Tinh Hoa

Mũi nhọn và tốc độ của ông Vượng tỷ đô

 Vị tỷ phú “ẩn danh” Phạm Nhật Vượng lại đang ngày càng nổi tiếng. Danh hiệu tỷ phú Việt Nam đầu tiên lọt danh sách Forbes có thể sẽ giúp tham vọng vươn tới những cơ hội mới trên thị trường quốc tế trở nên khả thi hơn. Tuy nhiên, đối với giới kinh doanh trong nước ông cũng luôn được nhắc đến với những câu chuyện về tốc độ làm việc của ông cũng như ở VIC.

 Tỷ phú làm việc tốc độ

Theo danh sách những người giàu nhất thế giới do Forbes vừa công bố, tính đến tháng 3/2013, ông Vượng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup có khối tài sản trị giá 1,5 tỷ USD và xếp thứ 974 trong tổng số 1.426 tỷ phú trên thế giới.

Hiện tại, ông Vượng đang sở hữu nhiều dự án BĐS hỗn hợp tại những khu đất vàng ở Việt Nam và đang tiếp tục phát triển những dự án cao cấp mới thu hút sự quan tâm của rất nhiều người có thu nhập cao.

Tập đoàn Vingroup do ông làm chủ tịch hiện vẫn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực BĐS và vẫn đang phát triển khá mạnh cho dù thị trường BĐS trong nước trầm lắng, đóng băng trong hơn hai năm qua. Doanh thu của VIC trong năm 2012 tăng hơn 240% so với 2011, trong khi lợi nhuận cũng tăng 72%.

Ông Phạm Nhật Vượng.

Ông Vượng được biết đến là một lãnh đạo hòa đồng, thường chơi đá bóng, bóng rổ với nhân viên tại trung tâm thể thao của công ty nhưng luôn đề cao kỷ luật, với khẩu hiệu mà mọi nhân viên đều thuộc lòng: “Tốc độ, sáng tạo và hiệu quả trong từng việc làm, trong từng hành động”.

Một nguyên tắc của doanh nhân giàu nhất Việt Nam này là: “Tấn công luôn tốt hơn là phòng thủ”. Nguyên tắc này được ông đưa ra khi chơi bóng đá với vị trí tiền đạo nhưng lại được ông áp dụng cho mọi việc làm của mình.

Về kế hoạch trong tương lai, ông Vượng cho biết, vẫn sẽ tập trung vào lĩnh vực xây dựng và BĐS bởi, theo doanh nhân này, Việt Nam có quá nhiều thứ phải xây. Nhu cầu tại Việt Nam vẫn rất lớn. Không những thế, ông chủ Vingroup cho biết sẽ thực hiện dự án BĐS ở nước ngoài, có thể là Singapore và Hồng Kông, “khi nào có cơ hội tốt”.

Về nước để thành công hơn

Nền tảng ban đầu là Technocom nhưng bước ngoặt để vị doanh nhân trẻ tuổi này trở thành tỷ phú được thế giới công nhận có lẽ lại nằm ở quyết định về nước kinh doanh từ năm 2001, khai thác một thị trường BĐS và du lịch đầy tiềm năng trong nước.

Năm 2001, ông Vượng trở về Việt Nam thành lập Công ty cổ phần Vinpearl chuyên kinh doanh BĐS, khách sạn, nghỉ dưỡng. Đây là một doanh nghiệp quản lý khu du lịch sang trọng Vinpearl Land ở Nha Trang nằm trên đảo Hòn Tre.

Vinpearl Land đã được ông Vượng đầu tư trở thành một khu resort nổi tiếng trong khu vực với hệ thống cáp treo vượt biển dài nhất Việt Nam (hơn 3.300m), với 9 cột trụ trên biển và đất liền có hình dáng và cấu trúc giống tháp Eiffel, vào ban đêm được thắp sáng bằng laser.

Vinpearl Land sau đó đã lên sàn chứng khoán TP.HCM từ năm 2008 với giá cổ phiếu luôn thuộc tốp cao nhất trên thị trường này, vốn hóa thị trường có thời điểm gần tỷ USD.

 

Không chỉ dừng lại ở mảng BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, năm 2002, ông Vượng đã tiếp tục thành lập Công ty cổ phần Vincom, chuyên kinh doanh căn hộ và trung tâm thương mại cao cấp. Với Vincom, ông đã cho ra đời hàng loạt dự án hiện đại và nổi danh hàng đầu Việt Nam và hầu hết ở các vị trí đắc địa như: Tòa tháp đôi Vincom Center Bà Triệu, Vincom Center TP.HCM, Royal City, Vincom Village…

Các chuỗi trung tâm thương mại lớn và đẳng cấp nhất Việt Nam mang thương hiệu Vincom: Vincom Center và Vincom Mega Mall đã được xây dựng tại khắp các đô thị lớn của Việt Nam.

Một điểm nổi bật làm nên thành công của ông Phạm Nhật Vượng là khả năng nắm bắt cơ hội và triển khai ý tưởng rất nhanh, đúng như khẩu hiệu “Tốc độ, sáng tạo và hiệu quả” của ông. Đa số các dự án BĐS của Vingroup được triển khai với tốc độ vào hàng nhanh nhất tại Việt Nam. Cũng chính nhờ vậy, dòng tiền được quay vòng khá nhanh và lợi thế về uy tín cũng giúp tập đoàn huy động vốn nhanh chóng, dễ dàng.

Có thể thấy, trước ông Vượng, rất nhiều doanh nhân đã kinh doanh du lịch và một số đã làm BĐS cao cấp. Tuy nhiên, trong con mắt của nhiều nhà đầu tư, ông Vượng vẫn là người dẫn đầu trong lĩnh vực này bởi quy mô cũng như sự táo bạo.

Không chỉ làm BĐS và du lịch, sau sáp nhập, Vingroup đã thông qua chiến lược xây dựng và phát triển tập đoàn với 4 nhóm thương hiệu: Vincom (bất động sản), Vinpearl (du lịch – giải trí), Vincharm (chăm sóc sắc đẹp và sức khoẻ), Vinmec (dịch vụ y tế chất lượng cao).

Hướng kinh doanh chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe và dịch vụ y tế chất lượng cao đang được nhiều chuyên gia đánh giá rất cao, có triển vọng sinh lời tốt và rất có thể sẽ thay thế BĐS trở thành mảng mang lại lợi ích lớn cho tập đoàn này về sau này.

Trên phạm vi quốc tế, tập đoàn của ông Vượng cũng đã gặt hái được một số thành công, trước hết là về mặt huy động vốn. Hồi 6/2011 tập đoàn đã chuyển đổi thành công 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế thành cổ phiếu; tháng 4/2012 Vingroup cũng đã phát hành thành công một phần trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế với tổng giá trị 185 triệu USD.

Cách đây vài tháng, Vingroup đã được nhiều hãng truyền thông tài chính lớn trên thế giới vinh danh việc phát hành thành công 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi trong bối cảnh kinh tế tài chính toàn cầu khó khăn.

Theo nhận định của Finance Asia, sau thành công của thương vụ phát hành trái phiếu cổ đông bằng USD tại Singapore năm 2009, trở lại với thị trường vốn quốc tế năm nay, Vingroup là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên có thể huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài kể từ khi thị trường tài chính Việt Nam và khu vực lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Danh hiệu tỷ phú đầu tiên của Việt Nam lọt danh sách Forbes có thể cũng mang lại cho Vingroup những thuận lợi hơn nữa trên trường quốc tế.

Huấn Tú

(vietnamnet.vn)