Tinh Hoa

Thêm trẻ nhập viện vì gói chống ẩm trong bánh gạo One One

Sau 3 trường hợp bị bỏng mắt vì gói chống ẩm trong bánh gạo One One, mới đây lại tiếp tục có 2 trẻ phải nhập viện cấp cứu. Theo các bác sĩ, những vết bỏng mắt này sẽ không thể lành lặn trở lại như bình thường.

“Đến nay, hai mắt vẫn chưa mở ra được!” 

Sáng ngày 5/3, chúng tôi có mặt tại Khoa Chấn thương, Bệnh viện Mắt T.Ư đã chứng kiến thêm 2 trường hợp trẻ nhỏ bị tổn thương mắt do gói chống ẩm có độ pH rất cao của Công ty Cổ phần Thực phẩm One One gây nên.

Khi chúng tôi đến phòng điều trị, mẹ cháu là chị Dương Thị Thư, sinh năm 1963, trú tại thôn Tòng Thái, xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì, Hà Nội vừa ôm con trai là cháu Đỗ Thành Đạt, 3 tuổi đi chụp X-quang về. Hai mắt cháu nhắm nghiền, sưng, xước, đầy dịch trắng chảy ra từ mắt. Ôm con trong tay, nước mắt lưng tròng chị bảo, cháu Đạt bị bỏng hai mắt do chất chống ẩm trong gói bánh gạo One One.

Cháu Đỗ Thanh Đạt không thể mở được mắt.

Sự việc trên xảy ra vào buổi tối ngày 28/2/2013, là ngày dạm ngõ con gái đầu của chị. Khi cả nhà đang ngồi chơi cùng khách ngoài sân, bỗng nghe thấy tiếng cháu Đạt kêu thét lên một cách đau đớn. Chạy vào nhà mọi người thấy bột của gói chống ẩm trong bánh gạo One One bay đầy khắp nhà, người và mặt cháu. Đôi mắt nhắm nghiền, miệng cháu kêu la: Mắt con đau quá!

Lúc này chị Thư đã cùng chồng vội vàng đưa con đến cấp cứu tại trạm xá gần nhà để sơ cứu, sau đó đưa luôn ra bệnh viện huyện. “Cả đêm hôm đó ở bệnh viện huyện, cháu không ngủ được, khóc rất nhiều đến độ người lả hẳn đi, giọng đặc lại. Sáng ngày 1/3/2013, cháu được Bệnh viện huyện chuyển lên Bệnh viện Mắt T.Ư. Đến nay, hai mắt vẫn chưa mở ra được!”, chị Thư kể lại.

Nhà chị Thư có 5 cô con gái, gắng mãi được một cậu con trai nên cháu Đạt là niềm hy vọng của cả đại gia đình. Nay mắt cháu bị bỏng, chưa biết cứu chữa kết quả thế nào nên không khí gia đình hết sức nặng nề. “Gia đình tôi làm nông, quanh năm chỉ biết đến ruộng đồng. Gia đình cũng thuộc hộ nghèo nên cháu bị bỏng mắt càng khiến gia đình túng thiếu. Cháu vì đau và sợ nên cứ bắt mẹ phải cõng mãi trên lưng, có khi sợ quá còn tè cả ra quần. Mỗi lần rửa mắt, cháu sợ và đau nên vật vã rất mạnh, phải mấy người giữ mới được. Xót cho con tôi quá!”, chị Thư chua xót.

Cháu Lưu Kim Gia Bảo bị tổn thương mắt bên phải.

26 tháng tuổi mất thị lực hơn 5 phần

Bệnh nhân thứ hai chúng tôi cũng gặp trong sáng ngày hôm đó là cháu Lưu Kim Gia Bảo, 26 tháng tuổi, sống tại xóm Tiền Phong, Ngọc Hải, Đồ Sơn, Hải Phòng. Mẹ cháu, chị Nguyễn Thị Nhung cho biết, tối ngày 28/2/2013 cháu Lưu Kim Gia Bảo chơi gói bánh gạo, trong đó có gói chống ẩm. Vì cháu vẫn cầm gói gia vị của mỳ tôm ăn nên khi bóc gói bánh gạo ra cháu đã cầm lấy và cho vào miệng cắn, dùng tay xé ra. Chỉ trong tích tắc, gói bột trắng đã bắn vào mắt phải. Cháu đau rát, vật vã. Biết sự việc, mẹ cháu liền nhúng mặt con vào chậu nước sạch, vỗ vỗ mắt nhằm làm sạch chất bột trắng còn đọng trong mắt nhưng vẫn không hết. Cháu vẫn giãy, kêu gào vì đau. Ngay sau đó, bố mẹ cháu đã đưa con đến bệnh viện gần nhà, ở đây các bác sĩ đã rửa mắt cho cháu và chuyển lên Bệnh viện Mắt T.Ư.

“Các bác sĩ khám và kết luận, cháu bị chất bột trắng của gói chống ẩm làm bỏng giác mạc, loét phần xung quanh của vành mắt bên trong. Các bác sĩ đã phải mổ mắt để vét phần giác mạc bị hỏng. Riêng phần con ngươi bị bỏng không thể chữa trị. Hiện nay, mắt cháu đã qua nguy kịch nhưng vẫn còn phải điều trị do có những chấm đục giác mạc và con ngươi. Theo bác sĩ nói, chất bột của gói chống ẩm này đã ăn sâu vào giác mạc nên mắt sẽ có di chứng, không thể trở lại như bình thường”, bố cháu cho biết.

Chị Nhung nước mắt nhạt nhòa trên khuôn mặt hốc hác chia sẻ: Nhìn vào mắt con mình ai cũng xót xa thay cho cháu, bởi trên khuôn mặt khôi ngô, thông minh đó là một con mắt có màu trắng dại. Mức nhìn của mắt hiện chỉ còn chưa đến 5 phần.

Theo BS.TS Ngô Văn Thắng, Khoa Chấn thương, Bệnh viện Mắt T.Ư – bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Đỗ Thành Đạt: “Viện đã có nhiều bệnh nhân bị bỏng mắt do gói chống ẩm trong bánh gạo. Bệnh nhân Đạt được chẩn đoán bị bỏng kết giác mạc độ II và III do kiềm. Hôm đầu vào chẩn đoán mức độ bỏng là III và IV, nhưng đã được rửa nên giảm độ bỏng hơn. Hiện bệnh nhân đang được theo dõi, rửa và tra thuốc vào mắt thường xuyên cũng như kiểm tra mức độ nhiễm trùng. Trường hợp vết loét này nhiễm trùng và làm sẹo được thì sẽ tránh được việc ghép giác mạc. Đây là một ca bỏng nặng”.

(Theo KT)

(vietnamnet.vn)