấp ma túy cho người cai, họ “cò quay” tiền của người nhà gửi vào; họ cai mà không quan tâm đến hiệu quả cũng như số phận của “bệnh nhân đặc biệt dùng ma túy”. “Giữ thói quen đút lót để đi cai đó, vào trung tâm tự nguyện này, nhiều cô, bác ở Hà Nội gửi con chỗ tôi quản lý để cai, họ đưa phong bì nhiều lần lắm, nhưng tôi kiên quyết không lấy. Nghiện, nó cũng có phẩm giá của người nghiện chứ. Họ cai kiểu đó thì chỉ làm người nghiện dấn sâu vào cõi… chết thôi” – Triệu Văn Ba quả quyết.
Xuống “âm ty địa ngục” để lột xác
Đến lúc nghe giới thiệu có Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Hòa Bình, Triệu Văn Ba vác dao chém vào cột quán, ném dao xuống sông Mã, thề nếu không bỏ được ma túy thì không trở về với vợ con. Đứa lớn đã học lớp 11, nên đã biết xấu hổ vì cha “oặt” thảm hại rồi. Đứa bé mười mấy tháng tuổi, đầu xanh có tội tình gì, để rồi nó phải khổ sở vì một ông bố lầm lỗi 20 năm chưa một lần biết tự xỉ vả mình!
Cai nghiện- nhất là ở những người có tiền sử dùng ma túy tới hơn 20 năm như Ba- vẫn được người ta xem như một cái gì đó cũng khó như… bắc thang lên giời vậy. Người khác cắt cơn chỉ trong 5-6 ngày, riêng Ba phải mất 17 ngày vật vã, chết đi sống lại. Đó là những ngày chưa từng có trong cuộc đời 40 năm qua của Ba.
“Tôi không ăn được cái gì. Đứng không được, mà ngồi, nằm cũng không được. Cứ như người bị phát điên. Đi vài bước lại nằm vật ra, lại phải đứng dậy liêu xiêu. Người lạnh như ướp đá, nhưng mồ hôi lại chảy ròng ròng, nước mắt nước mũi giàn giụa. Mọi thứ nhớ nhớ quên quên bất chợt. Khóc ầm ỹ rồi lại cười đập phá. Không ai xiềng xích mình, nhưng luôn có cảm giác bị tra tấn bởi xích sắt, roi vọt. Ban quản lý thấy tôi quăng quật mình suốt 15 ngày, tiếng thở đã yếu lắm, họ bảo: Có gọi gia đình đón về nghỉ ít ngày không? Có cho vợ con vào thăm không? Chưa ai vật thuốc như anh đâu.
Tôi bị dồn đến đường cùng, chỉ thèm giội nước vào người sau khi dùng thuốc cắt cơn. Suốt ngày tôi nằm bể ngâm nước, mồ hôi ròng ròng, nhưng cảm giác vẫn lạnh như tủ đá. Tôi nghĩ, về nhà là dính nghiện lại, thì bao đau khổ như từ cõi âm ty địa ngục vừa rồi vứt đi à? 15 ngày cắt cơn mất 15 triệu đồng tiền thuốc thang và dịch vụ tự nguyện rồi, tiếc lắm. Tôi thở dài nghĩ, “hỏng hết nội tạng rồi, như có ai đó lột ngửa các bộ phận cơ thể của tôi ra xát muối vào thì phải” – Ba kể – “Tôi không cho vợ vào thăm. Tôi bảo, loại nghiện oặt như mình thì còn cái giá trị gì nữa, chết cũng chả tiếc!”. Thế là Ba cai thành công. Thả về nơi “dịch vụ bán ma túy đến tận nhà” cũng không hút hít; về quê Hà Nam du ngoạn khoe với họ hàng 4 tháng trời, cũng vẫn “kiên định đường lối”. Thế rồi cán bộ mời Ba lên tham gia quản lý cơ sở cai nghiện.
Cai nghiện kiểu “con ông cháu cha” thì chết cả nút!
Ba luôn mặc cảm “em là đứa vừa cai nghiện xong, nói các bác có thể không tin, nhưng em thương bọn nghiện em đang quản lý lắm. Vì thế khi tham gia làm công việc giúp họ qua khỏi cửa ải nghiện – mất sức khỏe, mất nhân cách, mất cả sự sống – kia, em lấy làm vinh dự lắm”. Ba cười méo mó như khóc, khoang miệng đen kịt toàn lợi và răng vỡ.
Theo ban lãnh đạo cơ sở cai nghiện, Ba đã thể hiện một năng lực quản lý con nghiện và giúp họ từ bỏ ma túy một cách khá xuất sắc. Mọi mưu đồ, mánh lới “cò quay” tiền gia đình, giả cách chống đối việc cai nghiện đều bị Ba bóc mẽ. Lời nói của Ba với anh em rất có trọng lượng. Anh vẫn thức trắng đêm tâm sự với những người vật thuốc khi cắt cơn. Thậm chí, anh phải đau lòng chứng kiến và xử lý những vụ cực kỳ ám ảnh, như cảnh đối tượng cai nghiện tự nguyện Nguyễn Văn H – SN 1982, người Hưng Yên – lúc cắt cơn khó chịu quá, “điên” lên, cầm dao vượt tường trốn ra khỏi trung tâm, khống chế một phụ nữ, cướp xe máy hòng trốn chạy. Phải gọi cảnh sát 113 người ta mới bắt được đối tượng nguy hiểm trở lại, khi H đang lao vù vù trên cầu bắc qua sông Đà.
Có vụ, một giám đốc doanh nghiệp giàu có mắc nghiện, đổ đốn tiêu hết tiền, vào trung tâm cai nghiện tự nguyện, nhưng nói dối vợ là đi miền Nam mua ôtô. Anh ta ở phòng cắt cơn, gọi điện thoại cho vợ bảo gửi tiền vào tài khoản để chuyển cho đại lý. Có người điều đàn em mượn xe của bố mình, thay toàn bộ đồ Nhật đắt đỏ bằng đồ TQ rẻ tiền để rút ruột phương tiện. Anh Ba đã gắn bó, tìm hiểu, khuyên giải, giúp anh em vừa cắt được cơn, vừa không lún sâu vào các trò “bài binh bố trận” làm hại gia đình và xã hội.
“Cái chính vẫn là tâm lý của người nghiện. Tôi thức đêm, đưa họ đi tắm ùm ùm cho “giải” được cơn “vật” mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Hiểu cảm xúc của họ, hiểu lòng tự trọng còn sót lại của họ, như thế sẽ không đẩy họ đến chỗ làm càn, đến chỗ sống “chả còn gì để mất” như tôi hồi ấy… ” – Ba lý luận.
Cầu trời cho Triệu Văn Ba tiếp tục đủ nghị lực chống lại “con ma” đáng sợ nhất trong các loài ma trên thế gian và dưới địa phủ: Ma túy. Cứu được mình, ở cương vị “ma ma tổng quản”, Ba sẽ giúp được nhiều “đồng bệnh tương lân” khác. Baài viết này xin được coi như một lời chúc phúc cho anh.
Theo Đỗ Doãn Hoàng
Lao Động
Xem thêm :hà nam, hòa bình, cai nghiện, gia đình, hà nội, người nghiện, nguyễn văn, ma túy, phó giám, ma ma
(dantri.com.vn)