empty
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35.
Quyết định trên được đưa ra trong một cuộc họp về an ninh của chính phủ vào sáng 1/3.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết trong một tuyên bố rằng sự tham gia của các hãng chế tạo trong nước sẽ giúp “duy trì, khuyến khích và nâng cao nền tảng chế tạo thiết bị quốc phòng và công nghệ liên quan của đất nước chúng ta”.
“Do sự tham gia của các công ty Nhật Bản vào việc chế tạo F-35 có đóng góp lớn cho an ninh quốc gia và với điều kiện Mỹ thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ đối với bác bộ phận do Nhật Bản chế tạo, chúng tôi đã quyết định loại điều đó ra khỏi lệnh xuất khẩu vũ khí”, ông Suga tuyên bố.
Hồi năm 2011, Nhật Bản đã chọn dòng máy bay chiến đấu tàng hình F-35, do hãng Lockheed Martin (Mỹ) chế tạo, làm chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo của nước này. Tokyo cho biết các công ty như Mitsubishi Heavy Industries Ltd, IHI Corp và Mitsubishi Electric Corp có thể tham gia vào việc chế tạo và bảo dưỡng F-35.
Ông Suga nói thêm rằng quyết định trên sẽ giúp giảm chi phí của F-35 trong bối cảnh Nhật Bản định mua F-35 để thay thế cho các máy bay chiến đấu F-4 đã lỗi thời.
Tokyo có kế hoạch mua 42 chiếc F-35, với 4 chiếc đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển giao vào tháng 3/2017.
Một phát ngôn viên Bộ quốc phòng Nhật Bản hồi tuần này cho biết không có thay đổi nào với kế hoạch trên, bất chấp việc Mỹ mới đây cho tạm ngừng bay toàn bộ phi đội F-35 sau khi một vết nứt được tìm thấy trong một động cơ máy bay thử nghiệm.
Quyết định của Tokyo diễn ra cùng với việc Bộ quốc phòng Mỹ cho biết sẽ nối lại các chuyến bay của F-35.
“Các chiến dịch bay của F-35 đã được phép nối lại”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Kyra Hawn cho biết trong một tuyên bố.
Vi phạm lệnh cấm?
Tuy nhiên, đã xuất hiện những chỉ trích nói rằng việc Tokyo “gật đầu” để các công ty trong nước được phép tham gia chế tạo và xuất khẩu các bộ phận F-35 là đi ngược với cam kết tìm kiếm hòa bình của Nhật Bản.
Các đảng đối lập tại Nhật Bản đã lên tiếng chỉ trích động thái trên, lo ngại rằng việc bán các máy bay F-35 có các bộ phận do Nhật Bản chế tạo các quốc gia như Israel có thể vi phạm lệnh cấm xuất khẩu vũ khí của Nhật, vì một trong những điểm cốt lõi của lệnh cấm là không xuất khẩu vũ khí cho các quốc gia dính dáng tới xung đột quốc tế.
Israel dự kiến sẽ mua các máy bay chiến đấu F-35 trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Trung Đông.
Vào năm 1976, chính phủ Nhật Bản đã lần đầu tiên đưa ra “3 nguyên tắc về xuất khẩu vũ khí”, vốn cam kết cấm xuất khẩu vũ tới các quốc gia liên quan tới các xung đột quốc tế. Đến năm 1976, Tokyo đã cấm toàn diện việc xuất khẩu vũ khí.
Lệnh cấm kéo dài nhiều thập niên đã khiến các nhà thầu quốc phòng Nhật Bản không thể tham gia vào các chương trình phát triển vũ khí quốc tế, khiến họ gặp khó khăn trong việc bắt kịp đối với sự phát triển công nghệ và giảm chi phí.
Tuy nhiên, đến năm 2011, lệnh xuất khẩu vũ khí đã được nới lỏng nhằm cho phép Nhật Bản tham gia vào việc phát triển và chế tạo vũ khí chung cùng các nước khác.
Động thái mới của chính phủ Nhật Bản có thể khiến các nước láng giềng châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, lo ngại.
Quyết định trên diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang vướngvào cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông với Trung Quốc, nước cũng đang phát triển chiến đấu cơ tàng hình của riêng mình.
Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong những tháng gần đây đã leo tháng tới mức cả hai đều điều các máy bay chiến đấu và tàu tuần tra tới khu vực.
An Bình
Tổng hợp
Xem thêm :nhật bản, máy bay chiến đấu, quốc gia, công ty, xuất khẩu vũ khí, israel, trung quốc, phát triển, tổng hợp, trung đông
(dantri.com.vn)