Thứ bảy, 2/3/2013, 06:07 GMT+7
Ông Việt chia sẻ với VnExpress.net lý do ngừng bay từ đầu tháng 3, tình hình tài chính và kế hoạch tái cấu trúc hãng trong thời gian tới.
– Xin ông cho biết tình hình hoạt động của Air Mekong trước khi hãng bay chuyến cuối cùng vào ngày 28/2?
– Trước khi tạm ngừng bay kể từ đầu tháng 3, chúng tôi vẫn khai thác rất tốt. Air Mekong hiện có 13 đường bay, hệ số khai thác ghế trong năm qua lên đến 82%. Những ngày cuối tháng 2, dù biết hãng gặp khó khăn, dính nhiều tin đồn không hay nhưng khách hàng vẫn ủng hộ chúng tôi.
Ngày 28/2, hệ số khai thác ghế tới 89%. Chuyến bay cuối từ TP HCM đi Côn Đảo vẫn đầy khách như thường lệ. Các con số này cho thấy chúng tôi đang bay rất tốt.
Chuyến bay cuối cùng Air Mekong tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/2. Ảnh: Kiên Cường |
– Nhiều thông tin cho rằng hãng phải dừng bay vì nợ nần đối tác và lỗ lớn. Ông có thể cho biết rõ hơn về tình hình tài chính hiện tại?
– Từ khi thành lập và bay chính thức vào năm 2010, những nhà đầu tư luôn mong muốn Air Mekong bay tốt, dù họ chấp nhận sẽ lỗ trong 2-3 năm đầu. Đến năm 2012, hoạt động kinh doanh tốt hơn các năm trước nhưng khó khăn chung của nền kinh tế đã ảnh hưởng tới chúng tôi.
Thực tế, năm qua, số lỗ tăng lên dù chúng tôi bay tốt hơn. Giá vé ở mức thấp để tăng tính cạnh tranh và phát sinh các chi phí khác nên để tránh mất cân đối, chúng tôi phải đổi máy bay cho phù hợp với chiến lược của mình.
Lúc thấp điểm, doanh thu có thể đạt 2-2,3 tỷ đồng, mùa cao điểm lên đến 5,5 tỷ đồng, nhưng thực tế vẫn lỗ.
– Sau khi ngừng bay, kế hoạch tái cơ cấu của hãng sẽ như thế nào?
– Kinh doanh mà lỗ hoài thì sẽ không thấy “ánh sáng cuối đường hầm” nên phải làm sao để giảm chi phí. Chúng tôi sẽ thay đổi máy bay, nghiên cứu lại đường bay chứ cứ bay trong nước không sớm thì muộn cũng sẽ mệt mỏi và lỗ dần.
Về lao động, hãng vẫn sử dụng lại lao động cũ. Phi công người nước ngoài hiện nay khoảng 40 người, lương 5.000-6.000 USD một tháng, chưa tính các chi phí liên quan khác. Chúng tôi đang nghiên cứu tất cả những điều này để quyết liệt tái cơ cấu, nếu không sẽ chẳng thể tồn tại được.
– Qua hơn 2 năm theo đuổi giấc mơ bay, ông rút ra kinh nghiệm gì về kinh doanh hàng không ở Việt Nam, nhất là hàng không tư nhân?
– Một trong những điều đáng sợ nhất của kinh doanh hàng không là doanh thu không phản ánh đúng thực tế, bởi dù bay tốt nhưng vẫn lỗ. Về hàng không tư nhân, tôi thấy Cục Hàng không cũng như các cơ quan đã có nhiều chính sách cởi mở hơn và hỗ trợ hàng không tư nhân rất nhiều.
Bản thân tôi cũng rất buồn khi hãng ngừng bay vì kinh doanh chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nhưng tôi cũng vui vì mọi người quan tâm tới sếu đầu đỏ, nhất là sự ủng hộ, chia sẻ của nhiều khách hàng.
– Vậy khi nào hãng sẽ bay lại, thưa ông?
– Chúng tôi khẳng định sẽ bay trở lại nhưng còn phụ thuộc vào việc đàm phán với đối tác, tình hình kinh tế… nên chưa thể thông tin cho khách hàng biết chính xác là khi nào. Tuy nhiên, Air Mekong sẽ trở lại trong thời gian sớm nhất.
Air Mekong chính thức bay vào tháng 10/2010. Trong đó, những đường bay đến Buôn Mê Thuột, Pleiku, Côn Đảo khai thác khá hiệu quả. Đầu năm nay, hãng vướng tin đồn nợ tiền xăng dầu. Đến ngày 19/2, Air Mekong cho biết sẽ ngừng bay từ đầu tháng 3 với lý do thay đổi đội tàu bay. Trước đó, lãnh đạo hãng thừa nhận tình hình kinh tế èo uột nên ảnh hưởng tới kinh doanh. Doanh thu năm 2012 cao hơn 7% so với 2011, nhưng cũng không phải ở mức khả quan. Chuyến bay cuối cùng của Air Mekong cất cánh khỏi Tân Sơn Nhất lúc 14h40 ngày 28/2. |
Kiên Cường
(vnexpress.net)