Tinh Hoa

Cảnh giác với những trò mua bán của thương lái Trung Quốc

 

“Thương lái Trung Quốc mua đủ thứ lạ đời” làm gì?

Bạn Vũ Hùng phán đoán: Những loài cây, rễ, củ , quả…. được thương lái Trung Quốc mua thu gom với số lượng lớn mang về để sao chế thành các vị thuốc đông y. Có rất nhiều loài được biến hóa thành những vị thuốc quí hiếm. Nhiều người Việt lại sang Trung Quốc nhập những vị thuốc đông y về Việt Nam bán thu lời cao. Cái món đỉa họ mua về có thể chế thành … thuốc chăng?

Bạn Bùi Thanh Liêm thì cảnh giác, đoán chung chung là ý định sâu xa của thương lái Trung Quốc. Khi biết họ mua những thứ lạ đời đó làm gì thì… đã quá muộn! Bạn Hung cũng suy đoán tương tự là cuối cùng họ thực hiện mục đích xấu với nước ta. Còn bạn Nguyễn Tuấn Anh cho rằng đây là cách họ gieo rắc niềm tin về lợi nhuận cho dân chúng Việt Nam. Khi dân chúng Việt Nam đua nhau làm thì họ bỏ chạy, để lại những hậu quả tai hại. Bạn Nguyễn Đức Thắng, nhìn thấy rõ hơn, là họ mua vào “cổng trước”, liền đó đó bán ra ở “cổng sau” ngay tại Việt Nam. Khi cơn sốt giá gần lên đỉnh, thì họ đổ ra bán hết thu đủ vốn, sau đó rút lui im hơi lặng tiếng, để lại cho những người Việt mất tiền ôm hàng đống những thứ vớ vẩn đó đau xót đổ đi.

Ảnh minh họa

Bạn Hoàng Anh nêu ví dụ về “mặt hàng đỉa” và tính toán cụ thể: Thương lái Trung Quốc mua đỉa giá 200.000 đồng/kg trong vòng 1 tháng (mua thực), tháng tiếp theo tăng giá lên 300.000 đồng/kg (họ mang số đỉa đã mua ra bán, kiếm lãi 100.000 đ/kg). Họ bán hết và không mua nữa, vì thế những đầu mối là người Việt  mua gom đỉa với giá cao chỉ còn nước…mất tiền, đỉa không ăn được thì môi trường phải gánh chịu

Email dakblasong@gmail.com suy đoán thương lái Trung Quốc mua cây phong ba để nhân giống trồng phủ xanh các đảo chiếm đóng vì các đảo này khí hậu rất khắc nghiệt chỉ có cây phong ba mới sống được, sau đó họ nói đảo nào có cây phong ba là… đảo của họ.
Bạn Nguyễn Chí Thanh lo ngại: Cây phong ba khó khăn lắm mới mọc được trên các vùng biển có độ mặn cao. Nếu nhổ hết cây đem bán cho thương lái Trung Quốc thì chẳng mấy chốc đảo của chúng ta sẽ thành… đảo trọc!

Qua thực tế, các bạn đọc chốt lại: Hãy cảnh giác với những trò mua bán của thương lái Trung Quốc. Tốt nhất là nên… tránh xa.

“Mua đủ thứ lạ đời”  không chỉ kiếm tiền, mà còn gây hại

Theo nhìn nhận của bạn Nguyễn Quang, danh mục những thứ “lạ đời” mà thương lái Trung Quốc mua của người dân Việt Nam ngày càng dài ra. Mọi người đừng nên tìm hiểu giá trị sử dụng của những món hàng đó làm gì. Đơn giản là chúng chẳng có một tý giá trị sử dụng nào. Vậy thì tại sao họ mua? Câu trả lời là họ kiếm tiền của người Việt. Có thể lý giải như sau: Ban đầu họ mua mặt hàng A với giá ví dụ là 50.000 đ/kg. Họ mua được 1000 kg, như vậy mất 50 triệu đồng. Khi đã gom gần hết, họ nâng giá mua lên 80.000 đ/kg. Với giá này họ mua thêm được ví dụ là 100 kg mất 8 triệu. Họ nâng giá lên 300.000 đ/kg thì còn rất ít người gom được. Họ lại mang chính số hàng A đã mua được từ trước với giá thấp mang bán cho một người đi gom hàng và bán cho người này với giá ví dụ là 250.000 đ/kg. Như vậy số tiền họ thu được là 1.100 kg x 250.000 đ/kg = 275triệu. Trừ đi phần đã bỏ ra mua là 58 triệu họ sẽ bỏ túi 217 triệu. Người đi gom được với giá 250 đ/kg tưởng được lãi 50 đ/kg nhưng lúc này họ có mua nữa đâu?

Bạn Nguyễn Bình thì cho rằng: Người Trung Quốc mua bán những thứ trên  không chỉ vì mục đích kiếm tiền, mà còn gây thiệt hại. Còn nhớ những năm 1990- 1992 họ đã mở phong trào mua đồng (Cu) làm cho dân ra sức cắt phá đường dây thông tin bằng đồng để bán cho thương lái Trung Quốc. Kết quả là trong 2 năm, thông tin đường sắt bị tê liệt, gây mất trật tự an toàn giao thông đường sắt hàng mấy năm trời. Số tiền đầu tư của nhà nước để trang bị loại dây mới thay cho dây đồng nhiều không kể xiết.

Còn bạn Thắng lại phân tích: Thứ nhất, bất kỳ hàng hóa nào cũng có giá trị sử dụng đối với một nhóm ít hay nhiều người nào đó. Chỉ tiếc là chúng ta chưa quan tâm đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá tác dụng của những loại hàng hóa đó. Thứ hai, là họ mua một loại hàng hóa nào đó tới khi cạn kiệt, sau đó họ sẽ bán những hàng hóa thay thế cho chúng ta với giá cắt cổ. Còn nhớ trước đây họ mua sừng trâu, móng trâu -> giảm sức kéo – sản xuất nông nghiệp gặp khó -> họ bán máy nông nghiệp cho ta với giá cao. Họ mua mèo để sau đó bán thuốc diệt chuột, keo dính chuột tràn lan. Họ mua râu ngô sau đó họ bán ngô, sắn cho ta,…. và còn nhiều ví dụ khác.

Cuối cùng, phản hồi của các bạn đọc đề nghị mọi người nêu cao cảnh giác và cũng mong các nhà làm chính sách, các cơ quan chức năng thực sự quan tâm bảo vệ nhân dân, bảo vệ sản xuất. Các chính quyền địa phương nơi có thương lái Trung Quốc tới mua hàng phải tuyên truyền cho dân hiểu, không để người dân thấy tiền là bất chấp tất cả; có biện pháp không để thương lái Trung Quốc làm xáo trộn cuộc sống người dân.  Đề nghị chính quyền nghiêm khắc và phạt nặng những người Việt Nam tiếp tay cho thương lái Trung Quốc. Hãy thể hiện là người Việt Nam yêu nước và thông minh bằng chính hành động của mỗi người.

Ban Bạn đọc

(vietnamnet.vn)